Cơ hội tái cấu trúc lao động hậu COVID-19 (Bài 1)
Liệu rằng sau đợt dịch này, một chính sách nông nghiệp thật mới mẻ nào đó được tính đến chăng?
Cách đây mấy năm khi thực hiện chùm đề tài về công nghiệp hóa ven biển các tỉnh Miền Trung từ Formosa Hà Tĩnh đến đại dự án Cảng nước sâu, nhà máy nhiệt điện vùng Đông Nam Quảng Trị, đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp vấn đề về lao động.
Tại Hải Lăng - Quảng Trị, vị Chủ tịch xã Hải An bày tỏ lo lắng: “Xu hướng xuất khẩu lao động có chiều hướng gia tăng, tuy mang lại nguồn thu nhập trước mắt nhưng về dài chưa biết tạo dựng sinh kế ổn định như thế nào”.
Ông này nói thêm: “Vẫn không gì tốt hơn là có công ăn việc làm ngay tại quê hương mình, các bạn trẻ phải học nghề, “đi tắt đón đầu” để nắm bắt cơ hội sau khi các nhà máy trên địa bàn đi vào hoạt động”.
Có câu chuyện thật như đùa ở một vùng quê tỉnh Quảng Nam, rằng, bây giờ người già lỡ nằm xuống nguy cơ không có ai khiêng ra đồng. Chuyện tuy có chút phóng đại nhưng phản ánh chân thực hiện tượng di dân, bỏ quê, bỏ ruộng.
Ai ở TP HCM thì biết, các khu trọ “tổ ong” ở Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp chật như nêm, một người chỉ có vài mét vuông sinh hoạt từ A đến Z, cuộc sống công nhân chạy theo ca kíp, giờ giấc ngặt nghèo, vợ chồng có khi cả tuần chỉ thoáng thấy mặt nhau.
Nhưng người tha hương vẫn cam tâm chấp nhận đời sống tối giản, làm việc cật lực và nhận đồng lương còm cõi, chi phí sinh hoạt, thuê nhà chiếm hết phần tích trữ nếu muốn bám trụ. Về quê biết làm gì đây?
Thói quen “Nam tiến” dường như đã thấm sâu trong tiềm thức người miền Trung. Lớn lên, kể cả học xong đại học, sau đại học hoặc gãy gánh đèn sách - phần lớn chọn Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM lập nghiệp.
Thế nhưng không ai đủ sức khỏe và lòng kiên nhẫn gắn cả đời với khu công nghiệp, sáng đi sớm tối mịt mới về, rồi bất luận thế nào đa phần trong số họ lại hồi hương. Bởi làm sao để mua đất, mua nhà ở thành phố hoa lệ ấy khi thu nhập dưới mức trung bình?
Có điều, khi trở về tuổi xuân đã hết, sức lao động có còn sung mãn như tuổi đôi mươi? Họ đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của thành phố và sự giàu có thịnh vượng của các tập đoàn ngoại quốc. Nhưng nguồn lực ấy đã đi đâu về đâu? Họ có được tái phân phối bằng phúc lợi xã hội?
Trên bình diện quốc gia, các nhà nghiên cứu chiến lược đặt ra vấn đề “Việt Nam chưa giàu đã già”. Hoàn toàn đúng, bởi chúng ta chưa tận dụng hết sức lao động sáng tạo của hàng chục triệu người trẻ.
Đó là gì? Là khởi nghiệp ngay tại quê hương, làm cho nông thôn tiến lên bền vững từ chính tài nguyên đất đai, khí hậu, nước nôi sẵn có,… chứ không phải là dãy nhà kiên cố mọc lên giữa làng nhưng toàn người già, trẻ con, người mất sức lao động làm chủ.
Người Trung Quốc sang Việt Nam thuê đất canh tác, người Nhật tận dụng từng mét vuông thung lũng giữa hai ngọn núi để trồng đặc phẩm, người Israel đào hố trên sa mạc nuôi cá, trồng rau bán ra khắp thế giới, người Hà Lan vật lộn với nước mặn để giữ đất nông nghiệp.
