FED “đốt nóng” kinh tế Mỹ như thế nào?
FED tạo ra dòng vốn siêu rẻ và mua trái phiếu rủi ro bất động sản giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng kỷ lục!
Kinh tế Mỹ phục hồi ngoạn mục kể từ quý 3/2020, ghi nhận 33,1% - cao nhất từ năm 1947, quý 1/2021 giảm về mức 6,4%, cả năm 2021 giới chuyên gia nhận định nền kinh tế số 1 thế giới cán mốc tăng trưởng 7%.
Hai lực đẩy kinh tế Mỹ được chỉ ra là, tăng đột biến tiêu dùng cá nhân và chi tiêu chính phủ. Dĩ nhiên, đứng sau tất cả hiện tượng này là cơ quan tài chính quyền lực nhất thế giới.
Một trong những “tác dụng phụ” đầu tiên của chương trình cứu trợ, tái thiết kinh tế hậu COVID-19 ở Mỹ là cơn “sốt” bất động sản điên cuồng từ tháng 4 đến nay. Nhiều người bắt đầu “ớn lạnh” khi nhớ lại cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Một bài báo trên CNN Business miêu tả: “Người mua tranh nhau, những đề nghị thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt, những căn nhà được sang nhượng với giá cao hơn tới cả triệu USD so với giá chào bán… Cơn sốt bất động sản ở Mỹ đã đạt tới mức độ ít người có thể tưởng tượng”.
Giá nhà bình quân ở Mỹ cao nhất kể từ năm 1999, vượt mức gây ra khủng hoảng tài chính hồi năm 2008. Đặc biệt căn hộ đơn gia đình tăng 20%, mức cao nhất kể từ năm 1970.
Nền kinh tế Mỹ luôn nằm trong vùng tầm soát của FED - Cục dự trữ Liên bang với 3 biểu hiện rõ ràng nhất, là in tiền, tăng, hạ lãi suất. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu chưa phục hồi, Chính phủ ông Joe Biden đã điều đình với FED để bơm ra số tiền khổng lồ 1.900 tỷ USD.
Doanh nghiệp và người dân không “tiêu hóa” hết lượng tiền này, kênh chứng khoán chưa đủ độ tin cậy khi hoạt động của doanh nghiệp phụ thuộc vào mức độ lây lan và biến chủng của virus corona.
Mặt khác, mỗi tháng FED mua vào 40 tỷ trái phiếu bất động sản - đó là tấm giấy chứng nhận an toàn cho thị trường này, đồng thời tổ chức này giữ lãi suất cho vay mức cận 0% giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.
Giám đốc đầu tư Peter Boockvar thuộc tập đoàn Bleakley Advisory Group nhận định: “FED đang đổ dầu vào lửa”. Giám đốc điều hành FED, ông Jerome Powell cảnh báo: “Có nhiều vấn đề mà các nhà dự báo phải khiêm tốn. Đây là một công việc có độ bấp bênh rất cao”.
Nghịch lý đầu tiên là, kinh tế Mỹ tăng trưởng cao nhưng nợ chính phủ, thâm hụt ngân sách lên 1.700 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021, tổng nợ quốc gia tăng lên mức 28.100 tỷ USD!
Vậy, tăng trưởng kinh tế Mỹ thực chất đi về đâu? Mọi cơn “sốt” bất động sản trên thế giới đều khiến cho dòng tiền chảy nhanh hơn vào túi người giàu, cụ thể ở Mỹ là các tập đoàn kinh doanh đất đai, địa ốc, nhà ở.
FED tạo ra dòng vốn siêu rẻ, đồng thời mua trái phiếu rủi ro cho lĩnh vực này kích thích tâm lý chuộng sở hữu nhà ở của người Mỹ, đây là cơ hội cho các tập đoàn bất động sản ào ạt xả hàng tồn kho.
Nhưng hãy xem, “sốt” bất động sản không bao giờ là bài toán kinh tế có thể chia đều cho tất cả. Theo Viện Đô thị Mỹ, tỷ lệ người da đen sở hữu nhà ở Mỹ vào năm 2017 chỉ là 42%, so với mức 72% ở người da trắng.
David Kelly chuyên gia của JPMorgan Funds bình luận: “Sự hỗ trợ của Fed khiến tình trạng bất bình đẳng càng thêm phần tồi tệ”. Sở hữu bất động sản là cơ hội làm giàu, nhưng nó chỉ làm cho người giàu càng giàu, người nghèo càng xa vời cơ hội mua nhà.
Và, cuối cùng FED không mất gì cả, thậm chí lãi lớn cho các ông lớn “sân sau”. Chính phủ Mỹ càng nợ, FED càng tăng quyền lực điều khiển thao túng chính sách.
Có thể bạn quan tâm
Bà Janet Yellen: Lãi suất cao tốt cho kinh tế Mỹ và cho Fed
10:25, 07/06/2021
Cơ hội từ đà phục hồi kinh tế Mỹ
05:30, 21/03/2021
Khơi thông nguồn vốn đầu tư công: Chốt chặn của nền kinh tế Mỹ
04:10, 13/03/2021
Hạ viện thông qua gói cứu trợ 1.900 tỷ USD: Kỳ vọng khôi phục kinh tế Mỹ?
00:51, 28/02/2021
“Vén màn” kinh tế Mỹ hậu bầu cử
05:00, 22/11/2020
Điều gì đang xảy ra với nền kinh tế Mỹ?
06:00, 03/08/2020
Nền kinh tế Mỹ đã quay trở lại?
06:40, 03/07/2020
Kinh tế Mỹ lên hay xuống còn trông chờ vào COVID-19
06:00, 08/06/2020