Tôi và hai vị bác sĩ

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 27/02/2021 06:05

Tôi đã gặp những thầy thuốc mà liều thuốc của họ được bào chế từ lương tâm!

Chúc mừng ngày thầy thuốc Việt Nam

Chúc mừng ngày thầy thuốc Việt Nam.

Lần chết hụt đầu tiên của tôi xảy ra vào năm 10 tuổi, sau 2 ngày bị vi khuẩn shigella tấn công đường ruột, cơ thể bắt đầu mất nước và suy nhược trầm trọng, một số ven mạch bắt đầu ngừng hoạt động, các dược sĩ trong làng lúc ấy đã…bó tay!

Chiếc xuồng máy chuyên chở cát sạn bất đắc dĩ trở thành “xe cứu thương” cho tôi, vượt qua quãng đường sông 10km hơn 1 tiếng đồng hồ trong một đêm mùa đông gió mưa tầm tã.

Mẹ tôi kể lại, đến bệnh viện tỉnh gần 12h đêm, người tôi mềm nhũn, chẳng còn chút hy vọng nào cả chỉ còn nhờ vào phép màu. Lúc đó bác sĩ trưởng khoa đã về nhà, thế nhưng một y tá trực ca nào đó đã đạp xe đến nhà vị bác sĩ ấy kêu cứu giúp tôi…

Sáng sớm hôm sau, điều đầu tiên tôi thấy sau cơn thập tử nhất sinh là những người mặc đồng phục trắng toát ở xung quanh giường, một người đàn ông ngồi phía dưới để cặp giò héo queo của tôi lên đùi ông ấy, miết nhẹ vào mũi kim còn dán băng keo. Đó là mạch ven còn lại cuối cùng trên cơ thể tôi mà vị bác sĩ ấy lần ra được để chuyền dịch.

Sau này lớn lên nhiều lần trở lại bệnh viện ấy để thăm hỏi người thân, cũng vài lần dò hỏi nhưng chẳng ai còn nhớ ông ấy. Cũng phải thôi, đã 25 năm trôi qua một bệnh viện quy mô 500 giường mới toanh không còn xây ở chỗ cũ. Tôi chỉ biết bác sĩ ấy tên Viên, tin rằng trái đất tròn và biết đâu được nếu còn sống những dòng này hy vọng ông sẽ bắt gặp!

Cũng là một nam bác sĩ, trạc tuổi 50, ông ấy tên Phương ở bệnh viện TW Huế đã một lần kéo tôi từ cõi chết trở về do căn bệnh dạ dày cách đây 15 năm. Nằm trên băng-ca, cơn đau quằn quại như có ai xẻo từng thớ thịt trong lồng ngực, bỗng một bàn tay mềm mại khám xung quanh bụng rồi nói nhẹ hều: “có gì mà sợ, bệnh này gặp tôi không chết được đâu, đừng lo!”.

Câu nói của bác sĩ Phương lúc ấy như liều thuốc an thần giúp tôi vững vàng vào phòng mổ trong khi xung quanh là bạn bè cùng tuổi bất đắc dĩ trở thành người đại diện gia đình.

Những ngày ở hồi sức cấp cứu, không hiểu sao tôi lại nhớ người đàn ông này ghê gớm, rất muốn thấy mặt ông. Thế rồi ông cũng vài lần ghé qua hỏi han, lần nào cũng vậy ông đến là cả phòng vui vẻ, không quên đùa cợt, trêu chọc với tôi vài câu rồi đi nhanh như một cơn gió.

Thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ về hai người bác sĩ này như một ký ức đẹp đẽ. Với tôi trải nghiệm sinh tử như thế là đủ để biết cái đặc biệt của nghề thầy thuốc. Đôi khi ai đó đòi hỏi nụ cười, cử chỉ thân thiện ở họ, nhưng đừng đòi hỏi quá, bởi trong không khí căng thẳng, đấu tranh giành giật sự sống hiếm ai có thể thấy chẳng bị áp lực.

Hypocrat và lời thề của ông đã trở thành chuẩn mực đạo đức nghề Y

Hypocrat và lời thề của ông đã trở thành chuẩn mực đạo đức nghề Y

Đại dịch COVID-19 hoành hành, ngành Y đang gánh vác trọng trách chính trị lớn lao - kiểm soát lây nhiễm để trả lại cuộc sống bình an cho cộng động và thử thách chuyên môn cực kỳ khó khăn - khẳng định vị trí của nền Y học nước nhà.

Và hôm nay, một tin thật buồn được cộng đồng mạng chuyền tay nhau, nhân viên y tế trực chốt kiểm dịch tại Tứ kỳ - Hải Dương không qua khỏi sau vụ tai nạn giao thông thương tâm trên đường về nhà ăn cơm tối. Xin thành kính phân ưu!

Vâng, trong cuộc chiến không tiếng súng này loài người đã mất mát quá lớn, bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân, nhưng chúng ta có quyền ở yên trong nhà, chúng ta có quyền khước từ mọi công việc, hủy tất cả các sự kiện để giữ an toàn cho mình.

Còn đối với những trường trong ngành Y thì không, dịch càng lớn họ càng phải xông pha, càng hiểm nguy họ càng phải vào tâm điểm để xử lý. Đây không chỉ là trách nhiệm nghề nghiệp mà còn cả lương tâm, lòng nhân ái. Quý giá lắm thay!

Có thể bạn quan tâm

  • Ngày thầy thuốc Việt Nam: Sự hy sinh lặng thầm

    Ngày thầy thuốc Việt Nam: Sự hy sinh lặng thầm

    07:00, 27/02/2020

  • [64 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam] Mong một năm y tế được “bình an”

    [64 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam] Mong một năm y tế được “bình an”

    11:05, 27/02/2019

  • [64 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam] Người dân khỏe mạnh là tài sản lớn nhất của Quốc gia

    [64 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam] Người dân khỏe mạnh là tài sản lớn nhất của Quốc gia

    11:01, 27/02/2019

  • [64 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam] Khi nào hết nạn bạo hành nhân viên y tế?

    [64 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam] Khi nào hết nạn bạo hành nhân viên y tế?

    11:00, 27/02/2019

TRƯƠNG KHẮC TRÀ