Điện năng - “tiến thoái lưỡng nan” ở Trung Quốc

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 20/08/2021 06:00

Cựu lãnh đạo tối cao Trung Quốc từng tuyên bố "nhân định thắng thiên", ví dụ điển hình là công nghiệp thủy điện.

Đập thủy điện lớn thứ 2 thế giới vừa mới khánh thành tại Trung Quốc

Đập thủy điện lớn thứ 2 thế giới vừa mới khánh thành tại Trung Quốc

Sau ngày lập quốc, tại Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của ông Mao Trạch Đông thực hiện kế hoạch 5 năm năm lần thứ nhất, ưu tiên hàng đầu khi đó là chế ngự các dòng sông “nhân định thắng thiên”, xây nhà máy thủy điện phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa nhanh.

Từng Kwh điện lấy ra từ các con đập khổng lồ lúc ấy là minh chứng cho trình độ và quyết tâm của người Trung Quốc. Không chỉ là thủy điện, ông Mao cho xây đập Tam Hiệp lớn nhất thế giới để khẳng định tầm vóc công nghệ kỹ thuật đặc sắc Trung Quốc.

Riêng tại thủ đô Bắc Kinh có đến 80 dự án thủy điện được xây dựng, có những con sông ở thành phố này “khát” nước trung bình 316 ngày trong năm, tình trạng ô nhiễm ngày một trầm trọng.

Hệ thống sông Dương Tử dài 6.500 km và các phụ lưu của nó mang tới 24.000 trạm thủy điện, mật độ dày chưa từng thấy trên thế giới. Có những con đập trở thành địa điểm du lịch, có những công trình tiêu tốn hàng tỷ tệ, cả thập kỷ xây dựng nhưng chưa một ngày vận hành vì thiếu nước.

Theo Bloomberg, từ 1915 đến 2011, Trung Quốc xảy ra 3.515 vụ vỡ hồ chứa thủy điện, cũng là một kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Hạn hán và lũ lụt kế tiếp nhau - một biểu hiện của tình trạng hủy hoại dòng chảy tự nhiên của các con sông.

Vấn đề là Trung Quốc tiêu thụ điện năng nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, ngoài nền công nghiệp khổng lồ là 1,3 tỷ dân đang sống trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, giữa hai thái cực nắng nóng ở phía Bắc và lạnh giá ở phía Tây.

Trung Quốc đặt mục tiêu trung hòa khí nhà kính vào năm 2060, động thái đầu tiên là dẹp bỏ nhiệt điện than, nới rộng khung khổ mua bán khí phát thải. Áp lực an ninh năng lượng càng khiến nước này tìm cách khai thác điện từ các con sông.

Cách làm của Bắc Kinh là phá bỏ 40.000 thủy điện nhỏ, tập trung vào các “siêu” dự án như Tam Hiệp, và mới đây nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than lớn thứ 2 thế giới đi vào vận hành.

Nói về dự án này, một quan chức Trung Quốc tự hào: “Sông Dương Tử từng là một con sông mà con người không thể khai thác và sử dụng, nhưng giờ đây, lũ lụt của Dương Tử không còn là một con quái vật nữa mà là một nguồn tài nguyên”.

Không thể từ bỏ thủy điện, kỷ nguyên của những con đập khổng lồ vẫn tiếp diễn. Bởi vì Trung Quốc không thể tìm nguồn thay thế tốt hơn. So về hiểm họa, điện nguyên tử tiềm ẩn rủi ro lớn hơn.

Trung Quốc đang thiếu hụt điện năng nghiêm trọng

Trung Quốc đang thiếu hụt điện năng nghiêm trọng

Trong những năm gần đây, các công ty năng lượng Trung Quốc tăng cường đổ vốn đầu tư ra nước ngoài. Theo Trung tâm chính sách phát triển toàn cầu của Đại học Boston, các ngân hàng lớn của Trung Quốc đã tham gia tài trợ cho các công trình thủy điện tổng trị giá gần 44 tỷ USD trên toàn cầu kể từ năm 2000.

Các công ty thủy điện của Trung Quốc đang rót vốn mạnh vào các quốc gia khác tại Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Mới đây công ty điện lực Phương Nam thâu tóm mạng lưới điện tại Lào.

Vấn đề năng lượng tại Trung Quốc vốn rất nhạy cảm, tác động ngay tức thì đến toàn thế giới. Nếu họ tăng cường sản xuất điện sẽ bẻ gãy nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Với thủy điện, sẽ làm trầm trọng thêm khô hạn ở các nước hạ du sông Mê Kông, phá vỡ môi trường sinh thái, giết chết các con sông.

Nếu Trung Quốc thiếu điện, thương mại toàn cầu sẽ đình trệ khi các trung tâm sản xuất khổng lồ ở Quảng Đông, Chiết Giang, Vân Nam không thể vận hành hết công suất.

Có thể bạn quan tâm

  • Tái diễn làn sóng tháo chạy khỏi cổ phiếu Trung Quốc

    Tái diễn làn sóng tháo chạy khỏi cổ phiếu Trung Quốc

    14:00, 19/08/2021

  • Trảm Intenet tiêu dùng - Trung Quốc mưu tính gì?

    Trảm Intenet tiêu dùng - Trung Quốc mưu tính gì?

    06:00, 15/08/2021

  • Hiểu về chính sách của Trung Quốc với các công ty công nghệ

    Hiểu về chính sách của Trung Quốc với các công ty công nghệ

    03:31, 14/08/2021

  • Giải mã suy giảm kinh tế Trung Quốc

    Giải mã suy giảm kinh tế Trung Quốc

    06:00, 12/08/2021

  • Pin năng lượng mặt trời: (Kỳ 1) Hệ lụy từ Trung Quốc

    Pin năng lượng mặt trời: (Kỳ 1) Hệ lụy từ Trung Quốc

    15:00, 10/08/2021

  • Trung Quốc siết Edtech (Kỳ II): Tham chiếu nào cho Việt Nam?

    Trung Quốc siết Edtech (Kỳ II): Tham chiếu nào cho Việt Nam?

    05:00, 08/08/2021

TRƯƠNG KHẮC TRÀ