ASEAN và tính tất yếu của cơ chế đa phương
ASEAN là cơ chế hợp tác linh hoạt nhất hiện nay, theo mô hình vệ tinh, trục chính là 10 quốc gia thành viên, xoay quanh là những “cửa sổ” .
Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một cơ chế đa phương mang tính vững bền vì đòi hỏi mang tính địa lý và sự ràng buộc về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng, văn hóa xã hội trong không gian này. Vì thế, sự xích lại gần nhau của các nước ASEAN là tất yếu, nằm rong tiến trình chung của xu thế toàn cầu hóa.
Các biến động cơ bản gần đây trên bình diện chung của thế giới phản ánh bức tranh tổng thể toàn cầu hóa đã có những điểm mờ. Cho dù đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden tích cực sửa sai - đưa nước Mỹ trở lại. Song, sự đảo ngược dòng chảy ngày một mạnh hơn. Có phải toàn cầu hóa đã đạt đến đỉnh của nó?
Quan hệ Trung - Mỹ đổ vỡ; các tổ chức tiêu biểu của đa phương hóa như WTO, WHO, UNESCO giảm dần tiếng nói; tác động của dịch bệnh COVID-19,… thay vào đó là sự xuất hiện hàng loạt sáng kiến thành lập đa phương hẹp giữa một vài quốc gia.
Nhiều “bộ đôi”, “bộ tam”, “bộ tứ” ra đời xoay quanh các cường quốc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Nga. ASEAN cũng đối mặt với xung lực thúc đẩy phân mảnh, một hướng về Mỹ, một hướng về Trung Quốc.
ASEAN là liên minh địa lý hiếm hoi còn lại hướng tới mục tiêu “thị trường chung, thuế quan chung, mậu dịch chung, luật pháp chung” - mô hình mà EU đã gặt hái thành công và bây giờ có dấu hiệu tan rã, suy yếu.
Trào lưu đơn phương hóa là có thật, phản ánh mâu thuẫn trong quan hệ quốc tế hiện nay, rằng: tính chất hợp tác đa phương không hề kết thúc mà cần chỉnh sửa, tái cấu trúc để phù hợp với tình hình mới, đang có những thay đổi mạnh mẽ về “chất”.
Mấy thập kỷ qua ASEAN không ngừng thay đổi trên nền tảng xác quyết quan điểm đa phương, đa diện, đa lĩnh vực không chỉ nội khối mà còn thiết lập các diễn đàn, Hội nghị thượng đỉnh với Đông Bắc Á, Nga, Ấn Độ, Úc, Mỹ.
Có rất nhiều vấn đề hóc búa xảy ra tại Đông Nam Á nhưng bản thân cơ chế ASEAN không giải quyết được, đó là tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, an ninh hàng hải, an ninh phi truyền thống.
Là “trung tâm sáng kiến” nhiều cơ chế hợp tác tại châu Á - Thái Bình Dương, ASEAN có khả năng đóng vai trò trung gian hòa giải các mâu thuẫn về chính trị, an ninh, chủ quyền lãnh thổ mà bản thân các quốc gia đơn lẻ không làm được. Có thể nói đây là sứ mệnh thời đại. “Phương pháp ASEAN” là dấu ấn đặc trưng của khối mà đến nay chưa tổ chức nào trên thế giới có được.
ASEAN là cơ chế hợp tác linh hoạt nhất hiện nay, theo mô hình vệ tinh, trục chính là 10 quốc gia thành viên, xoay quanh là những “cửa sổ” ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM, Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng - EAMF, ASEAN - EU.
ASEAN biết cách bù đắp khiếm khuyết, tăng tính hấp dẫn trong quan hệ với các siêu cường thông qua cơ chế “cửa sổ”. Mặc dù sức mạnh kinh tế khiêm tốn nhưng uy tín ASEAN ngày càng nâng cao, rất được tin cậy với lập trường “trung lập, hòa bình, đối thoại và hợp tác”
Các cường quốc đều nhận thấy tiềm năng của ASEAN. Bắc Kinh khó hiện thực hóa tham vọng bá chủ nếu như không tạo được quan hệ đủ tốt với khối này; Mỹ khó “xoay trục châu Á” nếu không xem ASEAN là trọng tâm ưu tiên chính sách.
Có thể bạn quan tâm
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38-39: Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng mối quan hệ với ASEAN
14:15, 27/10/2021
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38-39: Tăng cường vai trò của ASEAN thúc đẩy phục hồi toàn diện
09:19, 27/10/2021
HỘI NGHỊ CẤP CAO ASEAN LẦN THỨ 38-39: ASEAN và tầm nhìn của Việt Nam
06:00, 27/10/2021
HỘI NGHỊ CẤP CAO ASEAN LẦN THỨ 38-39: Ưu tiên ứng phó với COVID-19 và phục hồi kinh tế
15:09, 26/10/2021
HỘI NGHỊ CẤP CAO ASEAN LẦN THỨ 38-39: Việt Nam đề xuất hai trọng tâm
15:00, 26/10/2021