Vẽ "bức tranh" ngành Giáo dục qua lá phiếu

Trương Khắc Trà 26/10/2018 06:03

Điều gì đang xảy ra với các Bộ trưởng giáo dục, hay đúng hơn, giáo dục đang mắc phải trở ngại nào không thể giải quyết?

Quốc hội vừa công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh, dù muốn hay không - tại thời điểm này “mức độ tín nhiệm” là "nhiệt kế" đáng tin cậy đo lường độ "nóng- lạnh" của tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, đối nội đối ngoại.

Tư lệnh ngành Giáo dục có số phiếu "tín nhiệm thấp" nhiều nhất trong 48 chức danh, chiếm 28,25% trong tổng số 471 phiếu. Kết quả này phản ánh khá chính xác những gì "con thuyền" giáo dục phải đối mặt dưới sự chèo lái của thuyền trưởng Phùng Xuân Nhạ. Tôi chia sẻ với Bộ trưởng vì giáo dục chưa bao giờ là lĩnh vực dễ dàng!

Nói giáo dục là lĩnh vực khó khăn, bởi năm 2013 Bộ trưởng khi đó là ông Phạm Vũ Luận nhận được rất nhiều kỳ vọng sẽ giải quyết được hàng đống tồn tại của ngành. Nhưng năm đó, ông Luận là người đứng cuối sổ, số phiếu tín nhiệm thấp lên tới 34,54%!.

Ngành giáo dục cần dũng cảm nhìn vào thực tế

Ngành Giáo dục cần dũng cảm nhìn vào thực tế

Là một sản phẩm của nền giáo dục, tôi cảm thấy không vui khi biết kết quả này, vì trong đó có tôi, bạn bè, thầy cô. Hơn thế nữa, nghề giáo luôn được xã hội tôn trọng gọi bằng “thầy” chắc chắn còn đối mặt với búa rìu dư luận.

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Tôi tin cải cách được sách giáo khoa”

    Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Tôi tin cải cách được sách giáo khoa”

    10:33, 06/06/2018

  • Hôm nay Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn

    Hôm nay Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn

    06:18, 06/06/2018

  • Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Mục tiêu tạo nên con người nhân văn

    Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Mục tiêu tạo nên con người nhân văn

    09:49, 26/01/2017

  • Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đề án dạy học ngoại ngữ không đạt mục tiêu

    Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đề án dạy học ngoại ngữ không đạt mục tiêu

    11:54, 16/11/2016

Điều gì đang xảy ra với các Bộ trưởng Giáo dục, hay đúng hơn, giáo dục đang mắc phải trở ngại nào không thể giải quyết? Hẳn nhiên, là lãnh đạo cao nhất ngành, Bộ trưởng chắc chắn rõ hơn ai hết.

Nhưng nghĩ rằng, chưa phải Bộ trưởng mà người lo lắng nhất chính là phụ huynh, học sinh, ai cũng muốn con em mình được giáo dục và đạo tạo trong một môi trường tốt nhất, ở đó không có những toan tính đầy mùi lợi ích của người lớn.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu, không sai chút nào, nhưng giáo dục cũng là một trong những “cái nôi” sản sinh nhiều tranh cãi nhất thời gian qua.

Căn bệnh kinh niên mang tên dạy thêm, học thêm chưa có thuốc chữa, bạo lực học đường, lạm thu, đâu đó cứ thỉnh thoảng hàng loạt giáo viên bỗng dưng mất việc. Rồi thêm căn bệnh mới mà cũ là nâng điểm thi làm bàng hoàng dư luận, cãi vã gay gắt học thế nào, dạy cái gì, dạy ra sao…

Cho đến những vấn đề tưởng chừng vụn vặt như giáo viên bị điều đi tiếp khách, đồng lương èo uột không đủ trang trải, cả những vụ việc đau lòng “bôi trơn” để khỏi thất nghiệp, thiếu trường thiếu lớp, những đề án giáo dục ngàn tỷ để lại câu hỏi muôn thuở.

Hàng tá vấn đề không phải chỉ phát sinh dưới thời Bộ trưởng Nhạ, một nửa nhiệm kỳ hai năm rưỡi ngắn ngủi không thể nào mang đi đổ hết những tồn tại cố hữu, nhưng ít nhất không để phát sinh thêm ung nhọt mới.

Dĩ nhiên rồi, ngành Giáo dục không phải là “ngôi nhà riêng” của ông Nhạ, Bộ trưởng chỉ là người chịu trách nhiệm cao nhất tương đương với danh xưng “Tư lệnh”. Đó là một hệ thống bao gồm cả các quan chức giáo dục địa phương. Một cỗ máy trơn tru phải cấu thành từ những linh kiện tốt.

Nên suy đến cùng, con người quyết định tất cả, trong giáo dục có câu nói bất hủ “không có thầy giỏi thì không có trò giỏi”. Bộ trưởng có đủ dũng khí làm cuộc cách mạng nhân sự ở ngành mình.

Xử trí thế nào với nạn gian lận thi cử, do đâu có tình trạng này? Có phải vì cán bộ giáo dục địa phương bị chi phối bởi đồng tiền. Và một vụ bê bối kinh thiên động địa như thế chỉ một vài cán bộ cấp thấp bị khởi tố.

Làm gì với nạn dạy thêm học thêm bát nháo như hiện nay, chắc chắn không thể cấm bằng mệnh lệnh hành chính; một huyện nghèo tuyển hàng trăm giáo viên rồi sa thải, và nhiều chuyện khác nữa..., Bộ trưởng chẳng nhẽ không biết.   

Ai cũng mong muốn sống trong một xã hội văn minh, nhưng rất khó nếu giáo dục rời xa mục tiêu đào tạo con người. Hy vọng ngành giáo dục biến những lá phiếu “tín nhiệm thấp” thành động lực để thay đổi.

Trương Khắc Trà