Nới lỏng giãn cách và chiến thuật “đau đâu xử lý đấy”!

Chuyên gia kinh tế VŨ VINH PHÚ 04/10/2021 05:00

“Chung sống với dịch” để phát triển kinh tế là chủ trương đúng đắn để từng bước chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.

Quan sát tại một số tỉnh, thành trên cả nước, tôi nhận thấy qua một khoảng thời gian “kìm nén”, nay nới lỏng giãn cách đã tạo niềm tin rất lớn cho nhân dân và doanh nghiệp. Việc đi lại được thuận tiện hơn, đặc biệt giá cả những mặt hàng thiết yếu đã giảm xuống ngay sau khi nới lỏng giãn cách. Ví dụ, rau, củ, quả, trứng, thịt... đã giảm giá 20-30%.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

Điều này cho thấy, khi các chuỗi cung ứng, hệ thống siêu thị, chợ được hoạt động trở lại thì lưu thông hàng hóa đã thông suốt, khi cung – cầu gặp nhau lập tức sẽ đưa giá cả giảm xuống.

Giao thông thuận tiện, giá giảm tức thì

Đây là điểm nổi bật lớn nhất trong vấn đề dân sinh khi nới lỏng giãn cách. Người sản xuất ra của cải vật chất phấn khởi, người tiêu dùng được mua giá hợp lý.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua chúng ta thực hiện giãn cách xã hội có phần “hà khắc”, gây ra những căng thẳng không cần thiết. Đơn cử, một phường có ca nhiễm nhưng giãn cách cả quận.

Mặc dù tại Hà Nội đang thực hiện bán mang về, tuy nhiên người dân cũng đã sớm được thụ hưởng từ nới lỏng giãn cách, cho đến thời điểm hiện nay cuộc sống đã bình thường đến 80% so với trước đây.

Còn đối với doanh nghiệp, trước đây với chiến lược “3 tại chỗ”, khi có một ca F0 thì khoanh vùng cả doanh nghiệp. Nhưng với tinh thần mới “đau đâu xử lý đấy”, chỗ nào có F0 thì xử lý và khám chữa ngay tại chỗ, doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường.

Nhưng chúng ta cũng cần lưu ý đến các vấn đề doanh nghiệp quan tâm. Đó là các chuỗi cung ứng bị đứt gãy chưa hồi phục, chi phí logistics còn cao.

Một số nước có ảnh hưởng đến ngành hàng của Việt Nam về nguyên, nhiên vật liệu như dệt may, da giày cho xuất khẩu, như Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang gặp khó khăn. Trung Quốc hiện đang bị thiếu điện và phải cắt giảm tại một số tỉnh, thành, cùng với một số cảng của Trung Quốc bị đình trệ.

Việt Nam là một nền kinh tế mở nên việc phụ thuộc nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất và xuất khẩu tại một số thị trường nhất định, như dệt may, da giày, phân bón... là rất lớn. Vấn đề này chưa hồi phục chậm hơn so với nhu cầu tiêu dùng và sản xuất hàng hóa trong nước.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp vẫn chủ động khắc phục. Phương án “3 tại chỗ” dù chưa phù hợp, tuy nhiên doanh nghiệp đã chủ động điều tiết lại phương án sản xuất của mình, như tăng ca, tăng chuyến, tăng đơn hàng xuất khẩu cũng như phục vụ thị trường nội địa.

Có một chỉ số cần phải lưu ý, đó là quý 3/2021 GDP âm hơn 6%, điều này làm cho GDP 9 tháng chỉ tăng trưởng hơn 1%. Như vậy, chỉ còn 3 tháng của quý 4/2021 để chúng ta “chạy đua”. Nếu quý 4 không đạt trên 5% GDP thì bình quân GDP cả năm 2021 khó vượt 3,5%, chưa nói đến kỳ vọng 5-6%.

Một số chuyên gia trong nước và nước ngoài có đề xuất một số đề xuất Việt Nam cần quan tâm.

Thứ nhất, không phải lo phát triển chỉ số tăng trưởng cao, quan trọng hơn cả là phải bảo toàn được những động lực tăng trưởng, như nhân lực, vật lực, khôi phục lại sản xuất kinh doanh cũng như các dây chuyền sản xuất, nối lại các chuỗi cung ứng.

Thứ hai, chi tiền thêm cho các hỗ trợ chính sách. Vừa qua chúng ta chi cho vấn đề này còn thấp nếu so với các nước. Mặc dù ngân sách chưa thật “dư dả” nhưng vẫn có thể dùng từ một số nguồn khác.

Ví dụ, cắt giảm một số dự án đầu tư công chưa hiệu quả, vay thêm các tổ chức tài trợ quốc tế với tỉ lệ lãi vay thấp trong thời gian ngắn hạn, nợ công đang ở mức 40% nên còn dư địa hỗ trợ hồi phục nền kinh tế.

Thứ ba, có 3 nguồn phát triển trong quý 4 và năm 2022. Đó là đẩy mạnh xuất khẩu, giải ngân đầu tư, sản xuất, tiêu dùng nội địa.

Tiêu dùng nội địa là đầu ra của hơn 96 triệu dân, đây là mức tiêu thụ rất lớn. Tiêu dùng nội địa có tác dụng lan tỏa, như tạo thêm nhiều công ăn việc làm, tạo lực đẩy cho sức mua...

Giải pháp “cổ điển” là khâu cán bộ

Về chỉ số CPI, 9 tháng rất thấp với 1,82%, nhưng dư địa để đạt được 4% từ nay đến cuối năm cũng không phải quá khó. Tuy nhiên, điều tôi đặc biệt quan tâm đến chỉ số CPI, đó là mặc dù thấp nhưng thực tế người dân và người sản xuất lại không được thụ hưởng.

