Giàu nguồn lực, nghèo quản trị - “chết” như cách của Pháp

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 30/06/2021 06:00

Thật phi lý, đội tuyển Pháp rời EURO 2020 vì... quá nhiều hảo thủ trong tay. Didier Deschamps thiếu điều gì?

Cầu thủ Pháp đổ gục xuống sân sau màn đá penalty thất bại

Cầu thủ Pháp đổ gục xuống sân sau màn đá penalty thất bại

Pháp và Thụy Sĩ cùng nhau tạo nên một trong những trận đấu hấp dẫn hiếm có trong lịch sử vòng 1/8 tại UEFA EURO 2020, 15 bàn thắng được ghi, rất nhiều siêu phẩm, để lại hàng loạt cung bậc cảm xúc cho người xem.

Pháp rất hay. Dĩ nhiên rồi! Nhà đương kim vô địch World Cup sở hữu giàn sao thượng thặng. Thụy Sĩ dù không có ngôi sao thực thụ trong đội hình nhưng quật ngã đối thủ bằng tinh thần thi đấu kiên cường.

“Gà trống” hay “đồng hồ”, ai đi tiếp vẫn xứng đáng, có lẽ đây là câu bình luận chuẩn xác nhất về trận đấu này. Nhưng, vẫn có chữ “nhưng”, đó là đôi điều đọng lại vì cách thua của thầy trò Didier Deschamps.

Haris Seferovic mở tỷ số cho Thụy Sĩ, suýt nữa nhân đôi cách biệt nếu như thủ thành Pháp, Hugo Lloris không xuất sắc cản phạt đền. Sau “gáo nước lạnh” các học trò Deschamps bừng tỉnh, thi đấu xuất thần và nã vào lưới Thụy Sĩ 3 bàn liên tiếp.

Trong đó, siêu sao - tiền vệ Paul Pogba vẽ đường cong từ ngoài vòng cấm đúng chất lãng mạn kiểu Pháp vào phút 75, bàn thắng quá đẹp vượt ra khỏi ngôn ngữ miêu tả thông thường. Nhưng, màn ăn mừng đắc thắng bằng điệu nhảy “dễ ghét” đã găm vào người xem cảm giác khó chịu.

Tỷ số đã là 3-1, thời gian không còn nhiều, anh ta nghĩ làm sao có thể vuột mất chiến thắng cơ chứ! Thế là giàn sao Pháp thủng thẳng thi đấu, biểu diễn. Người Thụy Sĩ âm thầm nỗ lực, chắt chiu cơ hội, trời không phụ lòng người, Seferovic tiếp tục ghi bàn phút 81 trước khi Gavranovic ấn định tỷ số 3-3 ở phút thi đấu chính thức cuối cùng.

Màn ăn mừng của Paul Pogba (chỉ tay) gây khó chịu cho người xem

Màn ăn mừng của Paul Pogba (chỉ tay) gây khó chịu cho người xem

Calvin Coolidge - Tổng thống thứ 30 của Hoa Kỳ rút ra bài học sau màn tranh cử gay cấn nhất trong lịch sử Mỹ: “Không gì trên thế giới có thể thay thế cho sự kiên trì. Tài năng không thể, rất nhiều người có tài năng nhưng lại không thành công đấy thôi. Thiên tài không thể, vì thiên tài mà không được công nhận thì cũng chỉ là truyền thuyết. Giáo dục cũng không, khi mà thế giới này có quá nhiều người có học bị bỏ quên. Chỉ có lòng kiên trì và sự quyết tâm là có quyền lực tuyệt đối.”

Chẳng phải đến hôm nay chúng ta mới nhận ra điều kỳ diệu của lòng kiên nhẫn, bóng đá cũng như cuộc sống, mạnh - yếu, khó - dễ đôi lúc chỉ là con số thống kê khô khan. Hungary đấy, họ rơi vào bảng “tử thần” nhưng quả thật, đại diện Đông Âu rời giải với tư thế đầy kiêu hãnh, vì đã chiến đấu hết mình, không có điều gì phải hối tiếc.

