Trắc trở những chặng đường hồi hương

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 02/08/2021 05:15

Lao động tha hương ở TPHCM - họ cần được tạo điều kiện tối đa để hồi hương lánh dịch COVID-19.

Hàng trăm công nhân mắc kẹt tại TPHCM khẩn cầu được về quê!

Hàng trăm công nhân mắc kẹt tại TPHCM khẩn cầu được về quê!

Cuộc điện thoại kêu cứu của anh Võ Văn Kiện - một công nhân người Quảng Trị bị kẹt lại ở quận Tân Phú - TPHCM đã thôi thúc tôi phải viết điều gì đó, mặc dù để phản ảnh đủ đầy thực tế cuộc sống vào lúc này không hề dễ dàng.

Hơn 600 con người, trong đó 1/3 đến từ Quảng Trị đang khó khăn cùng cực, tiền gần hết, tuần đi chợ hai lần, tủ lạnh không có nên mua cái gì phải ăn hết cái đó, hơn 60 ngày cách ly không một đồng thu nhập, không biết cầm cự được bao lâu! Tỉnh còn đợt đón dân nào nữa không? Bao giờ họ được về? - Kiện nói với giọng run rẩy qua điện thoại.

Giữa giờ chiều ngày 28/7 đoàn tàu mang số hiệu SE74 chở gần 400 người trở về từ vùng dịch TPHCM dừng ở ga Đông Hà - Quảng Trị. Trong bộ đồ bảo hộ, từng người lặng lẽ bước xuống và đi theo chỉ dẫn từng bước một, lên xe đến khu cách ly tập trung. Đón họ là lãnh đạo địa phương, cánh phóng viên, nhà báo.

Chưa bao giờ đường trở về lại nhọc nhằn hiểm nguy như thế với người xa quê. Dẫu vậy, được trở về đã là may mắn, là kết quả nỗ lực tuyệt vời của Chính phủ và chính quyền các địa phương. Vẫn còn hàng trăm, hàng ngàn người ngày đêm thấp thỏm hy vọng được về quê, hoặc vì lý do nào đó buộc phải ở lại sống chung với đại dịch.

Anh H (xin được dấu tên) ngụ gần một khu công nghiệp ở Tân Phú - TPHCM gần 20 ngày nay “giam lỏng” mình và vợ trong căn phòng hơn chục mét vuông. Bao vây xung quanh, cách nhau bức tường 20cm là F0 chưa trở nặng đang tự điều trị. Hơn 40 tuổi, gần 20 năm gắn với đất Sài Gòn, vợ chồng anh “một cảnh hai quê” bỏ thì thương thì nặng, cuối cùng cả hai chọn ở lại đất khách quê người.

Những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16 hơi hoảng loạn, nhất là khi khu trọ nơi anh sinh sống có trường hợp tử vong vì COVID-19 diễn tiến quá nhanh. Nói với tôi qua điện thoại, anh H như một cán bộ y tế, bởi vì phải thuộc làu phác đồ điều trị, theo dõi sát sao tình hình sức khỏe từng phút một tại nhà trong tình cảnh có thể “vỡ đê” bất cứ khi nào.

Chuyến tàu chở gần 400 người Quảng Trị về từ TPHCM (Ảnh: kinhtevadothi)

Chuyến tàu chở gần 400 người Quảng Trị về từ TPHCM (Ảnh: kinhtevadothi)

Từ Bình Dương lên TPHCM, nhóm lao động tha hương của anh Thạnh có đến 200 thành viên đến từ nhiều địa phương ở Miền Trung, họ tụ lại để sẻ chia đùm bọc nhau khi hoạn nạn, khi dịch bùng mạnh họ nháo nhác tìm đường về quê.

Một số vượt dặm trường bằng xe máy ra khỏi ổ dịch trước ngày 30/7, số còn lại bị kẹt khi TPHCM được lệnh nâng cấp mức độ phong tỏa, ai muốn về quê phải liên hệ đăng ký với địa phương nơi cư trú, sau đó, địa phương ở TP.HCM sẽ gửi danh sách đăng ký của người dân cho các tỉnh, thành còn nhận người về.

Anh Thạnh và nhiều người trong nhóm đã đăng ký hơn 10 ngày nay nhưng chưa thấy ai gọi, trong khi đó tiền bạc, lương thực, thực phẩm dự trữ cạn dần, nguy cơ thiếu đói, nhiễm bệnh khi thành phố quá tải ngày càng hiện hữu.

