Trung Quốc có thể vượt Mỹ? (Bài 2)
Trung Quốc phải giải bài toán dân số và đặc điểm vị trí địa lý trước khi nghĩ đến mục tiêu vượt qua Mỹ.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được hậu thuẫn bởi các yếu tố “địa chính trị” cốt lõi là dân số, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên. Nói cách khác, quốc gia nào đó không thể trở thành cường quốc nếu không hội đủ cả 3 yếu tố trên.
Dân số Trung Quốc hiện nay chiếm 18,47% toàn cầu, gấp hơn 4 lần Mỹ. Theo “Sách Xanh về dân số và lao động” được Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố ngày 4/1, dân số nước này sẽ đạt đỉnh 1,44 tỷ người vào năm 2029 và bắt đầu thời kỳ giảm liên tục vào năm 2030.
Gần 900 triệu người trong độ tuổi lao động - đây chính là lợi thế lớn nhất để Trung Quốc tiếp tục đóng vai trò sản xuất cho cả thế giới. Nguồn lao động dồi dào này còn duy trì phong độ ít nhất 1 thập kỷ tới. Chưa có tập đoàn đa quốc gia nào đủ dũng cảm rời hẳn khỏi thị trường lao động và thị trường tiêu dùng siêu lớn này.
Đặc điểm dân số Trung Quốc phần lớn có gốc gác từ nông thôn sau đó di cư về thành phố, kiếm việc làm ở các trung tâm công nghiệp lớn ở Quảng Đông, Quảng Tây, Quảng Châu, Trùng Khánh.
Họ sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp hơn rất nhiều người lao động Mỹ để hiện thực hóa giấc mơ trụ lại thành phố, có “đội quân công nghiệp dự trữ” hàng chục triệu sẵn sàng thay thế.
Chính sách tuyên truyền và kiểm soát của chính quyền Trung Quốc không cho phép xảy ra những cuộc biểu tình đòi tăng lương, giảm giờ làm, hạ thấp giá dịch vụ tiêu dùng như ở Mỹ và phương Tây.
Từ năm 2016, Trung Quốc thay đổi chính sách dân số, khuyến khích mỗi gia đình sinh 2 con để bổ sung lực lượng lao động có nguy cơ thiếu hụt kể từ năm 2030.
Về kết cấu nhân khẩu học, ở Mỹ rất ảm đạm, năm 2019, dân số Mỹ ghi nhận tăng thêm 1,5/327 triệu người, mức tăng dân số chỉ xuất hiện ở 8/51 bang. Di cư nước ngoài đến Mỹ đã giảm xuống 595.000 người trong năm 2019, mức thấp nhất trong thập kỷ này và giảm từ hơn 1 triệu người giai đoạn 2015-2016.
Dẫu vậy, năng suất lao động tại Trung Quốc còn kém xa Mỹ. Bloomberg Economics dự đoán, năm 2050, năng suất của Trung Quốc sẽ đạt tới mức 70% của Mỹ, đưa đại lục trở thành quốc gia có trình độ phát triển tương đương.
Về vị trí địa lý, Mỹ nắm giữ nhiều thuận lợi hơn Trung Quốc, họ cùng với Canada chia nhau phần lục địa phía Bắc của châu Mỹ, được bao bọc bởi Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, hầu như không có mối đe dọa nào về chủ quyền, lãnh thổ.
Trường hợp nếu thế chiến thứ 3 xảy ra, đối thủ phải tiêu tốn rất nhiều nguồn lực mới có thể tiếp cận lãnh thổ Mỹ. Nguy cơ lớn nhất chỉ có Trung Quốc.
Ngược lại, Trung Quốc tuy rộng lớn nhưng chỉ có thể phát triển về phía Đông Nam, bản thân người Hán luôn phải đối đầu với nguy cơ xâm lấn từ các dân tộc mà họ gọi là “tứ di”.
Vạn lý trường thành chính là công trình bảo vệ Trung Quốc khỏi những cuộc tấn công của người Hung Nô, Mông Cổ, người Turk, và những bộ tộc du mục khác đến từ những vùng hiện thuộc Mông Cổ và Mãn Châu. Những tộc người này chưa bao giờ bỏ ý định nhảy qua trường thành tiến về phía Đông màu mỡ, thuận lợi.
Nhiệm vụ của Bắc Kinh rất nặng nề, một mặt chạy đua với Mỹ, một mặt kiểm soát nội bộ tránh bất ổn xảy ra. Vì thế họ không ngừng xung đột với các quốc gia giáp ranh giới phía Tây, tăng cường mở rộng về phía Nam, xuống Đông Nam Á, ra Thái Bình Dương.
Điều này có thể giải thích vì sao Mỹ và phương Tây luôn “quan tâm” vấn đề nhân quyền, chính trị, lãnh thổ ở Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông, kể cả Đài Loan và Hồng Kông. Đó là cách để phân tán sức mạnh của Trung Quốc.
Tháng 7/2020, Washington đưa 11 công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt vì được cho là “cưỡng ép lao động” đối với người Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương. Ngày 9/7/2021 chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục liệt thêm ít nhất 10 công ty Trung Quốc vào “danh sách đen” liên quan đến khu tự trị này.
Tiểu kết: Con đường vượt Mỹ của Trung Quốc rất nhiều chông gai, phải đối mặt với thách thức cố hữu đến từ vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên.
Có thể bạn quan tâm
Trung Quốc có thể vượt Mỹ? (Bài 1)
06:00, 10/07/2021
“Ẩn họa” từ thiếu điện ở Trung Quốc
05:00, 11/07/2021
"Xinomic" và đôi chân yếu của kinh tế Trung Quốc
06:00, 17/08/2020
Do đâu nền kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng bất kể đại dịch COVID-19?
05:20, 02/08/2020
Sự phân hoá trong nền kinh tế Trung Quốc (Bài 1)
06:30, 06/07/2020
Sự phân hoá trong nền kinh tế Trung Quốc (Bài 2)
07:00, 08/07/2020