Con đường gạo Việt không êm ả!
Đây là một trong rất nhiều cơ hội để gạo Việt Nam có thể thênh thang vào EU. Bài học kinh nghiệm, hành lang pháp lý đã có, nhưng kết quả ra sao vẫn phải chờ!
Trước khi nói đến hạn ngạch 80.000 tấn gạo mà EU cấp cho Việt Nam, nhớ lại chuyện trái vải - loại trái cây rất phổ biến ở miền Bắc, sản lượng hàng trăm ngàn tấn mỗi năm, bán rất rẻ trên thị trường nội địa.
Nhưng sau rất nhiều năm đàm phán, tháng 6 năm nay tỉnh Hải Dương trịnh trọng tổ chức lễ thu hoạch và thực hiện các quy trình bảo quản, đóng gói để xuất khẩu 1.200kg vải đầu tiên trong lịch sử sang Nhật Bản bằng đường hàng không.
Con số thặng dư thương mại không nhiều, nhưng sự kiện này cho thấy rất nhiều điều. Để khai thác giá trị nông sản theo chiều sâu là công việc không chỉ của người nông dân; để hàng hóa Việt Nam đến được với thị trường khó tính - thật không đơn giản!
Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 6,37 triệu tấn gạo, thu về 2,8 tỷ USD, tăng 4,2% về lượng so với năm 2018. Nhưng trong danh mục khách hàng không có quốc gia nào ở Liên minh châu Âu (EU).
Cũng cần nói thêm, với EVFTA thuế nhập khẩu đánh vào gạo Việt Nam từ mức 5 - 45% xuống còn 0%. Đó là lợi thế cạnh tranh không nhỏ trong cuộc đấu với gạo Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ.
Hiệp định Thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào đầu tháng 8 năm nay, mở ra cánh cửa cho 80.000 tấn gạo Việt có thể thâm nhập thị trường EU. Nhưng một lần nữa, câu chuyện tiêu chuẩn chất lượng được đặt ra.
EU là thị trường có hàng rào kỹ thuật cao nhất thế giới, đặc biệt với mặt hàng nông sản, không chỉ đòi hỏi về chỉ tiêu an toàn thực phẩm mà còn quy định đến các yếu tố môi trường, phát triển bền vững. Trong khi đó, việc kiểm soát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn nhiều vấn đề.
Tuy nhiên, trên đây đã là câu chuyện cố hữu với nông sản xuất khẩu của nước ta. Việc cấp bách nhất hiện nay là tận dụng hết hạn ngạch khối lượng 80.000 tấn gạo. Đây được coi là bài “test” đầu tiên để Việt Nam có thể tận dụng hết ưu đãi của EVFTA.
Con số 80.000 tấn gạo là hoành tráng hơn rất nhiều so với 1,2 tấn vải Thanh Hà sang Nhật hay 10 tấn xoài Đồng Tháp sang Mỹ lần đầu tiên. Nhưng tất cả những sự kiện này đều cho thấy một bài học đáng giá.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) nhận định: “mặc dù hạn ngạch xuất khẩu gạo sang EU chỉ 80.000 tấn, nhưng một khi các doanh nghiệp xuất khẩu thành công, vượt qua các cửa ải tiêu chuẩn từ EU, chứng minh được thủ tục giấy tờ về xuất xứ, giấy chứng nhận chủng loại sẽ nâng được vị thế của gạo Việt tại thị trường này, mở đường cho xuất khẩu tăng nhanh trong thời gian tới”.
Đây mới là ý nghĩa cuối cùng và cũng là mục tiêu đa dạng hóa thị trường, nâng cao giá trị cho nông sản. Một bài toán rất hóc búa tồn tại mấy thập kỷ nhưng chưa có lời giải nào cụ thể.
Trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết rất nhiều FTA thế hệ mới, để tận dụng được ưu đãi, doanh nghiệp xuất khẩu và cả người nông dân không thể lao động sản xuất theo phương thức cũ. Hạn ngạch 80.000 tấn gạo cũng là đợt “tập huấn” giá trị cho các nhà xuất khẩu nông sản nội địa, nó tạo ra khuôn mẫu, mở đường cho tương lai thương mại lâu dài.
Con đường của gạo chưa bao giờ êm ả thanh bình. Xuất khẩu như thế nào? Giành cho ai? Lợi ích được chia sẻ ra sao?..., vẫn còn tiềm ẩn nhiều câu chuyện đáng nói.
Có thể bạn quan tâm
Liên minh xuất khẩu gạo: Tại sao không?
11:20, 11/06/2020
Ngày 18/6 mới kết thúc thanh tra xuất khẩu gạo
22:47, 02/06/2020
Ngày 8/6 sẽ có kết quả thanh tra việc xuất khẩu gạo
18:59, 02/06/2020
Thủ tướng đồng ý cho xuất khẩu gạo trở lại bình thường từ ngày 1/5
18:45, 28/04/2020
Bộ Công Thương kiến nghị bỏ hạn ngạch xuất khẩu gạo
00:15, 28/04/2020
[Xuất khẩu gạo]: Chính sách nào phù hợp?
04:50, 26/04/2020