Cung đường hồi hương càng khó khăn hơn khi nhiều tỉnh thành quyết định tạm ngưng đón người từ Sài Gòn do quá tải, hết chỗ cách ly, đó là Bình Định, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Thanh Hóa,... Dẫu biết rằng, địa phương có cái khó, cái khổ của họ, nhưng với người tha hương cứ mỗi quyết định như thế này được ban ra như nhát dao lạnh lùng cắt dần hy vọng.

Con số lây nhiễm mỗi ngày vài nghìn trường hợp, quân quẩn trong chừng 10 triệu người còn lại ở thành phố lớn nhất nước, có nghĩa rằng, ngày qua ngày khả năng bị lây nhiễm cứ lớn dần lên, nếu không có “cuộc gọi hạnh phúc” nào nữa tức là thêm 14 ngày đằng đẵng phía trước chờ đợi kể từ 0h ngày 2/8 TPHCM tiếp tục giãn cách xã hội ở mức cao nhất từ trước tới nay.

Người lao động ở TPHCM, họ là ai? Họ không chỉ là người lao động bình thường, từ miền khó ra đi không ít người gói gém hoài bão lập thân lập nghiệp, những miền quê nghèo ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị vốn nhà tranh vách đất nay được mệnh danh “làng tỷ phú”.

Nguồn lực ấy là từ lao động tha hương mang về, không những trong nước mà cả ở nước ngoài. Chẳng phải chính quyền sở tại vẫn lấy tỷ lệ nhà kiên cố hóa, người đủ ăn đủ mặc, xóa đói giảm nghèo, có thu nhập ổn định để minh chứng cho thành quả quản lý lãnh đạo đó sao?

Họ, người lao động tha hương chính là từng cỗ máy nhỏ vận hành nền kinh tế lớn nhất nước, mỗi ngày thu gần 2.000 tỷ tiền thuế. Tiếng phở gõ, rao bánh, rao hàng, tiếng lủng xẻng mưu sinh ấy chính là tiểu thanh tạo ra vĩ thanh của một thành phố sôi động bậc nhất Đông Nam Á.

Bỗng đùng một cái, quyền thiêng liêng hiến định được trở về bị hành chính hóa, phụ thuộc vào nhà chức trách, biết trách ai khi họ nói “địa phương hết chỗ chứa cách ly”, “nguồn lực hạn chế”.

Tha hương để đổi đời, để tìm tương lai tương sáng nhưng nội tại sâu thẳm của nó chưa bao giờ là hạnh phúc viên mãn. Hàng năm Tết đến biết bao nhiêu câu chuyện tủi hờn đọng lại trên tấm vé xe, vé tàu về quê, biết bao nhiêu giọt nước mắt chảy ngược nơi Sài thành vắng tanh vắng teo.

Rồi cuối cùng, đến bao giờ nhà hoạch định chính sách mới nghĩ đến câu hỏi: Vì sao phải ly hương? Làm khỏa lấp bớt khoảng cách phát triển giữa hai đầu đất nước với khúc ruột Miền Trung, Miền Tây Nam Bộ? Khi và chỉ khi giải quyết được bài toán vĩ mô mới giảm bớt thương đau từ những cuộc “thiên di” bất tận.

Có thể bạn quan tâm

  • Cuộc “thiên di” và bài toán nguồn nhân lực hậu COVID-19

    05:38, 30/07/2021

  • Nguồn nhân lực thời kỳ hậu COVID-19 sẽ như thế nào?

    05:30, 01/08/2021

  • Cố hương, nhọc nhằn vạn dặm đi về...

    19:20, 31/07/2021

  • Tiêm vaccine COVID-19 mũi thứ 3: Liệu có cần thiết?

    15:21, 01/08/2021

  • Phân tầng điều trị COVID-19: Nơi làm tốt, nơi còn lộn xộn, quá tải

    12:03, 01/08/2021

  • "Thí nghiệm" chống COVID-19 ở Anh cho thấy gì?

    06:00, 01/08/2021

  • Hiến kế giải pháp bổ sung hỗ trợ vượt COVID-19: Lo..."cái bụng" toàn dân trước!

    05:20, 01/08/2021

  • Bất chấp khó khăn do COVID-19, nhiều doanh nghiệp vẫn lãi khủng

    05:00, 01/08/2021

  • Bổ sung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, chịu tác động của dịch COVID-19

    20:00, 31/07/2021

  • Cùng vượt khó để thắng đại dịch COVID-19

    07:16, 31/07/2021

  • Chống dịch COVID-19: Cần nghiêm nghặt hơn, quyết liệt hơn!

    19:36, 30/07/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trắc trở những chặng đường hồi hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO