Đội tuyển Việt Nam và những đối thủ Tây Á - không chỉ là bóng đá!
Tận cùng ý nghĩa của bóng đá không phải là tỷ số, mà cứ sau mỗi trận đấu ta lại biết thêm nhiều điều để thấy rằng, thế giới thật rộng lớn biết bao!
Không biết duyên cớ gì mà bóng đá Việt Nam thường đụng độ với các đội bóng Tây Á ở những giải đấu quan trọng, trong những trận đấu mang tính chất sống còn.
Giải U23 châu Á hồi đầu năm 2018, trong số 7 trận đấu của U23 Việt Nam thì có đến 3 trận đá với các đội bóng đến từ Trung Đông (Qatar, Iraq, Syria) tại Asiad 18 tiếp tục gặp Bahrain, Syria, UAE.
Đến Asian Cup 2019, đội tuyển Việt Nam lại nằm chung bảng đấu với 3 đội bóng Tây Á (Iraq, Iran, Yemen).
Nếu nhận định một cách toàn diện, bóng đá Việt Nam vẫn xếp sau bóng đá Tây Á một bậc về đẳng cấp, trình độ. Một phần vì chênh lệch về phát triển kinh tế, phần còn lại nằm ở yếu tố thể trạng con người.
Có thể bạn quan tâm
[Asian Cup 2019] Việt Nam vs Yemen: Thắng và đi tiếp!
05:03, 16/01/2019
[Asian Cup 2019] Việt Nam vs Iran: Mục tiêu nào khả dĩ?
07:14, 12/01/2019
Đội tuyển Việt Nam và tấm vé “nghẹt thở” vòng 1/8
12:55, 18/01/2019
Nhưng điều đó thường không quyết định đến kết quả sau mỗi trận đấu với các đội bóng Tây Á. Từ đầu năm 2018 đến nay, ở các cấp độ, Việt Nam 9 lần gặp các đội bóng Trung Đông, chỉ để thua 3 trận.
Một kết quả rất bất ngờ trước những đội bóng ngang tầm hoặc mạnh hơn một bậc. Vậy phải chăng có yếu tố duy tâm nào đó trong bóng đá?
Hẳn nhiên là không, nhưng trong bóng đá có tồn tại thuật ngữ “kỵ rơ”, ví dụ như Barcelona thường thua những câu lạc bộ tí hon Real Betis, Celta Vigo; Real Madrid thường chơi rất tệ khi gặp đội yếu hơn Aletico Madrid, hay Chelsea một “đại gia” ở Ngoại hạng Anh thường khốn khổ khi gặp Newcastle, cũng tương tự như cặp Arsenal và Stoke City…
Ở Đông Nam Á, Việt Nam thường “ớn” Thái Lan mỗi khi hai đội gặp nhau, mặc dù lực lượng có lúc ngang tầm nhau. Hoặc, cứ mỗi lần đụng độ bóng đá Hàn Quốc, Nhật Bản ở mọi cấp độ, thường không có phần trăm hy vọng nào cho Việt Nam.
Yếu tố kỵ rơ sẽ san bằng mọi khoảng cách về mạnh yếu, trên dưới, cho đến nay thế giới bóng đá vẫn chưa có lời giải đáp nào thỏa đáng cho khái niệm bí ẩn này.
Jordan - đối thủ của Việt Nam trong trận đấu loại trực tiếp ở vòng 1/8 Asian Cup 2019 cũng là một đội bóng tầm trung ở mặt bằng chung Tây Á. Họ chễm chệ ngôi đầu bảng với 7 điểm sau 3 trận.
Jordan là một đất nước nhỏ bé, không được thiên nhiên ưu ái, mặc dù nằm cạnh “túi dầu” Iran, Iraq nhưng nước này hầu như không có dầu, chỉ 10% đất đai có thể trồng trọt.
Là một quốc gia được tổ chức theo mô hình Quân chủ lập hiến, dưới sự trị vì của quốc vương Abdullah II. Nước này bắt đầu có các chương trình cải cách mạnh mẽ từ năm 1999, GDP bình quân đầu người hiện nay đã tăng đến 351% so với những năm 1970.
Tuy nhiên, đằng sau những chiến thắng ngọt ngào trước các đội bóng Tây Á, rồi nhìn lại, ta phải ngưỡng mộ họ bởi tinh thần vượt khó ngoạn mục.
Yemen - đội vừa bị loại bởi Việt Nam sau khi thất thủ 2 bàn không gỡ, đất nước họ đang trải qua chiến nội chiến đẫm máu, họ không có giải bóng đá vô địch quốc gia.
Không khí hòa bình để có một nơi tập trung đội bóng, sự cuồng nhiệt của khán giả là điều gì đó quá xa xỉ với Yemen. Nhưng họ vẫn hiến đấu hết mình trên sân cỏ.
Ta thắng họ về tỷ số của một trận bóng đá, nhưng không biết có nhỉnh hơn họ về nghị lực?
Syria còn thảm cảnh hơn Yemen, sự có mặt của liên quân nhiều nước trên lãnh thổ biến nước này thành đống đổ nát đúng nghĩa. Trận đấu với Olympic Việt Nam ở Asiad 18, cầu thủ Syria mặc những chiếc áo không tên, thay vào đó là dòng chữ in tên đất nước họ “SYRIA”.
Họ muốn nói với thế giới rằng, SYRIA là một khối thống nhất, không thế lực hùng mạnh nào có thể chia rẽ, dù vẫn chìm trong nội chiến kéo dài, đất nước Syria vẫn còn sống, vẫn tiến lên phía trước. Đó là một câu chuyện dài về khát khao hòa bình của dân tộc này.
“Bóng đá là phải có tiền, còn chúng tôi chẳng có gì“, Fadi Dabas - người từng 3 năm liên tiếp giữ vai trò cố vấn cho đội bóng quốc gia Syria - cay đắng chia sẻ.
Năm 2007, kỳ Asian Cup mà Việt Nam là một trong những chủ nhà đăng cai, đội tuyển - đất nước Iraq lúc đó đang đối mặt với chiến tranh, nhưng họ vẫn chiến đấu và vô địch. Đó có lẽ là một trong những màn đăng quang xúc động nhất trong thế giới bóng đá.
Nếu còn thêm một ý nghĩa nào đó trong bóng đá thì đó chính hà ước vọng đoàn kết, hòa bình, trong những khoảng lặng đó đó, những chiến thắng về mặt tỷ số dường như nhỏ bé dưới thông điệp trọng đại.
“Bringing Asia Together” - “mang châu Á lại gần nhau hơn” đó chính là thông điệp mà chủ nhà UAE muốn chuyển tải thông qua bóng đá.