HỘI NGHỊ CẤP CAO ASEAN LẦN THỨ 38-39: Ưu tiên ứng phó với COVID-19 và phục hồi kinh tế

Diendandoanhnghiep.vn Lãnh đạo các nước ASEAN đã trao đổi về các nỗ lực xây dựng cộng đồng và ứng phó với dịch COVID-19 tại Hội nghị Cấp cao trực tuyến lần thứ 38.

Các nhà lãnh đạo ASEAN

Các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao trực tuyến lần thứ 38. Ảnh: Reuters

Cụ thể, ứng phó với dịch bệnh COVID-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế tiếp tục là hai ưu tiên được các nước quan tâm thảo luận. Bày tỏ lo ngại trước những tác động tiêu cực đối với kinh tế-xã hội, các nước nhất trí giải pháp cấp bách hiện nay là cần nỗ lực triển khai tiêm chủng toàn dân, tăng cường hệ thống y tế công cộng, đẩy mạnh phục hồi kinh tế. Đồng thời, ASEAN cần tiếp tục nâng cao năng lực tự cường, tự chủ vaccine, đảm bảo sự tiếp cận đầy đủ và đồng đều cho người dân.

Các nhà lãnh đạo ghi nhận những tiến triển đạt được trong triển khai các sáng kiến ứng phó dịch COVID-19, trong đó có kế hoạch sử dụng 10,5 triệu USD từ Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 để mua vaccine cho các nước thành viên và phấn đấu có lô vaccine đầu tiên trong quý IV/2021 hoặc quý I/2022.

Ghi nhận tiến triển tích cực trong triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN, các nước nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy triển khai các sáng kiến, đồng thời chú trọng tận dụng đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số làm đòn bẩy phục hồi. Đồng thời, các nhà lãnh đạo đã nhất trí thông qua Khung thỏa thuận Hành lang đi lại ASEAN (ATCAF) nhằm tạo thuận lợi cho di chuyển thiết yếu trong khu vực, đồng thời tích cực xem xét khả năng công nhận lẫn nhau và áp dụng giấy chứng nhận tiêm vaccine điện tử cho người dân.

Phát biểu về vấn đề này, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã cho rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương của khu vực ASEAN trong việc đối phó với các mối đe dọa mới nổi có thể nảy sinh ngoài dự kiến.

"ASEAN không chỉ phải nỗ lực để giải quyết dịch COVID-19 và những tác động của đại dịch, mà khu vực này còn cần xem xét các bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng để nâng cao khả năng phục hồi và khả năng sẵn sàng của Cộng đồng ASEAN để ứng phó với những thách thức nổi lên trong tương lai", Thủ tướng Thái Lan khẳng định.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Prayut đã đề xuất ba vấn đề mà ASEAN cần ưu tiên bao gồm, thứ nhất, khối cần đảm bảo thực hiện hiệu quả các sáng kiến của hiệp hội về ứng phó với dịch COVID-19, đồng thời tăng cường hơn nữa khả năng sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh mới nổi và tăng cường an ninh y tế công cộng về lâu dài, bao gồm cả việc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và phát triển (R&D) về vaccine để đạt được an ninh và tự lực về vaccine trong khu vực.

Thứ hai, các quốc gia trong khối cần bắt đầu mở cửa trở lại và cho phép đi lại an toàn để phục hồi các nền kinh tế, sử dụng Khung thỏa thuận hành lang đi lại với sự công nhận lẫn nhau về vaccine và chứng chỉ vaccine để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi công tác và sau này là du lịch. ASEAN cũng nên tránh các biện pháp không cần thiết có thể cản trở sự di chuyển của hàng hóa để đảm bảo kết nối chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch và tận dụng nhiều hơn thị trường nội khối để kích thích nền kinh tế khu vực.

Thứ ba, dịch COVID-19 và các thách thức về thiên tai như biến đổi khí hậu, lũ lụt, cháy rừng hoặc khói bụi xuyên biên giới phản ánh điểm yếu của các phương pháp tiếp cận phát triển hiện tại vốn tập trung chủ yếu vào lợi ích kinh tế, trong khi không tính đến tác động đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Do đó, đã đến lúc ASEAN cần phải thay đổi mô hình cuộc sống hàng ngày và đạt được “Cân bằng vạn vật” để giúp sự phục hồi và phát triển của ASEAN bền vững hơn, phù hợp với Mô hình kinh tế BCG (sinh học- tuần hoàn-Xanh) mà Thái Lan áp dụng để tự tái tạo cho kỷ nguyên “Bình thường Tiếp theo”.

Theo Thủ tướng Prayut, “Chương trình nghị sự Xanh ASEAN” cần được theo đuổi như một cách tiếp cận cho tương lai của khu vực ASEAN trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thân thiện với môi trường, bằng cách sử dụng các công nghệ xanh và đổi mới cũng như ưu tiên các vấn đề chính phù hợp với những xu hướng toàn cầu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN lần thứ 38 cùng Lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN lần thứ 38 cùng Lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN. 

Đồng quan điểm với Thủ tướng Thái Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hoan nghênh các kết quả tích cực mà ASEAN đạt được qua một năm đầy khó khăn, thử thách. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất ASEAN cần nhấn mạnh vào hai trọng tâm chính như sau: Thứ nhất, xây dựng cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ, linh hoạt về kiểm soát đại dịch COVID-19 với sự tham gia của “cả cộng đồng”, hướng đến người dân, doanh nghiệp là trung tâm và chủ thể, tích cực tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh trên tinh thần “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”.

"ASEAN cần chuyển sang chiến lược mới để quản lý sự thay đổi với cách tiếp cận toàn dân để thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, song song với đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Để thực hiện hiệu quả, cần nâng cao hiệu quả các cơ chế phối hợp, nâng cao năng lực hệ thống y tế, chủ động về vaccine, thuốc điều trị và đề cao ý thức của nhân dân", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết. 

Thứ hai, Thủ tướng đề nghị ASEAN cần định vị chỗ đứng mới trong tương quan các mối quan hệ kinh tế-chính trị đang tái định hình của thế giới, củng cố vai trò là hạt nhân của các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết kinh tế đa phương, đa tầng nấc ở khu vực. Để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, nâng cao sức hấp dẫn của thị trường ASEAN và đẩy mạnh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, ASEAN cần cân nhắc tận dụng các yếu tố mới như chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, nhân lực chất lượng cao.

Đồng thời, nhằm tiếp tục triển khai các ưu tiên của Việt Nam trong năm ASEAN 2020, trong đó có thúc đẩy hợp tác phát triển tiểu vùng gắn với tổng thể tiến trình phát triển chung của ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thông báo kế hoạch tổ chức Diễn đàn ASEAN về Hợp tác tiểu vùng vì phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm vào ngày 30/11/2021 tại Hà Nội.

Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù khối đang phải đối diện với nhiều thách thức, nhưng chiến lược thích ứng với đại dịch COVID-19 trong điều kiện mới cùng truyền thống đoàn kết của ASEAN là chìa khóa để ASEAN giải nguy những thách thức và tiếp tục tiến về phía trước. 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết HỘI NGHỊ CẤP CAO ASEAN LẦN THỨ 38-39: Ưu tiên ứng phó với COVID-19 và phục hồi kinh tế tại chuyên mục Quốc tế của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714092767 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714092767 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10