Bài I: Lao động đã tiến hóa như thế nào?

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 01/05/2021 06:00

Lao động đã tiến hóa rất xa so với điểm xuất phát, nhưng dường như người lao động đang bị trói buộc bởi sợi dây vô hình!

Lao động đã tiến hóa rất xa so với thời sơ khai

Lao động đã tiến hóa rất xa so với thời sơ khai

Lịch sử loài người chứa đựng trong đó hầu hết mọi thứ mà chúng ta nhìn thấy ngày nay, trong đó có lịch sử lao động. Nhân ngày Quốc tế lao động 1/5, cùng phác thảo lại tiến trình tiến hóa của lao động để thấy con người đã tiến bộ như thế nào so với chính mình.

Những phát hiện đầu tiên ở châu Phi về loài người vượn Homo sapiens có niên đại cách đây hàng chục vạn năm cho thấy ở bậc tiến hóa này người tinh khôn đã sinh sống bằng săn bắt, hái lượm. Đó là những hoạt động lao động đầu tiên.

Quá trình lao động giúp thay đổi cơ cấu sinh học của người thượng cổ, họ biết dùng tay nhiều hơn, đi thẳng đứng, là cơ sở để hình thành loài người như chúng ta ngày nay.

Bước vào thời kỳ công xã nguyên thủy, tổ chức xã hội tập hợp trong các bộ tộc, bộ lạc, do nhu cầu sinh tồn của một quần thể nên các thành viên bắt đầu làm việc theo trách nhiệm được phân công. Thông qua lao động tính cộng đồng bắt đầu xuất hiện, của cải làm ra nhiều hơn.

Cái tội to nhất của lao động là… tạo ra của cải! Mọi rắc rối cũng sinh ra từ đây, các bộ tộc, bộ lạc bắt đầu đánh chiếm lẫn nhau để tranh giành không gian sống và lao động. Các tổ chức người lớn hơn hình thành sau mỗi cuộc chiến, số ít giàu lên trong khi phần còn lại bị lệ thuộc.

Thực tiễn này bắt buộc phải có luật lệ, khế ước để định hình các mối quan hệ xã hội, giữ gìn trật tự cộng đồng. Thế là nhà nước ra đời, hình thức đầu tiên là nhà nước chiếm hữu nô lệ ở Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập.

Tên gọi của kiểu nhà nước này phản ánh toàn bộ tính chất và đặc điểm của lao động trong suốt nhiều ngàn năm. Số ít chủ nô chiếm hữu toàn bộ tư liệu sản xuất, phần còn lại bị mua bán, bóc lột lao động không giới hạn.

Nô lệ không có tư liệu sản xuất, họ phụ thuộc hoàn toàn vào chủ nô, họ bị coi là tài sản của chủ nô, bị bóc lột rất tàn nhẫn và phải phục tùng một cách vô điều kiện những ý muốn của chủ nô.

Do tồn tại trên xương máu của nô lệ nên kiểu nhà nước chủ nô bộc lộ khiếm khuyết buộc phải sụp đổ. Chế độ phong kiến ra đời, đưa lao động tiến hóa lên một bậc thang mới.

Chủ nghĩa tư bản đã làm thay đổi tất cả nội hàm của khái niệm lao động

Chủ nghĩa tư bản đã làm thay đổi tất cả nội hàm của khái niệm lao động

Ở châu Âu, lãnh chúa phong kiến thiết lập mô hình lao động khép kín dựa trên sự bóc lột giai cấp nông nô, lao động hiệp đồng rõ nét hơn, bắt đầu ứng dụng mạnh mẽ các phương tiện lao động mới.

Năng suất lao động tăng lên tạo ra nhiều sản phẩm thừa. Thủ công nghiệp tách khỏi nông nghiệp, và tách khỏi lãnh địa, hàng hóa bán ra thị trường một cách tự do, thường tập trung ở nơi đông người, các ngã ba đường, bến sông để buôn bán trao đổi, lập ra thị trấn, sau trở thành thành thị.

