39 người chết tại Anh: Nguyên nhân không từ một phía!
Thảm kịch này có thể là cơ sở để Quốc hội xem xét lại Điều 150 Bộ luật Hình sự 2015 về tội buôn bán người.
Người Trung Đông, Bắc Phi vì chiến tranh loạn lạc nên tìm cách bỏ chạy khỏi đất nước đã đành. Còn người Việt, chiến tranh đã lùi xa, nhưng vì sao vẫn còn những dòng người ra đi. Mặc dù ai cũng biết “chẳng sướng sung gì”.
Dù không muốn nhưng vẫn phải chấp nhận sự thật, 39 người chết trong container đông lại ở Anh hoàn toàn là người Việt Nam. Giới chức, cảnh sát hạt Essex, cả Thủ tướng Boris Johnson, Bộ trưởng Nội vụ Anh đã đến hiện trường và viết những dòng chia buồn trong sổ tang.
Là người Việt, không có lý do gì mà chúng ta không giành một phút mặc niệm cho các nạn nhân máu đỏ da vàng (…). Và gửi lời cảm ơn chân thành đến nghĩa cử cao đẹp, văn minh của con người ở xứ sở sương mù.
Tất cả chúng đều có lý do để tự an ủi rằng, 39 con người ấy ra đi cũng vì cuộc sống của chính họ và gia đình họ. Nhưng từng đồng ngoại tệ gửi về còn góp sức làm thay đổi diện mạo quê hương. Dòng ngoại tệ ấy còn giúp nhà nước tích lũy để giao thương với nước ngoài.
Là người Việt, họ ra đi bằng cách nào? Thế lực nào dẫn họ đến với chiếc thùng container lạnh lẽo đó? Họ không chết vì ra đi tìm tương lai, mà họ chết vì một đường dây đưa người bất hợp pháp. Nếu không muốn nói đó là băng nhóm buôn bán người xuyên quốc gia.
Và đó càng không phải là một “thảm họa nhân đạo” mà đó chính là những số phận kém may mắn lỡ giao mình cho ác quỷ. Đó là vấn đề của luật pháp, của cơ quan công quyền, của bối cảnh xã hội.
Có thể bạn quan tâm
Cảnh sát Anh xác nhận 39 người chết trong container là người Việt Nam
06:00, 02/11/2019
Đất ấy, người không đi mới lạ!
06:56, 01/11/2019
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác định, năm 2018 tại Việt Nam xảy ra 350 vụ buôn người, bắt hơn 400 đối tượng bị cáo buộc là buôn bán người. Con số này không những giảm mà còn tăng so với năm 2016 (xảy ra 234 vụ và 308 người bị cáo buộc).
Tuy nhiên, trên thực tế, số liệu của các cơ quan chức năng Việt Nam lại hoàn toàn khác.
Năm 2018, lực lượng chức năng Việt Nam đã phát hiện 211 vụ với 276 đối tượng, lừa bán 386 nạn nhân, so với năm 2017 giảm gần 44% số vụ và hơn 43% số đối tượng.
Cũng trong năm 2018, các cơ quan chức năng Việt Nam đã tổ chức xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 1.500 trường hợp, trong đó xác định 490 trường hợp nạn nhân bị mua bán, còn lại là những người nhập cảnh, di cư trái phép; 100% nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, được tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng Công an phát hiện 89 vụ, 142 đối tượng lừa bán 169 nạn nhân, so với cùng kỳ năm trước giảm cả về số vụ, số đối tượng và số nạn nhân.
Những con số này cũng là một phần trong cuộc đấu tranh ngoại giao. Tuy nhiên, lúc này nó không còn nhiều ý nghĩa vì 39 mạng người đau đớn đã nói thay rất nhiều thứ.
Ngành kinh tế môi giới lao động ngoài nước đang nở rộ tại Việt Nam, không một ai chắc chắn mình “an toàn” khi gửi gắm cả gia tài cho nhà môi giới. Không hiếm thấy trường hợp tiền mất, tật mang, công lý không đòi lại được mặc dù xảy ra hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam.
Đã có nhiều quốc gia chí đích danh lao động ở địa phương nào của nước ta không được phép nhập cảnh. Không biết nhà chức trách có thống kê hay không, nhưng lao động Việt Nam “vô phép” tại Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…nhiều vô kể!
Nhưng rất may mắn, từ trước tới nay chưa từng xảy ra vụ việc nào kinh hoàng như 39 người ở Anh. Nói như thế có nghĩa, còn vô vàn cái “sảy” bên trong mỹ từ “xuất khẩu lao động” chờ nảy thành cái “ung” nếu mất cảnh giác!
Sự cố lần này hoàn toàn là cơ sở để các nhà làm luật xem lại Bộ Luật hình sự 2015, cụ thể là Điều 150 về Tội mua bán người, Điều luật này có 4 khoản tương ứng với 4 mức phạt khác nhau.
Án tù dành cho tội phạm mua bán người dao động từ 5 đến 20 năm, phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng; ngoài ra cấm đi khỏi nơi cư trú tối đa 5 năm hoặc tịch thu tài sản.
Tội trạng “xem con người như hàng hóa”, đày đọa thể chất, tinh thần, để lại di họa về lâu dài, chà đạp quyền con người nhưng mức phạt tối đa chưa có án chung thân, thậm chí tử hình!
Và có thể, chúng ta không nên xem xuất khẩu lao động là một “động lực” khuyến khích xây dựng đất nước.