Chào năm mới - 2019!
Đã có ai từng đặt câu hỏi vì sao một năm không phải ít hoặc nhiều hơn 12 tháng? Vì sao một ngày có 24h mà không thể nhiều hơn?...
Có một câu hỏi rất xa thẳm, trong vũ trụ bao la và thời gian vô tận, chúng ta sẽ làm gì để không trôi dạt về tương lai và không phiêu lãng đâu đó quá khứ? Thời gian là dòng chảy bất tận, chúng ta sẽ làm gì để chính mình được ngơi nghỉ?
Khoa học đã phân định, một phút có 60 giây, mỗi giờ là 60 phút, mỗi ngày 24h đồng hồ, mỗi năm 365 ngày.... Con người sẽ tạm thời ngắt quãng ở đâu để kiểm xét một chặng đường đã bước?
Mỗi giây là quá nhanh, một ngày cũng quá ngắn, một thập kỷ lại quá lâu, một thiên niên kỷ là không thể. Cổ nhân đã chọn - cứ 365 ngày trôi qua trong chuỗi vô tận để lật qua một con số trên tờ lịch.
Janus là tên một vị thần trong “Thần thoại La Mã” - là vị thần tượng trưng cho sự “khởi đầu” và “chuyển đổi”. Janus được mô tả có 2 khuôn mặt, một để hướng đến tương lai, và một để nhìn về quá khứ.
Thời kỳ tiền Cơ đốc giáo, khi lịch Julius (là loại lịch có mỗi năm 365,25 ngày chia thành 12 tháng, sau 4 năm lại dư ra một ngày được gọi là ngày nhuận) trở nên thông dụng. Ngày đầu tiên của năm mới (1/1) là ngày dành cho Janus, cũng có nghĩa là sự khởi đầu.
Có thể bạn quan tâm
Đâu là nguy cơ đe dọa kinh tế toàn cầu năm 2019?
11:00, 30/12/2018
2 kịch bản giá vàng năm 2019
05:01, 31/12/2018
Năm 2019 là cơ hội vàng cho dệt may Việt Nam?
06:00, 31/12/2018
Qua hàng ngàn năm, ngày 1/1 trong lịch dương, hay còn gọi là Tết dương lịch vẫn mang đầy đủ ý nghĩa kể từ khi nó sinh ra. Đánh dấu sự kết thúc của một chu kỳ nhỏ của vũ trụ nhưng mở ra thêm chu kỳ mới…cứ như thế, không biết bao giờ mới kết thúc.
Với người Việt, thuộc một trong những nơi ít ỏi còn sử dụng Âm lịch thì Tết dương lịch dường như bớt thiêng liêng hơn, nhưng vòng quay của hội nhập mang tất cả vào chung một dòng chảy.
Đó là dòng chảy của lý tính, khi những ngày này người ta bắt đầu dừng lại và tổng kết mọi thứ để kịp thời định hình cho một năm tiếp theo.
Được, mất, thành, bại, thịnh, suy có thể gói gọn trong 365 ngày của một năm. Đã có ai từng đặt câu hỏi vì sao một năm không phải ít hoặc nhiều hơn 12 tháng? Vì sao một ngày có 24h mà không thể nhiều hơn? v…v. Nếu có câu hỏi ấy trong tư duy tức là con người bắt đầu “đặt vấn đề” về sự hình thành của Thái dương hệ, của vũ trụ…
Nhưng con người không còn lý do để sinh tồn nếu như chúng ta có thể giải quyết hết mọi thắc mắc. Cũng như thế, những thời khắc của tạo hóa sẽ mang đến cảm xúc khó tả nếu như nó là điều gì đó…bí ẩn!
Trở về với thực tại, hơn 7 tỷ người trên hành tinh và cũng chừng ấy số phận, Tết của mỗi một người, mỗi gia đình, một dân tộc không phải khi nào cũng giống nhau.
Trong khi ở đảo quốc Kribati trên Thái Bình Dương là nơi đầu tiên trên địa cầu “chạm” vào năm 2019 thì ở hai hòn đảo hẻo lánh ngoài khơi nước Mỹ là Baker và Howland phải đợi đến một ngày sau để đón năm mới.
Trong khi một CEO trẻ ở Mỹ ước ao sẽ lọt top Forbes trong năm 2019, thì ở Trung Đông xa xôi - một em bé mồ côi ở Syria cầu nguyện mẹ và anh trai sẽ trở về sau cơn loạn lạc di cư.
Khi những người dân của 200 quê hương quần tụ ở Australia cùng mở Champagne thương hiệu Pháp, dưới màn pháo hoa rực rỡ, thì ngay tại Paris - kinh đô ánh sáng, hàng triệu người đón năm mới trong nỗi âu lo.
Và trong khi Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á, Châu Đại Dương - những đô thị xa hoa ngập tràn trên khắp các tờ báo trong đêm giao thừa, thì rất khó để tìm thấy một thông tin nào của hàng trăm triệu người nghèo đói ở Phi Châu, họ đón năm mới như thế nào nhỉ?.
Đó là sự bất công - như một quy luật vốn có của tạo hóa. Đâu đó trong sách báo, ngoài đời thực thi thoảng ta vẫn bắt gặp thông điệp “con người hãy đối xử tử tế với nhau”, kỳ thực nhân loại tồn tại cho đến nay là nhờ vào sự “tử tế” ấy.
Nhưng tập hợp của một xã hội người trong một không gian lãnh thổ có chung ngôn ngữ, chữ viết - là một quốc gia. Ai sẽ có nhiệm vụ kêu gọi “các quốc gia hãy tử tế với nhau”? Đến bao giờ giải Nobel hòa bình sẽ hết tranh cãi?
Tổng thư ký LHQ gửi đi một thông điệp thay lời chúc mừng năm mới: “Khi chúng ta bước sang năm mới, hãy giải quyết các mối đe dọa xung đột, bảo vệ quyền con người và cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”.
Nhưng, thực tế vẫn phải đối diện, dù cùng nhau hướng về một điều gì đó nhưng không hoàn toàn có nghĩa sự “tử tế” ngay lập tức có mặt. Nhân loại đang đối mặt với mối nguy khu biệt, buông bỏ đa phương, chủ nghĩa dân tộc lớn lên trong khi sự đại đồng bé lại.
Nhưng, bạn nghĩ rằng, ca khúc mừng năm mới “Happy New Year” sẽ cất lên khắp nơi trên thế giới? Không phải như vậy, giai điệu này chỉ phổ biến ở Việt Nam và một vài quốc gia khác.
Một âm hưởng quyến rũ đượm buồn qua giọng hát ngọt như socola của ABBA, thực chất không mấy vui vẻ. Khiến nỗi buồn dường như len lỏi vào trong từng câu chữ. Một thứ cảm xúc đặc trưng giống như lòng người mỗi khi đối mặt với dòng chảy vô cùng tận của thời gian.
“No more champagne. And the fireworks are through. Here we are, me and you. Feeling lost and feeling blue. It's the end of the party. And the morning seems so grey. So unlike yesterday...”
Tạm dịch: “Rượu đã cạn. Và pháo hoa cũng tắt. Chỉ còn mình anh và em ở đây. Cảm thấy lạc lõng và buồn bã. Tiệc đã tàn. Và bình minh sao ảm đạm quá. Không giống như ngày hôm qua”…