Thế nhưng người Việt ta lại bỏ đồng bằng màu mỡ, bỏ đất nông nghiệp đặc quánh phù sa để làm việc như thiêu thân trong nhà máy công nghiệp. Có bao giờ các nhà hoạch định chính sách nhìn thấy nguy cơ tiềm tàng?
Làng tôi xưa kia mùa gặt hái, gieo sạ vui như trẩy hội. Nay mùa vụ vẫn thế, giống má vẫn vậy mà người lưa thưa, toàn người già làm ruộng, hoặc bất quá không thể ly hương. Lao động tốt nhất - bây giờ họ đang bị “giam lỏng” ở TP HCM, muốn về chẳng dễ!
Năm 2017, tỉnh Hà Nam chỉ có hơn 100 ha ruộng bị bỏ hoang thì năm 2019, số diện tích bị bỏ hoang đã lên tới 310 ha. Tỉnh Vĩnh Phúc, vụ mùa năm 2019 có hơn 1.000 ha ruộng bỏ hoang và diện tích gieo trồng vụ đông năm 2019 của tỉnh này giảm tới 6.000 ha. Năm 2019, tỉnh Thanh Hóa có hơn 110 ha ruộng bị bỏ hoang; tỉnh Thái Bình có hơn 1.200 ha ruộng bị bỏ hoang.
Cách đây 20 năm, Thái Lan đối mặt với tình trạng y hệt Việt Nam bây giờ, đất nông nghiệp bị thu hẹp, thoái hóa; người nông dân rời bỏ ruộng đất tha phương tứ xứ tìm về đô thị kiếm kế mưu sinh.
Chính phủ Thái làm cuộc cách mạng chính sách nông nghiệp, lấy nông nghiệp là bệ phóng cho nền kinh tế, mục tiêu cốt lõi là tạo ưu đãi “tam nông”. Hệ thống giáo dục bậc cao không ngại chi tiền mời chuyên gia nông nghiệp nước ngoài, đồng thời gửi nghiên cứu sinh sang Israel, Mỹ, châu Âu.
Mặc dù diện tích đất nông nghiệp Thái Lan gấp 4 lần Việt Nam nhưng đều được sử dụng tối đa, kéo lao động ở đô thị quay lại nông thôn, hiện nay họ đang vận hành nền nông nghiệp có tầm cỡ trên thế giới.
Mấy tuần nay từng đoàn người tay xách nách mang, ào ạt tháo chạy khỏi thành phố mà họ từng háo hức khi đặt chân đến. Tất cả chung một mục đích, lánh nạn đại dịch COVID-19 đang từng ngày lây lan nhanh chóng.
Dịch bệnh khiến chúng ta không thể tập trung sản xuất, tập trung cư trú, dịch bệnh cũng gợi ý cho chúng ta luyến tiếc giá trị của nông thôn, nông nghiệp, nông dân.
Hàng chục triệu người tập trung về một thành phố lớn, mang đến cho nó sức sống dồi dào, biến nó thành đầu tàu kinh tế đặc biệt quan trọng của cả nước. Bây giờ, thành phố ấy ngừng lại đột ngột, giống như đoàn tàu đang chạy bỗng dưng khựng lại, mọi thứ đỗ vỡ, ngả nghiêng, đứt gãy.
Giá như có một trung tâm kinh tế khác chia lửa với TP HCM? Giá như TP HCM giãn cách nơi khác vẫn hoạt động bù trừ. Giá như tất cả tinh túy không tập trung về một chỗ, tất cả trứng không cho vào một giỏ!
Nhìn đoàn người tất tả trở về. Tôi lại nhớ lời than vãn của vị Chủ tịch xã, bây giờ nông thôn có cơ hội đón lao động trở về, đất đai vườn tược vẫn còn đó. Liệu rằng sau đợt này một chính sách nông nghiệp thật mới mẻ nào đó được tính đến chăng?
Còn tiếp…
Có thể bạn quan tâm