"Trong nhiệm kỳ của mình, chúng tôi tin rằng việc đổi mới nội dung sách giáo khoa phải đạt kết quả" - Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định tại phiên chất vấn sáng 6/6.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
Có thể bạn quan tâm
09:40, 06/06/2018
09:26, 06/06/2018
14:00, 05/06/2018
16:08, 02/06/2018
Tại phiên chất vấn, đại biểu Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) đặt câu hỏi về thời gian đổi mới giáo dục, Việt Nam đã đi đến đâu trên con đường quá độ đổi mới?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định giáo dục liên quan đến mọi người, đụng chạm đến toàn xã hội, nên đổi mới phải có lộ trình, có bước đi.
Ông ví dụ, trong thi cử cũng vậy, từ việc tổ chức hai kỳ thi trong năm chúng ta tổ chức lại một kỳ thi, rồi chỉnh sửa dần cho phù hợp. “Chúng tôi cũng nghiên cứu cùng với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa, chứ không thể đổi mới ngay được", ông Nhạ nói.
Bộ trưởng Nhạ khẳng định, chúng ta đang ở giai đoạn đổi mới và đạt nhiều hiệu quả. Ví dụ phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học chúng ta làm tốt, được quốc tế đánh giá cao.
“Tôi mong cử tri, nhân dân, các vị đại biểu hãy chia sẻ với những khó khăn của ngành. Chúng tôi tin rằng trong từng mốc thời gian sẽ có kết quả. Trong nhiệm kỳ của mình, chúng tôi tin rằng việc đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa phải đạt kết quả. Về đại học thì đẩy mạnh tự chủ, nâng cao chất lượng, đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực", ông Nhạ nhấn mạnh.
Trước đó, hồi cuối năm 2017, mặc dù Quốc hội cho phép lùi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới tối đa 2 năm, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn quyết tâm chỉ lùi một năm.
Trong kết luận của Bộ trưởng Giáo dục và Đạo tạo Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về tiếp tục triển khai việc xây dựng và chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng yêu cầu triển khai chương trình mới ngay từ năm học 2019-2020.
Cụ thể, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng tuần tự trong từng cấp học, từ năm học 2019-2020 đối với lớp đầu cấp tiểu học, năm học 2020-2021 với lớp đầu cấp trung học cơ sở và năm học 2021-2022 đối với lớp đầu cấp của trung học phổ thông.
Để đảm bảo, đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, ngành giáo dục sẽ điều chỉnh Đề án bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; đề xuất nguồn vốn trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương để thực hiện đề án.
Bộ cũng sẽ kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng chính quyền địa phương ưu tiên đảm bảo bố trí ngân sách để thực hiện đúng lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.