Trung Quốc có thể vượt Mỹ? (Bài 3)

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 13/07/2021 06:00

Nhìn rộng hơn, tài nguyên quốc gia hiện nay không chỉ là những thứ đào tên từ lòng đất, hay có sẵn trong tự nhiên.

Mỏ khoáng sản lớn nhất thế giới tại Tân Cương

Mỏ khoáng sản lớn nhất thế giới tại Tân Cương

Năm 2018, Cơ quan nghiên cứu địa chất Mỹ, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, hãng tin tài chính Bloomberg, và hãng nghiên cứu Financial Visualizations đã công bố nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và xếp hạng các quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên nhất thế giới.

Top 10 danh sách này đều là những quốc gia khá giả và giàu có như Australia, Saudi Arabia, Canada. Đương nhiên có cả Mỹ và Trung Quốc. Điều này cho thấy “của trời cho” quan trọng như thế nào đối với sự thịnh vượng của mỗi nước.

Tổng giá trị tài nguyên của Mỹ được ước lượng 45.000 tỷ USD, trong đó chiếm 31,2% trữ lượng than đã được phát hiện của thế giới và 750 triệu hecta rừng, tổng trị giá khoảng 41 nghìn tỷ USD, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Trung Quốc kém hơn, tổng giá trị ước lượng 23.000 tỷ USD, trong đó đất hiếm là quân bài lợi hại nhất đang phát huy giá trị chiến lược - vì đây là nguyên liệu cơ bản cho ngành sản xuất chip, mặt hàng đang khan hiếm.

Cách ứng xử với tài nguyên thiên nhiên giữa Mỹ và Trung Quốc là khác nhau. Để phục vụ mục đích tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc ào ạt khai thác than, đồng, chì, kẽm, boxit,… di họa môi trường rất nặng nề.

Đồng thời, Trung Quốc ra sức vơ vét tài nguyên ở các nước nghèo châu Phi, Mỹ Latin, Thái Bình Dương. Đặc biệt, sự xuất hiện của Trung Quốc ở Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Vanuatu, Tonga và Palau khiến tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp trở thành vấn nạn.

Sau thế chiến thứ II, doanh nghiệp Mỹ có xu hướng dịch chuyển sản xuất ra nước ngoài, dưới dạng đầu tư. Ví dụ, để tạo ra chiếc Iphone, nguyên liệu nhôm, chất bán dẫn, nhựa, vỏ hộp được chế tạo từ khoáng sản khai thác bên ngoài nước Mỹ.

Hoặc, đối với thủy sản, nếu như Trung Quốc vét sạch cá ở biển Hoa Đông thì người Mỹ áp dụng chính sách đánh bắt nghiêm ngặt, buộc truy xuất nguồn gốc ngư trường, mùa sinh sản, kích cỡ mắt lưới.

Đối với dầu mỏ, người Mỹ tạo ra hệ thống Petrodollars để phong tỏa thị trường toàn cầu, “chơi thân” với OPEC và một số “van dầu” ở Trung Đông, thậm chí sử dụng chiến tranh để gây sức ép. Gần đây, Mỹ đã chiết xuất được dầu từ đá phiến.

Ngược lại, Trung Quốc phong tỏa nguồn cung đất hiếm để trả đũa Mỹ. Có điều công nghệ tạo ra chất bán dẫn, thiết kế và sản xuất chip từ nguyên liệu này hiện nằm trong tay Nhật Bản và Hà Lan.

Nhìn rộng hơn, tài nguyên quốc gia hiện nay không chỉ là những thứ đào tên từ lòng đất, hay có sẵn trong tự nhiên, mà còn là chất xám (khoa học công nghệ), khả năng sáng tạo, năng lực quản trị quốc gia,…đó chính là sức mạnh “mềm”.

Mỹ chiếm 50% trong 50 trường đại học hàng đầu thế giới

Mỹ chiếm 50% trong 50 trường đại học hàng đầu thế giới

Người Mỹ không có đối thủ ở hạng mục “Kinh tế” trong cơ cấu giải Nobel, kể từ khi giải này được trao lần đầu năm 1969, chỉ 12 năm không có sự xuất hiện của công dân Mỹ.

Hiện tượng trên phản ánh sức mạnh khoa học của nền kinh tế số một thế giới. Nơi xuất phát hầu hết các ý tưởng kinh tế, áp dụng thành công, khai phá, phát hiện mô thức mới. Điều này có nguồn gốc từ lịch sử.

Không chỉ kinh tế, từ sau thế chiến II, người Mỹ còn giành nhiều giải Nobel hơn các nước khác trong cả lĩnh vực Vật lý, Hóa học và Y tế. Đặc biệt, giai đoạn 1935 - 2014, năm nào cũng có ít nhất một người Mỹ giành Nobel.

Đến nay chỉ có 5 nhà khoa học Trung Quốc được trao giải Nobel, 2 giải Vật lý, 1 giải Sinh lý y tế và hai giải Văn học - ít hơn rất nhiều so với Nhật Bản, Israel, và không một nhà khoa học nào xuất phát từ lĩnh vực nghiên cứu kinh tế.

Top 50 trường đại học hàng đầu thế giới, Mỹ chiếm 50%, trung Quốc chỉ có 4%. Vì vậy, Mỹ là quốc gia xếp thứ 2 toàn cầu (sau Thụy Sĩ) về sáng tạo đổi mới nhiều nhất trong thời buổi công nghiệp hiện đại.

Trung Quốc cũng có bước tiến ngoạn mục về nghiên cứu khoa học. Thống kê của Viện Khoa học và Chính sách công nghệ Quốc gia Nhật Bản, công bố năm 2020 cho thấy Trung Quốc chiếm 19,9% tổng số bài báo khoa học trên thế giới, giữ vị trí số 1 thế giới, hơn Mỹ 1,6%.

Không nơi nào nhiều tỷ phú như Mỹ, trên 700 người với tổng tài sản 3.013 tỷ USD, chiếm 27% lượng tỷ phú trên thế giới và 35% tài sản của tỷ phú toàn cầu, tài sản ròng vượt quá tổng tài sản của các tỷ phú tại 8 quốc gia xếp hạng từ 2-9 cộng lại.

Tiểu kết: Soi vào cận cảnh, Mỹ bỏ xa Trung Quốc về các chỉ số quan trọng cả tài nguyên hữu hình lẫn tài nguyên vô hình. Trung Quốc cần rất nhiều thời gian để có thể đuổi kịp.

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc có thể vượt Mỹ? (Bài 2)

    Trung Quốc có thể vượt Mỹ? (Bài 2)

    06:00, 12/07/2021

  • Trung Quốc có thể vượt Mỹ? (Bài 1)

    Trung Quốc có thể vượt Mỹ? (Bài 1)

    06:00, 10/07/2021

  • "Xinomic" và đôi chân yếu của kinh tế Trung Quốc

    06:00, 17/08/2020

  • Do đâu nền kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng bất kể đại dịch COVID-19?

    Do đâu nền kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng bất kể đại dịch COVID-19?

    05:20, 02/08/2020

  • Sự phân hoá trong nền kinh tế Trung Quốc (Bài 1)

    Sự phân hoá trong nền kinh tế Trung Quốc (Bài 1)

    06:30, 06/07/2020

  • Sự phân hoá trong nền kinh tế Trung Quốc (Bài 2)

    Sự phân hoá trong nền kinh tế Trung Quốc (Bài 2)

    07:00, 08/07/2020

TRƯƠNG KHẮC TRÀ