Để đào tạo lao động, các trường đại học đúng nghĩa đã được xây dựng ở Ý, Anh, Pháp. Bộ phận lao động trí óc ngày càng nhiều, nền tảng để thực hiện cú nhảy vọt trong chế độ tư bản ở châu Âu.

Thập niên sáu mươi của thế kỷ XVIII, có một phát minh mà sự thành công của nó đã giúp cho con người thoát khỏi sự hạn chế về kỹ thuật phục vụ cuộc sống. Đó là phát minh của nhà bác học James Watt, ông tổ của máy hơi nước.

Máy hơi nước đã tạo ra nguồn động lực mới, làm giảm sức lao động cơ bắp của con người. Lao động bằng thủ công dần thay thế lao động bằng máy móc, khởi đầu quá trình công nghiệp hóa ở châu Âu và toàn thế giới. Làm cho năng suất lao động tăng, thay đổi bộ mặt kinh tế Anh và châu Âu. Dẫn đến sự ra đời của các ngành công nghiệp mới.

Cách mạng 4.0 một lần nữa làm thay đổi phương pháp lao động

Cách mạng 4.0 một lần nữa làm thay đổi phương pháp lao động

>>> Xem Bài II: Logic vận động của giá trị thặng dư hiện nay

Từ máy hơi nước của Jame Watt đến động cơ diesel của Rudolf Diesel giúp lao động tiến hóa vượt bậc. Từ công trường thủ công phát triển lên công trường đại công nghiệp, tạo ra của cải vật chất khổng lồ chưa từng có.

Có thể nói, chủ nghĩa tư bản đã nâng tầm lao động thành một nghệ thuật, mà trong đó bao gồm đào tạo, sử dụng, quản trị và cả khai thác, bóc lột từ thô sơ đến tinh vi.

Lao động bắp chuyển dần sang máy móc tân tiến, nhưng có điều người lao động không thể thoát ra vòng luẩn quẩn bị bóc lột và bóc lột ngày càng tinh vi hơn. Giải phóng con người là nhiệm vụ chưa hứa hẹn ngày thành công.

Bức tranh lao động toàn cầu hiện nay có sự đan xen pha trộn giữa hiện đại và cổ điển. Nếu như ở các trung tâm thế giới lao động đã tiến hóa vượt bậc thì những nơi xa xôi như châu Phi vẫn còn mông muội.

Con người sáng tạo ra máy móc phục vụ lao động, rồi cũng chính con người là nạn nhân của máy móc. Điều này ngày càng rõ ràng khi trí tuệ nhân tạo, tin học, Internet đã và đang làm cuộc đại cách mạng trong lao động.

Có thể bạn quan tâm

  • [BÀI TOÁN NHÂN SỰ HẬU COVID-19] Vực dậy nền kinh tế nhìn từ tinh thần ngày Quốc tế Lao động

    [BÀI TOÁN NHÂN SỰ HẬU COVID-19] Vực dậy nền kinh tế nhìn từ tinh thần ngày Quốc tế Lao động

    11:00, 01/05/2020

  • Việt Nam với ngày Quốc tế Lao động 1/5

    Việt Nam với ngày Quốc tế Lao động 1/5

    05:21, 01/05/2018

  • Phát động cuộc thi viết về kỹ năng lao động Việt Nam

    Phát động cuộc thi viết về kỹ năng lao động Việt Nam

    18:53, 28/04/2021

  • Tăng năng suất lao động - dư địa để kinh tế Việt Nam

    Tăng năng suất lao động - dư địa để kinh tế Việt Nam "cất cánh"

    13:00, 28/04/2021

  • Tăng trưởng năng suất lao động của khối FDI chững lại

    Tăng trưởng năng suất lao động của khối FDI chững lại

    09:53, 28/04/2021

  • Cần phát triển thị trường lao động gắn với cơ cấu lại nền kinh tế

    Cần phát triển thị trường lao động gắn với cơ cấu lại nền kinh tế

    15:18, 26/04/2021

TRƯƠNG KHẮC TRÀ