Chúng ta non choẹt so với Didier Deschamps nếu luận về chiến thuật bóng đá. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta phẩm bình, rằng ông đã không biết cách bảo toàn chiến thắng, chẳng biết nhu cương đúng lúc.

Có trong tay quá nhiều nhân tố giỏi, đồng nghĩa với bấy nhiêu cá tính giống hệt câu nói “lắm tài nhiều tật”. Deschamps đã bất lực khi buộc học trò từ bỏ lối chơi tấn công đẹp mắt, đậm đặc tính phô trương để thực dụng chờ đợi tiếng còi kết thúc, Pháp rất giỏi nhưng không phải là tập thể đoàn kết, trách nhiệm thuộc về Deschamps.

Didier Descham rất tài năng nhưng ông không thể quản trị những con người có trong tay

Didier Deschamps rất giỏi chuyên môn nhưng ông không thể quản trị những con người tài năng có trong tay

Hơn nửa tiếng hiệp phụ, Thụy Sĩ tiếp tục cho thấy sự đoàn kết, sức chiến đấu mạnh mẽ đến khó tin. 5 quả penalty, người Thụy Sĩ thực hiện không một sai sót như những chiếc đồng hồ nổi tiếng chính xác.

Tuyển thủ Pháp, Kimpempe lại có một pha ăn mừng “coi tất cả là kẻ địch” anh quát vào thủ môn đội bạn, hét lên khán đài như muốn khẳng định trình độ nhà vô địch.

Nhưng có lẽ, định mệnh buộc tuyển Pháp phải về nước sớm hơn dự kiến, Kylian Mbape, cầu thủ trẻ đắt giá nhất thế giới ở thời điểm hiện tại đã không đủ bản lĩnh để chiến thắng sức ép. Cú đá quá đơn giản đã thổi văng niềm kiêu hãnh của bóng đá Pháp tại EURO lần này.

Khi còn kiên nhẫn tức là cơ hội chưa rời bỏ chúng ta và sĩ diện là thứ gì đó khá sang trọng nhưng chẳng thể lót vào dạ dày được đâu. Và rằng, nghệ thuật quản trị vốn dĩ là môn khoa học, song nhiều khi rất giản đơn - hãy quản trị tốt chính mình trước khi nghĩ đến thứ gì đó xa xôi.

Tóm lại, Pháp thua vì không biết mình nên làm gì với nguồn lực dồi dào trong tay, Thụy Sĩ hưởng ngọt ngào vì chẳng có gì để mất. Thế đấy!

Có thể bạn quan tâm

  • VCK EURO 2020: Bồ Đào Nha - Hungary: Bóng dáng cựu vương

    VCK EURO 2020: Bồ Đào Nha - Hungary: Bóng dáng cựu vương

    13:51, 15/06/2021

  • VCK EURO 2020: Tây Ban Nha - Thụy Điển: Lựa chọn nào cho Luis Enrique?

    VCK EURO 2020: Tây Ban Nha - Thụy Điển: Lựa chọn nào cho Luis Enrique?

    09:20, 14/06/2021

  • VCK EURO 2021: Phá vỡ lịch sử và kịch tính từ những ngày đầu giải

    VCK EURO 2021: Phá vỡ lịch sử và kịch tính từ những ngày đầu giải

    11:25, 13/06/2021

  • VCK EURO 2020: Anh - Croatia: Khó cho “Tam sư”

    VCK EURO 2020: Anh - Croatia: Khó cho “Tam sư”

    10:17, 13/06/2021

  • VCK EURO 2020: Wales - Thụy Sĩ: Đồng cân đồng lạng

    VCK EURO 2020: Wales - Thụy Sĩ: Đồng cân đồng lạng

    09:34, 12/06/2021

  • VCK EURO 2020: Italia - Thổ Nhĩ Kỳ: Catenaccio trở lại

    VCK EURO 2020: Italia - Thổ Nhĩ Kỳ: Catenaccio trở lại

    11:00, 11/06/2021

  • [VCK U23 châu Á] U23 Việt Nam - U23 Jordan: 3 điểm để đi tiếp!

    [VCK U23 châu Á] U23 Việt Nam - U23 Jordan: 3 điểm để đi tiếp!

    08:00, 13/01/2020

TRƯƠNG KHẮC TRÀ