Đã đến lúc - Quốc hội, cơ quan dân cử có quyền lực cao nhất phải tìm giải pháp cho vấn đề di cư lao động!
Năm 23 tuổi, bạn tôi, một thanh niên nhanh nhẹn xuất phát từ miền sơn cước tỉnh Quảng Bình, trong túi áo là mảnh giấy báo trúng tuyển đại học. Cơm đùm gạo bới và chút tiền nhăn nhúm rời núi ra thành phố bắt đầu giấc mơ giảng đường đại học.
Bốn năm sau, 79 con người chúng tôi một lớp bắt đầu bị “đẩy” ra đường. Một tấm bằng đại học đỏ chót và giấc mơ đổi đời vẫn chưa đâu vào đâu. Vài năm sau, chúng tôi bắt đầu tìm kiếm nhau thông qua các mối quan hệ.
Trong số ấy, có đứa êm đềm với chiếc ghế trong văn phòng, có đứa lục tung từ Bắc vào Nam nhưng công việc vẫn linh tinh, cũng có người phải quên đi… tấm bằng đại học. Rồi một số trở về cố hương tìm con đường xuất khẩu lao động. Anh bạn từ miền sơn cước ấy cũng mất 3 năm lao động xứ để thay đổi số phận.
Họ không thể chịu cảnh nghèo túng ở quê cho dù đất đai, ruộng vườn, rừng rú vẫn còn đó. Nhưng làm gì để kiếm cơm trên mảnh đất “chó ăn đá gà ăn sỏi” ấy? Mà nếu nó màu mỡ thì cổng trường đại học đã không là mơ ước khát khao tột đỉnh.
Vẫn là dải đất miền Trung nghèo khó này, hàng vạn người bỏ quê lang bạt tứ xứ, trong số đó có không ít cử nhân, thạc sĩ không đất dụng võ, nguồn lực dư thừa ế ẩm ở nông thôn không ai dùng, và không biết dùng bằng cách nào!
Năm ngoái, tôi gặp lại người bạn cũ, đang công tác ở một xã nghèo của tỉnh Quảng Trị, là cán bộ xã hẳn hoi, hơn khối người nhưng ngặt nỗi đồng lương bèo bọt không đủ đủ cho vợ con.
Nó đi đến quyết định bỏ việc nhà nước chỉ với một cuộc điện thoại với công ty môi giới đưa lao động sang Nhật Bản. Cầm sổ đỏ vay ngân hàng, trang trải 9 tháng học ngoại ngữ và chi phí toàn bộ khoảng 170 triệu đồng. Thế là món nợ phải mang dù ngày bay chưa xác định.
Có thể bạn quan tâm
10:00, 29/10/2019
11:55, 28/10/2019
22:00, 27/10/2019
09:34, 27/10/2019
20:54, 26/10/2019
Cũng là dải đất miền Trung, tôi đi qua nhiều làng xã, bây giờ thưa vắng thanh niên, người trẻ. Đại học, chữ nghĩa, bằng cấp không còn là cứu cánh đổi đời. Món thịnh hành nhất vẫn là xuất khẩu lao động.
Bởi vì nông thôn kiếm đâu ra việc làm cho thanh niên? Không hề dễ một chút nào. Chúng ta đã nói về chênh lệch giữa nông thôn và thành thị từ rất lâu. Nhưng đến nay vẫn không có một động thái nào cụ thể để vực dậy nông thôn một cách thiết thực nhất.
Xây dựng “Nông thôn mới” là chương trình lớn, nhưng hầu hết chỉ chú trọng về hạ tầng, dựng lên nhiều công trình vô bổ mà quên quan tâm đến tình hình lao động, việc làm cho người trẻ. Không còn chọn lựa nào khả dĩ hơn là phải ra đi.
Hào hứng với công nghiệp cũng không có gì đáng phê phán. Nhưng dân nông thôn sau khi nhận mấy mươi triệu đồng đền bù cho một sào ruộng rồi trở thành kẻ vô công rồi nghề, bơ vơ bất ổn. Không ra đi thì ở lại làm gì!
Ngoại tệ gửi về hàng năm rất hữu ích cho đất nước. Nhưng thử hỏi người dân đầu tư vào đâu để ổn định tương lai dài thay vì cất nhà hoành tráng để “lòe” nhau như con gà ganh nhau tiếng gáy sau lũy tre làng.
Những triền nông thôn nhà hai tầng mọc lên san sát, nhưng hỏi ra mới biết con em dân làng đang ở tận bên nước ngoài. Đó có phải là phồn hoa ảo đánh lừa giác quan con người?
Không hiếm nơi bày tỏ sự vui mừng vì năm nay đưa được nhiều người ra nước ngoài lao động; nhiều chính quyền cơ sở tự hào vì thôn bản giờ đây có nhiều ngôi nhà to, kiên cố nhất huyện. Có đáng để vui khi đó là những đồng tiền khổ cực gửi về từ ngoài nước chứ không phải được tạo ra từ sinh kế do chính quyền đem lại!
Sự cố tang thương 39 người chết trong chiếc container định mệnh ở Anh đang đặt ra nhiều vấn đề với nông thôn Việt Nam. Làm sao để có thể “sống” khỏe trên quê hương mình? Làm sao kéo nông thôn xích lại gần với thành thị? Làm sao để bớt đi thảm họa như thế?
Với một tỷ đồng tại sao không lập nghiệp tại chỗ mà phải mạo hiểm tính mạng để sang châu Âu? Đó không phải là lý do để công kích vào chính sách. Bởi, nguyện vọng tìm môi trường tốt hơn là chính đáng.
Nhưng, khi số lượng xuất khẩu lao động tăng lên cũng là lúc nhà chức trách phải suy tính. Thực hiện công nghiệp hóa rất cần nguồn lực con người, giúp nông thôn tiến lên.
Còn chú trọng vào FDI chỉ để tính chung vào GDP và vui mừng vì phát triển thì liệu nguồn lực ấy có tái phân phối đến tận tay người dân? Nhiều khu công nghiệp, nhiều địa phương lao động phổ thông ngoại quốc nhan nhản. Đó là an ninh quốc gia chứ không phải chuyện đùa!
Đâu đó trên trái đất này vẫn còn những người Việt sống lang thang, tá túc ở biên giới, rừng núi chờ cơ hội nhập cư vào các quốc gia văn minh. Và biết đâu được, do hoàn cảnh, họ lại liều mình trong những “quan tài sắt”.
Đã đến lúc - Quốc hội cơ quan dân cử có quyền lực cao nhất phải tìm giải pháp cho vấn đề này!