“Virus” trì trệ
Thật ra, còn nhiều loại virus đáng sợ hơn cả COVID-19, giá như bài trừ "virus" trì trệ cũng với tinh thần "chống giặc" thì hay biết mấy!
“Tinh thần là không được vì việc này mà bỏ mất việc kia”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tại cuộc họp thường trực Chính phủ. Đặc biệt là tiếp tục thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển tốt nhất nhằm hoàn thành nhiệm vụ.
Cho nên, chúng ta phải chống cả 2 loại virus, một là virus corona và một loại virus nữa là “virus trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước.
Sự trì trệ chẳng hề hiếm thấy, thậm chí bước chân ra phố được chiêm ngưỡng ngay công trình dở dang, phủ bạt rào tôn không hẹn ngày hoàn thành, ở nông thôn, nhiều nơi thiếu nước sạch nhưng người ta vẫn “nhẫn tâm” bỏ hoang công trình dẫn nước vài chục tỷ...
Ở vùng cao Tây Nguyên, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự ngành Y tế là vậy nhưng vẫn có bệnh viện hàng ngàn tỷ ở Đắc Lắc xây xong chưa thể hoạt động.
Và mấy năm nay, cái sự trì trệ mà dư luận hao tốn thời gian bàn luận nge ngóng nhất chính là khối bê tông ngoằn ngoèo ở thủ đô mang tên Cát Linh - Hà Đông; vĩ mô hơn là các trung tâm công nghệ cao xây vài thập kỷ chưa xong như Hòa Lạc; tuyến đường cao tốc độc đạo ở Miền Tây như “hố đen” ăn vốn.
Sự trì trệ mà Thủ tướng nói ở tầm vĩ mô, nó được tạo thành từ những sự trì trệ ở cấp vi mô. Đôi khi nó còn có sự tiếp tay đắc lực của từng cá nhân “lính lác” trong cơ quan công quyền.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng "phải chống virus trì trệ"
Đơn cử, hàng chục doanh nghiệp trong KCN Cát Lái 2 từng kêu cứu lên UBNDTPHCM vì chủ đầu tư “bội tín” chậm ký kết hợp đồng thuê đất chính thức và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp này lâm vào cảnh nợ nần, hoạt động kinh doanh điêu đứng.
Lần đầu tiên kể thứ quý 3/2013, sản lượng của ngành sản xuất Việt Nam rơi vào tình trạng giảm liên tục. Cùng với đó, số lượng đơn đặt hàng mới cũng tăng chậm lại trong tháng 10/2019.
Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng - PMI ngành sản xuất Việt Nam, vừa được Nikkei công bố hồi tháng 11/2019, có kết quả tương đương ngưỡng trung bình 50 điểm trong tháng 10, giảm so với mức 50,5 điểm trong tháng 9 và kết thúc thời kỳ tăng kéo dài suốt 46 tháng qua.
Sự trì trệ đâu chỉ có trong kinh tế, mà cả trong cách đào tạo, bồi dưỡng sử dụng con người “Giảm thủ tục hành chính, văn bằng, chứng chỉ trong công tác cán bộ...” Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân từng nói như vậy tại Quốc hội.
Nhưng như vậy chưa nguy hiểm bằng một loại trì trệ từ trong tiềm thức - trước hết là quy mô nhân sự trong cơ quan nhà nước, hàng triệu người hưởng lương, và có vị chuyên gia kỳ cựu từng thốt lên “không ngân sách nào kham nổi bộ máy đồ sộ như vậy”.
Nhiều ông bố bà mẹ, chỉ muốn “sắp xếp” cho con em mình một công việc nhàn hạ, lương bổng đôi khi không là vấn đề quan trọng nhất. Nói thẳng ra là một tấm vé biên chế nhà nước, để đời đời ấm no mặc bên ngoài nghiệt ngã ra sao.
Cách đây chưa lâu lắm, báo Lai Châu có cái tít rất hay “Quán cà phê vắng khách sau chuyến vi hành của Bí thư Tỉnh ủy”, đó là hệ quả của tình trạng “ăn cắp” giờ hành chính mà Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã “bắt quả tang” tại quán hàng chục cán bộ, công chức ngay trong giờ hành chính.
Ông Nguyễn Xuân Phúc thời còn làm Phó Thủ tướng cũng có một phát biểu rất trực diện tại cuộc họp của “Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” rằng: “trong bộ máy chúng ta, hiện có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, không mang lại bất cứ hiệu quả công việc nào”.
Đổi mới, sáng tạo và bứt phá là thứ còn thiếu ở nước ta
Hãy nhìn bên hè phố, lề đường, quán sá xem thử người Việt trì trệ đến mức nào: bất kể giờ giấc, hoàn cảnh vẫn có một số lượng không hề ít người “sức dài vai rộng” phì phèo thuốc lá, nhâm nhi cà phê, rượu chè, cờ bạc.
Chẳng có sự so sánh nào là công bằng, nhưng thử nhìn đường phố nước Nhật, toàn những người xách cặp, ôm tài liệu, vội vã điểm tâm ngay trên đường đến công sở, chợp mắt ngay trên bàn làm việc...
Có thể bạn quan tâm
COVID-19 “nuốt chửng” 5 tỷ USD ngành hàng không, doanh nghiệp xoay xở ra sao?
16:43, 18/02/2020
COVID-19 : Thiệt hại của ngành dịch vụ chỉ mới là “cú đấm” đầu tiên
12:47, 18/02/2020
Doanh nghiệp thủy sản lao đao trong vòng xoáy COVID-19
00:15, 18/02/2020
[NỚI LỎNG TIỀN TỆ] Chính sách tiền tệ với "cuộc chiến" chống COVID-19
15:01, 17/02/2020
Chuỗi cung ứng từ Trung Quốc - tan vỡ vì COVID-19
07:00, 17/02/2020
Vậy nên, Ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam cho rằng, “Việt Nam có ít startup đúng nghĩa”.
Đó là trào lưu “bê nguyên xi” startup nước ngoài về rồi cắt gọt đi cho phù hợp với Việt Nam. Tuy cũng có kết quả nhất định nhưng không phải sự đổi mới sáng tạo gì.
Tình trạng có quá nhiều lễ, hội, tết nhất và ngày nghĩ liên miên tuy chỉ là bề nổi của tảng băng chìm nhưng đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây trì trệ sự phát triển của đất nước.
Sau những ngày nghĩ dài dằng dặc, rượu bia hội hè thả ga, người lao động quay lại công việc với tâm trạng uể oải. Sức sáng tạo là vấn đề rất đáng báo động!
Cảnh báo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là hoàn toàn có cơ sở, từ đại dịch COVID-19 cả xã hội đang buông lỏng mọi thứ. Hãy cược với nhau xem thử, trong bản báo cáo hoạt động cuối năm nay của mọi ngành, lĩnh vực COVID-19 có là tấm khiên thông dụng đỡ đòn cho mọi bết bát, yếu kém hay không!
Như thế, con “virus” trì trệ còn có sức công phá mạnh hơn cả COVID-19, không phải bây giờ mới có mà trúng dịp “thuận lợi” sự trì trệ lại phát huy sự đáng sợ của nó.