Hà Nội đến bao giờ mới ngừng “tắc đường”?

Th.S HOÀNG MINH SƠN - Chuyên gia nghiên cứu chính sách nhà nước 10/10/2020 05:00

Cần phải có các giải pháp cấp bách và lâu dài để giảm dần ách tắc giao thông, nếu không, cho dù mở rộng đường thì Hà Nội không thoát khỏi cảnh tắc đường.

Th.S Hoàng Minh Sơn - Chuyên gia nghiên cứu chính sách nhà nước

Từ nhiều năm nay, tắc đường đã trở thành “đặc sản” của giao thông Hà Nội. Không những giờ cao điểm mà có những tuyến phố Nguyễn Trãi, Cầu Giấy,... phải chứng kiến cảnh tắc từ sáng đến đêm.

Từ năm 2016, trong các đề xuất về giải pháp chống ùn tắc, trong đó có sử dụng phương tiện giao thông bằng điện để tránh ô nhiễm đã được nêu ra. Đặc biệt, mấy năm vừa rồi, Vingroup đã sản xuất xe máy điện thay vì xe máy chạy xăng, các loại hình xe đạp điện cũng được nhiều đơn vị nhập khẩu để giảm ô nhiễm môi trường trong bối cảnh lượng xe chạy xăng quá nhiều. 

Năm 2017, UBND Thành phố Hà Nội cũng tổ chức cuộc thi giải pháp chống ùn tắc, tuy nhiên các giải pháp mà những đơn vị dự thi đưa ra chưa có nhiều điểm mới so các nghiên cứu trước đây, tính đột phá còn hạn chế, vẫn chưa vận dụng được gì.

Đến nay, với những gì đang diễn ra và với xu hướng phát triển thì Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa giải quyết được vấn đề ùn tắc một cách bền vững và khoa học. Đặc biệt, mỗi năm có hàng chục đến hàng trăm ngàn sinh viên nhập học năm thứ nhất, làn sóng người từ nông thôn lên các thành phố lớn làm việc cũng tăng đáng kể, còn lượng sinh viên năm cuối về quê chiếm tỉ lệ rất ít, dẫn đến tình trạng ùn tắc ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM sẽ ngày càng tăng, năm nay tệ hơn năm trước và cứ như thế tăng dần.

Đoạn đường Trường Chinh (Hà Nội) sau khi mở rộng, thậm chí còn tắc ngẽn hơn lúc ban đầu (ảnh: Zing.vn)

Có một thực tế là các giải pháp như mở rộng đường, xây đường cao tốc, đường trên cao đều chỉ tác động một phần nhỏ đến việc giảm ùn tắc. Đơn cử như ở Hà Nội, tuyến đường Trường Chinh, những ngày đầu khi con đường này được dỡ bỏ các tấm tôn chắn, đường rộng ra, nhiều người kỳ vọng sẽ thoát khỏi nỗi “ác mộng” mang tên “đường Trường Chinh” .Thế nhưng sự thật phũ phàng là chỉ 2 ngày sau đó, tắc lại hoàn tắc. Hay là đường Nguyễn Chí Thanh, đường Nguyễn Trãi cũng tương tự như vậy. Tình trạng tắc ở Hà Nội không chỉ diễn ra giờ cao điểm (giờ đi làm) mà còn trong giờ hành chính, sau 19h30 vẫn tắc. Tác hại của việc ách tắc sẽ giảm năng suất lao động khi mà người dân dành quá nhiều thời gian cho việc đi lại trên đường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi mà con người phải đi sớm, về muộn, dành thời gian cho gia đình rất ít.

Không những vậy, người dân ngày càng tiết kiệm được tiền và mua sắm thêm ô tô. Hệ lụy là cho dù có mở rộng đường cũng không đáp ứng được lượng xe cá nhân tăng, đặc biệt là ô tô – phương tiện chiếm chỗ lớn trên đường phố, dẫn đến mật độ giao thông cao, ô nhiễm môi trường không khí sẽ nghiêm trọng hơn. Dù cho xe có đảm bảo Euro 4, Euro 5, Euro 6 thì mật độ siêu đông thế này cũng ô nhiễm, nguy hại đến sức khỏe và chất lượng sống của con người. Đặc biệt hơn là tác động lên biến đổi khí hậu. Đợt mùa hè vừa qua cho thấy, lượng khí thải quá lớn kết hợp với điều hòa không khí từ người dân làm cho không khí oi bức.

