Khủng bố ở Afghanistan: Ai ngáng đường Mỹ?
Vụ khủng bố đẫm máu hôm 26/8 ở Kabul dường như là dấu hiệu cho thấy thêm một Tổng thống Mỹ mắc sai lầm về chính sách Trung Đông!
Lực lượng của nhà nước Hồi giáo tự xưng IS hôm 26/8 đã đánh bom khủng bố gần sân bay Kabul - Afghanistan khiến ít nhất 60 dân thường và 13 lính Mỹ thương vong. Từ tòa Bạch ốc, Tổng thống Joe Biden lập tức phát đi thông báo “Chúng tôi sẽ không quên. Chúng tôi sẽ truy lùng và bắt các người phải trả giá”.
Chưa biết Washington sẽ bắt IS “trả giá” như thế nào khi chương trình rút quân khỏi Afghanistan sắp sửa hoàn thành. IS không giống Al-Qaeda, càng không phải là tổ chức 1 thủ lĩnh đơn độc như Bin Laden - nó rải rác khắp Trung Đông, bằng lối đánh du kích rình rập.
Kế hoạch rút quân của Nhà trắng sẽ kết thúc trong vài ngày tới. Ông Biden có thể giảm thương vong cho người Mỹ. Song, cuộc nội chiến ở Afghanistan, Trung Đông thực sự đã khởi động giai đoạn mới.
Đúng như tiên lượng, khi không còn lực lượng Mỹ, và 20 năm qua Afghanistan chưa thể trở thành một chính thể mạnh mẽ đủ sức xây dựng nền hòa bình cho họ thì chủ nghĩa khủng bố sẽ trỗi dậy.
Nguy hại hơn, nhiều quốc gia Đông Nam Á, và Ấn Độ có dây mơ rễ má với người Hồi giáo. Không loại trừ nguy cơ chủ nghĩa thánh chiến, khủng bố sẽ vươn vòi phá hoại các hoạt động của Mỹ tại đây. Khi đó Washington lại tiếp tục gánh hậu quả gieo rắc bất ổn!
Phải chăng, vụ khủng bố này là dấu hiệu cho thấy Tổng thống Mỹ đã mắc sai lầm? Liệu rằng, có mối liên hệ nào đó giữa Taliban hoặc các thế lực khác giật dây nhằm gây áp lực khiến Mỹ “tiến thoái lưỡng nan”.
Rõ ràng, Washington không còn thiết tha gì ở Afghanistan, ưu tiên chiến lược chuyển về châu Á, điều này càng rõ ràng qua chuyến công du của Phó Tổng thống Kamala Harris đến Đông Nam Á. Vụ khủng bố như một cây gậy thọc vào bánh xe cản bước Washington tiến về châu Á!
Dù sao chăng nữa, 13 binh sĩ thiệt mạng là nỗi đau khó nuốt trôi của người Mỹ, bên cạnh đó cộng đồng quốc tế sẽ lên tiếng chỉ trích Mỹ là nguồn cơn gây ra cơ sự này, gây áp lực trói buộc chính sách ngoại giao của J. Biden.
Cần biết rằng, dù không còn bảo hộ cho chính quyền Ashraf Ghani, nhưng lợi ích và nhiệm vụ bảo vệ lợi ích Mỹ ở Trung Đông vẫn còn. Chí ít, vẫn còn đó lá chắn đồng minh Israel trong cuộc đối đầu chưa có hồi kết với người Hồi giáo.
Vẫn còn đó “cái gai” Iran ngày càng tỏ ra bất tuân phục Mỹ, rõ ràng dấu hiệu ngả về Bắc Kinh; vẫn còn đó các bạn hàng quan trọng trong tổ chức xuất khẩu dầu mỏ OPEC.
Đó là cái bẫy khiến người Mỹ không dễ gì rút chân ra khỏi. Nếu Nhà trắng kiên quyết bỏ chạy, nghĩa là họ mang tiếng bỏ rơi đồng minh, vậy các nước châu Á sẽ nghĩ gì từ lời hứa bảo đảm an ninh hàng hải, đầu tư hạ tầng, phát triển cân bằng từ Washington?
Nếu tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố vô vọng, Nhà trắng sẽ tự hủy hoại tiềm lực, và ngày càng suy yếu khi đối thủ của họ là Trung Quốc, Nga ở thế “tọa sơn quan hổ đấu”.
Có thể bạn quan tâm
Lo ngại chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy tại Afghanistan
04:00, 19/08/2021
Taliban đủ sức tái thiết Afghanistan hòa bình?
06:00, 17/08/2021
Tương lai mờ mịt của Afghanistan
13:00, 16/08/2021
Afghanistan - khi cơn “đau đầu” của người Mỹ tái phát
06:00, 16/08/2021
Trung Quốc có khả năng thế chân Mỹ tại Afghanistan?
05:00, 20/04/2021
"Ván cược" Afghanistan của Tổng thống Joe Biden
05:00, 18/04/2021