Giải pháp “cổ điển” nhất để phòng, chống dịch hiệu quả là vấn đề con người và cán bộ.

Giải pháp “cổ điển” nhất để phòng, chống dịch hiệu quả là vấn đề con người và cán bộ.

Bởi vì giá sản phẩm người nông dân bán ra thấp, trong khi giá bán lẻ tại một số hệ thống siêu thị, chợ lại rất cao, chênh lệch đến 40-50% so với đầu ra của người nông dân.

Như vậy, đời sống người nông dân không được đảm bảo, người tiêu dùng thì bị mất thêm khoản tiền “vênh” không đáng có do bị triệt tiêu về giá một cách vô lý trên thị trường, kể cả giá đầu ra của sản phẩm. Trong khi các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam đang được khuyến khích đẩy mạnh tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Chúng ta phải giải thoát được 2 điểm then chốt lớn nhất. Một là, giao thông thông suốt, luồng xanh phải “xanh” thật, không “bế quan tỏa cảng” mỗi địa phương một kiểu theo hình thức “cát cứ địa phương”.

Hai là, mở cửa cho tiêu dùng, hệ thống phân phối phát triển, như chợ, hệ thống siêu thị. Kinh nghiệm cho thấy, khi các chợ được mở lại sau nới lỏng giãn cách, lập tức giá trứng gà ta đã giảm mạnh từ 60.000 đồng/chục trong tháng 6,7 xuống còn 30.000 đồng/chục vào thời điểm cuối tháng 9.

Giá thịt lợn cũng có giảm, nhưng riêng tại một số siêu thị vẫn ở mức 200.000 đồng/kg. Trong khi giá lợn hơi giảm đến 57% và đang tiếp tục giảm.

Thời gian từ nay đến hết năm 2021 không còn nhiều, nên ngay từ bây giờ chính quyền, doanh nghiệp và người dân phải tăng ca, tăng chuyến, giải quyết đứt gãy các chuỗi cung ứng, lưu thông xuất khẩu hàng hóa, cải cách thủ tục hành chính.

Với chủ trương khoanh vùng có trọng điểm tại những nơi có dịch, khái niệm zezo COVID sẽ không còn trong tâm trí chúng ta, nên vừa phòng chống dịch vừa mở cửa lại nền kinh tế phải bằng công nghệ để xử lý và ‘theo dõi” COVID-19 ở từng cụm trọng điểm và chấp nhận cùng “chung sống” để phát triển.

Theo tôi, việc nới lỏng giãn cách được nhiều hơn là tiếp tục giãn cách cứng. Vì chúng ta vẫn không thể lơ là với dịch bằng biện pháp 5K, theo dõi sát tình hình để xử lý tình huống một cách linh hoạt.

Tôi được biết, Chính phủ đã giao cho Chủ tịch và Bí thư tỉnh các địa phương chịu trách nhiệm về vấn đề này, ứng biến nhanh, không cứng nhắc, có sự hỗ trợ liên kết xúc tiến với nhau, không “cát cứ” địa phương.

Chúng ta vẫn phải “cảnh giác” với COVID-19 bằng việc đẩy mạnh tiêm phòng, mở cửa đến đâu phải chắc chắn đến đấy, với tinh thần tiến công, sáng tạo, đổi mới trong phòng dịch và phát triển kinh tế.

Cuối cùng, giải pháp “cổ điển” nhất để phòng, chống dịch hiệu quả là vấn đề con người và cán bộ. Người đứng đầu nếu quyết liệt, bám sát tình hình, sâu sát, trách nhiệm, sáng tạo thì tôi tin dịch sẽ nhanh chóng bị “khống chế”.

Nếu lợi dụng “thẻ xanh, thẻ đỏ” khi doanh nghiệp và người dân lưu thông trên đường để nhận mãi lộ thì phải xử lý thật nghiêm, thật nặng. Cải cách hành chính phải được tăng cường hơn nữa, gộp tất cả các app kiểm tra COVID-19 thành 1 app PC-COVID.

Tóm lại, muốn chống dịch thành công thì vai trò con người, cán bộ là yếu tố quyết định thành bại. Đoàn kết, chia sẻ, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cán bộ, con người, cải cách hành chính, chống tiêu cực, tham nhũng lợi dụng trong thời điểm khó khăn này phải được làm nghiêm.

Có thể bạn quan tâm

  • Nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế: Hà Nội - An toàn đến đâu mở cửa đến đó

    Nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế: Hà Nội - An toàn đến đâu mở cửa đến đó

    15:00, 02/10/2021

  • Nới lỏng giãn cách tại TP HCM: Những phát sinh không có trong kịch bản

    Nới lỏng giãn cách tại TP HCM: Những phát sinh không có trong kịch bản

    14:00, 02/10/2021

  • Nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế: Sản xuất phải an toàn

    Nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế: Sản xuất phải an toàn

    11:00, 02/10/2021

  • TP HCM: Nới lỏng giãn cách... nhưng vẫn tiếp tục kiểm soát!

    TP HCM: Nới lỏng giãn cách... nhưng vẫn tiếp tục kiểm soát!

    06:22, 01/10/2021

  • TP HCM sẽ áp dụng chỉ thị mới về nới lỏng giãn cách theo tiêu chí “nới trong, chặt ngoài”

    TP HCM sẽ áp dụng chỉ thị mới về nới lỏng giãn cách theo tiêu chí “nới trong, chặt ngoài”

    09:30, 30/09/2021

Chuyên gia kinh tế VŨ VINH PHÚ