Vì sao Trung Quốc “toát mồ hôi” với G7?
G7 động đến đâu, ở đó có lợi ích chiến lược của Bắc Kinh. Dự báo xung đột gay gắt trong tương lai gần.
Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm 2021 tại London đã xuất hiện những tiền lệ chưa từng thấy trong lịch sử hình thành và phát triển 45 năm của tổ chức này. Đó là gì?
Thứ nhất, G7 dành hầu như toàn bộ thời gian để “nói chuyện” Trung Quốc. Từ sở hữu trí tuệ, thương mại đến chính trị, nhân quyền. Mục đích trả lời câu hỏi: Làm sao ngăn chặn, đối trọng với quyền lực Bắc Kinh đang gia tăng. Có nghĩa rằng, tôn chỉ rường cột của nhóm là kinh tế, tài chính tiền tệ tạm thời gác lại.
Thứ hai, G7 có xu hướng mở rộng khi chủ nhà Anh mời thêm Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc và Nam Phi tham dự ban đầu với tư cách “quan sát viên”. Nhưng ai cũng biết G7 không bao giờ dễ dàng kết nạp thành viên khi không có mục đích quan trọng.
Thứ 3, từ “1” và “2” có thể suy ra, G7 đang trên đà “biến chất”, thay đổi để trở thành liên minh toàn diện chống Trung Quốc. Vì vậy, khi G7 London chưa diễn ra, tờ Global Times (Trung Quốc) đã đón đầu, rằng: “G7 là chính trị bè phái” lỗi thời dựa trên “sự chia rẽ ý thức hệ”.
“Thời kỳ một nhóm nhỏ các quốc gia quyết định các vấn đề toàn cầu đã qua lâu rồi” - người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc ở London (Anh) cho biết trong một tuyên bố sau khi G7 bế mạc.
Quả như vậy, G7 đã để tâm đến những vấn đề nhạy cảm ở Tân Cương, Tây Tạng - hàng nghìn năm nay người Hán luôn bị đe dọa bởi “tứ di”, là các dân tộc phía bên kia Vạn lý trường thành luôn chờ cơ hội vượt qua bức tường này tiến về phía Đông, nơi có điều kiện khi hậu, đất đai thuận lợi và màu mỡ.
Nói cách khác, Trung Quốc rất dễ chìm vào nội chiến sắc tộc nếu như Tân Cương, Tây Tạng được phương Tây công khai tiếp thêm động lực, bảo trợ đấu tranh đòi “dân chủ”, “nhân quyền”.
Dọc bờ biển phía Đông Bắc, đảo Đài Loan là tiền đồn quan trọng bậc nhất của hải quân Trung Quốc, có thể nói đây là lợi thế lớn nhất và duy nhất của Bắc Kinh trên Thái Bình Dương.
G7 và Mỹ muốn “quốc tế hóa Đài Loan” bằng cách “lobby” cho hòn đảo này gia nhập các tổ chức quốc tế như WTO, WHO - đây là bước khởi đầu tiên quyết để chính phủ Đài Loan - bà Thái Anh Văn ly khai khỏi đại lục.
Nhiều năm nay kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, Austrailia, Mỹ và một số nước lớn ở châu Âu đòi điều tra nguồn gốc virus - các nước này có xu hướng cáo buộc nguồn gốc dịch từ Trung Quốc.
Đây là vấn đề vô cùng nghiêm trọng, có thể đánh sụp Trung Quốc nếu như các cáo buộc của phương Tây có bằng chứng xác đáng. Thậm chí có thể biến Bắc Kinh thành “tội phạm quốc tế” như Đức quốc xã hay Polpot,…
G7 khai sinh “B3W” - “Build Back Better World/Tái xây dựng thế giới tốt hơn” dự chi 40.000 tỷ USD. Nếu hiện thực sẽ là đối thủ xứng tầm với sáng kiến BRI của Bắc Kinh, thậm chí có thể thay thế Trung Quốc trong bối cảnh BRI gây lo sợ.
Tưởng chừng như tan rã, và lâu lắm rồi người ta mới thấy một G7 thân thiện, đoàn kết như vậy, không tự nhiên mà báo chí được tác nghiệp tối đa, ghi lại nhiều khoảnh khắc “quàng vai bá cổ” của các nguyên thủ.
Họ không mảy may nói về COVID-19 ở châu Âu, Mỹ; họ không mang khẩu trang; họ thoải mái như chưa có gì xảy ra. Đấy cũng là thông điệp mạnh mẽ cho thế giới thấy: Ai chống dịch hiệu quả hơn ai.
“Thật tuyệt khi có một Tổng thống Mỹ là một phần của nhóm G7 và rất sẵn lòng hợp tác”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói sau cuộc gặp với ông J. Biden.
Khi G7 diễn ra, đã có hàng loạt cuộc gặp bên lề cấp Bộ trưởng từ Nhật - Hàn, Nhật - Úc, Nhật - Ấn; Cannada - Mỹ, Đức - Ấn - Nam Phi - Eu. Họ bàn những gì? Hẳn Bắc Kinh đứng ngồi không yên!
Có thể bạn quan tâm
G7 đã “biến chất” như thế nào?
05:20, 15/06/2021
G7 hợp lực ngăn chặn các hiểm họa trong tương lai
04:20, 14/06/2021
“Thỏa thuận lịch sử” của G7!
05:00, 07/06/2021
Bên trong sáng kiến phát triển hạ tầng BDN của nhóm các quốc gia G7
11:00, 21/06/2021
G7 sắp xây dựng dự án thay thế Vành đai và Con đường của Trung Quốc?
11:00, 06/06/2021