Hiện nay, các nước Châu Âu cũng thấy sự ô nhiễm và sự độc hại của khí thải ô tô ảnh hưởng đến sức khỏe con người nên họ dùng phương tiện giao thông công cộng và ưu tiên đi xe đạp để thay thế phương tiện giao thông cá nhân và giao thông công cộng, mang lại lợi ích cho cá nhân và cộng đồng đó là vừa tập thể dục và sẽ giúp không khí trong lành. 

Về phương tiện giao thông công cộng, họ đã nhận thức được tác hại của giao thông cá nhân trong việc ùn tắc và ô nhiễm môi trường gây thiệt hại lớn cho xã hội nên đã họ đã đầu tư từ rất sớm. Còn về phương tiện đi xe đạp thì Châu Âu đã và đang sửa dụng và đặc biệt là thay đổi lớn  từ đầu năm nay. Đơn cử như thành phố London, Anh, Thủ tướng nước này đã phát động một chương trình có tên “Không gian đường phố”. Trong đó, cho tăng cường thêm các làn đường dành cho xe đạp và mở rộng lối đi cho người đi bộ nhằm khuyến khích người dân bỏ ô tô, chuyển sang đi xe đạp hoặc đi bộ.

Hay tại Paris, chính quyền thành phố này đã tạo ra nhiều chương trình hỗ trợ đặc biệt, đầu tiên là bất kỳ ai mua xe đạp điện để đi đều được thành phố bù giá 500 euro. Các hãng kinh doanh cũng ngay lập tức bắt kịp trào lưu để đưa ra nhiều chủng loại xe đạp từ đắt đến rẻ.

Thành phố Paris cũng  tổ chức những điểm cho thuê xe đạp tự động tại nhiều nơi trong thành phố. Chỉ cần cài một phần mềm và tài khoản ngân hàng, người sử dụng có thể lấy và trả xe tại hàng trăm điểm khác nhau, nhằm mục đích giúp người đi xe đạp không phải lo trông giữ cục pin hay sở hữu xe.

Bài học từ những quốc gia trên, tại các Thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nên có động thái cho việc tìm đồng bộ các giải pháp ngay từ bây giờ để giảm dần các yếu tố gây ách tắc và môi trường nói trên để sao cho cuối cùng, trong thành phố sẽ sử dụng phương tiện giao thông công cộng và đi xe đạp là chủ yếu, phương tiện cá nhân như xe máy và ô tô chiếm tỷ lệ rất ít và đa số sử dụng động cơ điện thì lúc đấy thành phố sẽ không ách tắc, không khí trong lành, tươi đẹp xứng đáng là thành phố đáng sống như ở Tây.

Có thể bạn quan tâm

  • Đà Nẵng giải quyết kẹt xe, tắc đường ra sao?

    Đà Nẵng giải quyết kẹt xe, tắc đường ra sao?

    16:33, 11/07/2018

  • Ùn tắc giao thông: Giải pháp đặc biệt

    Ùn tắc giao thông: Giải pháp đặc biệt

    05:04, 21/07/2020

  • Ùn tắc giao thông: “Cứ đi rồi sẽ thành đường”

    Ùn tắc giao thông: “Cứ đi rồi sẽ thành đường”

    05:00, 16/07/2020

  • Sắp khởi công dự án 830 tỉ đồng xoá ùn tắc khu Nam TP.HCM

    Sắp khởi công dự án 830 tỉ đồng xoá ùn tắc khu Nam TP.HCM

    11:00, 06/04/2020

Th.S HOÀNG MINH SƠN - Chuyên gia nghiên cứu chính sách nhà nước