Làm gì để Bphone tiến xa hơn?

Sông Hàn 15/10/2018 05:02

Người tiêu dùng Việt thật sự mong muốn Bphone thành công, đồng thời tạo được cảm hứng, niềm tin cho người dùng.

CEO Nguyễn Tử Quảng của Tập đoàn công nghệ Bkav vừa cho ra mắt thế hệ Bphone 3 tại Trung tâm hội nghị quốc gia. Dư âm của chương trình trước và sau khi tổ chức phần lớn vẫn cho vị CEO này “thổi phồng” quá mức cần thiết sản phẩm Bphone 3 cả về giá cả và chất lượng thật của nó.

CEO Nguyễn Tử Quảng giới thiệu chiếc Bphone 3.

Có thể bạn quan tâm

  • Bphone định vị phân khúc đã hợp lý?

    Bphone định vị phân khúc đã hợp lý?

    00:12, 12/10/2018

  • Trải nghiệm Bphone 3 của Bkav vừa ra mắt

    Trải nghiệm Bphone 3 của Bkav vừa ra mắt

    13:28, 10/10/2018

  • Bphone 3 và kỳ vọng đột phá

    Bphone 3 và kỳ vọng đột phá

    10:08, 10/10/2018

  • Vinfast, Bphone và nỗi mong chờ thế kỷ

    Vinfast, Bphone và nỗi mong chờ thế kỷ

    06:49, 03/10/2018

  • Bphone 3 sẽ ra mắt đầu tháng 10 tới

    Bphone 3 sẽ ra mắt đầu tháng 10 tới

    13:31, 05/09/2018

Thực tế cho thấy, Bphone 3 khiến nhiều người bất ngờ khi không chỉ làm tốt ở khâu định giá mà còn tối ưu hóa mặt chất lượng. Một chiếc smartphone phân khúc tầm trung (6,99 triệu đồng) nhưng được trang bị những tính năng của phân khúc cao cấp như màn hình tràn đáy, có thể sử dụng dưới nước trong vòng 30 phút, camera xóa phông, bảo mật tuyệt đối ngay cả khi bị reset.

Bkav cũng thông minh hơn trong việc định giá khi ở Bphone 3: Ngoài bản tầm trung giá 6,99 triệu đồng, vẫn còn một bản nữa với tên gọi Bphone 3 Pro, giá 9,99 triệu đồng. Chiến lược này giúp Bkav tăng khả năng đưa Bphone 3 đến cửa từng nhà, nhưng không đi quá xa định vị phân khúc cao cấp.

Dẫu vậy, cá nhân ông Nguyễn Tử Quảng cũng chẳng thể trách được dư luận khi vẫn còn sự hoài nghi. Bởi vì, Bphone đời đầu năm 2015 cho đến Bphone đời thứ 2 năm 2017, sau khi ra mắt, đều phải nhận nhiều “gạch đá”. Nếu như Bphone 1 bị “ném đá” vì chất lượng chưa tương xứng với giá tiền. Thì Bphone 2 đã khắc phục được hầu hết các lỗi của sản phẩm đời đầu, thiết kế kiểu dáng sản phẩm đã thay đổi rất nhiều, cấu hình ở cuối phân khúc tầm trung hoặc cận cao cấp, nhưng mức giá được cho là cao.

Khách quan mà nói, không có những bước chập chững mày mò nghiên cứu và phát triển, làm sao có được sản phẩm ra thị trường và mở ra một ngành sản xuất smartphone Việt Nam trong tương lai. Có người nói: “Khi chưa thật sự trải nghiệm sản phẩm, đừng vội "ném đá" vào công sức của 1.500 con người, bởi khi đó, mọi kết luận chỉ là "tát nước theo mưa" hay “ném đá” hội đồng”.

Hơn nữa, một người đã dám chơi “canh bạc” chi khoảng 500 tỷ đồng suốt chừng ấy năm nhằm khẳng định rằng trí tuệ Việt có thể làm chủ công nghệ sản xuất smartphone, thì chắc phải là người “điên” mới dám làm như thế. Và đúng là chất “điên” này giúp Nguyễn Tử Quảng dám làm Bphone theo cách của mình mà không giống ai, và không phải ai cũng dám làm.

Thống kê lại hàng loạt các dòng điện thoại thương hiệu Việt từng xuất hiện đình đám trên thị trường như: Q- Mobile của Viễn thông An Bình, Hi - Mobile của HIPT hay các smartphone dòng F của FPT, có thể thấy các thương hiệu này đều trong tình trạng “sớm nở tối tàn” và đều đã phải dừng sản xuất.

Cũng theo một thống kê gần đây, smartphone Việt chỉ còn Mobiistar, Masscom, Mobell là “trụ được”. Trong đó, các mẫu điện thoại của Mobell chỉ có giá từ 1,5 - 3 triệu đồng và đang bán khá tốt cho người dùng bình dân ở khu vục phía Nam. Một CEO của hãng Mobiisstar từng chia sẻ: “Không thể dùng điện thoại thương hiệu Việt để thuyết phục người dùng. Thay vào đó phải tập trung giải quyết nhu cầu người dùng, thuyết phục họ rằng, chúng tôi làm được điều đó”.

Cá nhân người viết ủng hộ quan điểm này. Vì bấy lâu nay, nhiều người đang đánh đồng cái khẩu hiệu “người Việt dùng hàng Việt” ở tất thảy mọi lĩnh vực ngành/nghề, nhất là hàng tiêu dùng. Với Bphone nói riêng, hay các smartphone thương hiệu nội cũng thế, không thể cứ lấy cái mác điện thoại Việt rồi kêu gọi mua để thể hiện lòng yêu mến sản phẩm Việt được.

Có thể nói, thách thức đáng kể nhất đối với sản phẩm công nghệ Việt hiện nay vẫn là niềm tin. May mắn ở chỗ, những chiếc Bphone đã thuyết phục được người tiêu dùng rằng chí ít là doanh nghiệp Việt đã có thể tự nghiên cứu, phát triển, sản xuất được smartphone “made in Vietnam, made by Vietnam”, chứ không chỉ có một con đường là nhập “nguyên con” từ Trung Quốc, rồi gắn mác thương hiệu Việt và bán ra thị trường.

Chính vì vậy, không chỉ CEO Nguyễn Tử Quảng, mà người tiêu dùng Việt thật sự mong muốn Bphone sẽ gây dựng được thành công, đồng thời tạo được cảm hứng, niềm tin cho người dùng. Để đạt được mong muốn đó, Bkav phải thật sự nghiêm túc với “đứa con cưng” của mình! 

Sông Hàn