Cải cách thủ tục hành chính: Cần chia sẻ “quyền lực”
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có 5 năm liên tiếp đạt kết quả cao nhất trong bảng xếp hạng Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC)- PAR INDEX.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng: Chính việc nhận thức rõ rằng, CCHC không chỉ là thực hiện trách nhiệm tạo ra sự thuận lợi cho khách hàng và doanh nghiệp phục vụ mà hơn thế còn đem đến quyền lợi cho chính mình đã mang đến động lực cho các TCTD phấn đấu, cải cách tích cực những năm qua.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, cải cách là để làm cho bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cán bộ, công chức phải biết đề cao ý thức là công bộc của dân, phục vụ nhân dân, không được sách nhiễu nhân dân.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ trên thực tế công tác chỉ đạo, điều hành, một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa coi công tác CCHC là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, lãnh đạo của một số bộ, ngành, địa phương chưa thể hiện vai trò trách nhiệm đúng mức trong việc thúc đẩy cải cách để tạo chuyển biến trong hoạt động quản lý Nhà nước, làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế-xã hội.
Căn nguyên sâu xa là các cơ quan quản lý nhà nước vẫn xem TTHC như một công cụ “quyền lực” để tạo ra các đặc quyền, đặc lợi. Bởi vậy, nỗ lực từ cơ quan quản lý nhà nước là chưa đủ. Để cải cách TTHC diễn ra nhanh hơn, thực chất hơn thì phải đẩy nhanh tiến trình đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ công. Nói cách khác là “chia sẻ” bớt “quyền lực” của cơ quan quản lý nhà nước. Nhà nước vẫn giữ vai trò quan trọng nhất trong đảm bảo cung cấp dịch vụ công, nhưng không nhất thiết phải là người trực tiếp cung cấp tất cả các dịch vụ đó. Vai trò của nhà nước cần thể hiện rõ hơn trong đẩy mạnh quản lý cung ứng dịch vụ công bằng luật pháp, chính sách và các biện pháp mang tính hỗ trợ, kích thích.
Thực tế xu hướng chung của các nước phát triển hiện nay là tìm cách sử dụng tối đa cơ chế thị trường trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công. Phần lớn dịch vụ công được toàn xã hội tiến hành, nhà nước chỉ giữ lại những dịch vụ cần thiết nhất.
Tất nhiên, việc xã hội hóa dịch vụ công cũng đặt ra yêu cầu phải giải quyết cơ bản từ góc độ thể chế, nhất là các vấn đề về cơ chế tài chính. Theo đó, phải đổi mới phương thức tài trợ của Nhà nước, áp dụng nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, áp dụng chính sách huy động nguồn lực của xã hội tham gia cung ứng dịch vụ cũng như hỗ trợ các đối tượng chính sách tiếp cận dịch vụ công.
Có thể bạn quan tâm
Chỉ số cải cách hành chính: Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đứng cuối bảng cải cách hành chính
20:02, 19/05/2020
Lai Châu: Chỉ số cải cách hành chính tăng cao nhất trong 7 năm qua
12:51, 19/05/2020
Thế giới đang làm dịch vụ công chứng trực tuyến như thế nào?
08:39, 16/04/2020
Giảm giá dịch vụ công!
03:00, 05/04/2020
Thị trường hóa dịch vụ công
16:58, 29/03/2020
Bước tiến lớn xã hội hóa dịch vụ công
15:34, 27/03/2020