COP26 vẫn ẩn chứa mầm mống thất bại

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 03/11/2021 05:30

Mặc dù được xem là "cuộc họp quan trọng nhất lịch sử đương đại" nhưng nguy cơ thất bại vẫn hiện hữu với COP26.

Thủ tướng Anh, Borris Johnson, chủ nhà COP26

Thủ tướng Anh, Borris Johnson, chủ nhà COP26

Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu, viết tắt là COP26 lần này được mệnh danh là “hội nghị quan trọng nhất thế kỷ”, “cơ hội cuối cùng”,… cứu trái đất khỏi thảm họa diệt vong. Vậy, thấy gì từ COP26?

COP26 quy tụ 125 nhà lãnh đạo toàn cầu trong đó phải kể đến Tổng thống Mỹ, Giáo hoàng, Thủ tướng Ấn Độ, nữ Hoàng Anh, Thủ tướng Đức, Ý, Tổng thống Pháp, tuy vậy Trung Quốc chỉ cử quan chức cấp thứ trưởng, ông Giả Chấn Hoa, một nhà khoa học môi trường có tiếng tăm và chỉ nhắc lại cam kết hồi năm ngoái.

Trung Quốc đồng ý giảm khí CO2 tính theo đơn vị GDP xuống 65% tới năm 2030, tính từ mức phát thải từ năm 2005. Đồng thời tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo thêm 25% cùng thời gian.

Điểm mới nhất mà Bắc Kinh bổ sung là giảm tỷ trọng sử dụng năng lượng hóa thạch xuống 20% vào năm 2060. Đây cũng là mục tiêu mà Trung Quốc tự đặt ra trong nước bằng cách không xây thêm nhà máy nhiệt điện, phát triển phương tiện sử dụng năng lượng điện.

Trung Quốc là “cường quốc phát thải” lớn nhất toàn cầu, tính đến năm 2019 lượng khí nhà kính tại quốc gia đông dân nhất thế giới thải ra gần gấp đôi Mỹ, nhiều hơn tổng khối lượng của Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Iran, Đức, Indonesia, Hàn Quốc, Saudi Arabia cộng lại, chiếm ¼ toàn cầu.

Việc không có ông Tập tại Glasgow và căn cứ vào chỉ tiêu phát thải đã định khiến khả năng thành công mỹ mãn của COP26 bị đặt dấu hỏi rất lớn. Nỗ lực của 124 nước còn lại không thể tới đích nếu Bắc Kinh không mặn mà.

Ông David Tyfield, chuyên gia nghiên cứu Môi trường tại Đại học Lancaster (Anh) quả quyết: “trừ khi Trung Quốc khử carbon, chúng ta sẽ không đánh bại được biến đổi khí hậu”.

Tổng thống Nga, V. Putin cũng không đến Vương quốc Anh trong dịp này, ông gửi gắm thông điệp một cách ngoại giao “chống biến đổi khí hậu là một trong những trọng tâm ưu tiên của Moscow”.

Mỹ đã quay lại với Hiệp ước Paris, nhưng COP26 không có ông Tập Cận Bình và V. Putin

Mỹ đã quay lại với Hiệp ước Paris, nhưng COP26 không có ông Tập Cận Bình và V. Putin

Chống biến đổi khí hậu là cuộc cạnh tranh không kém phần quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính quyền của Tổng thống Biden sẽ cam kết giảm 50% lượng khí thải vào năm 2030, với Bắc Kinh, để đạt được mục tiêu này phải đóng cửa 588 nhà máy nhiệt điện.

Sự quay lại của Washington với Hiệp ước Paris dưới thời Tổng thống Joe Biden giống như một áp lực với Bắc Kinh, tìm nguồn năng lượng thay thế bên cạnh bài toán thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho đại kế hoạch 100 năm lần thứ 2.

Đối với Nga, nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ và khí đốt, nguồn năng lượng gây phát thải chủ yếu, nếu bác bỏ nguồn năng lượng này sẽ là cú sốc với Moscow.

Cắt giảm phát thải cũng là chủ đề gây tranh cãi giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, vì rằng các nước đã đạt được công nghiệp hóa cần trách nhiệm nhiều hơn về cắt giảm khí nhà kính sau hàng chục năm gây hại môi trường.

Hơn thế nữa, cắt giảm khí thải không đơn thuần là đóng cửa những cơ sở gây ô nhiễm, chắc chắn là cú đấm chí mạng vào mọi nền kinh tế. Liên quan đến vấn đề công nghệ năng lượng, khả năng chuyển đổi và thích nghi của hệ thống kinh tế với năng lượng “sạch”.

Các nước nghèo không đủ tiềm lực để “thay máu” công nghệ, nhận chuyển giao chỉ là uyển ngữ đậm tính ngoại giao, bởi vì không ai có thể cho bạn công nghệ tân tiến nhất, vì đó là lợi thế tuyệt đối để cạnh tranh.

Giảm phát thải về 0 ở giữa thế kỷ này là tham vọng rất lớn, xung quanh COP26 vẫn còn nhiều mâu thuẫn, tranh cãi khó thống nhất trong ngắn hạn. Nhất là khi trình độ phát triển chênh lệch như hiện nay.

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam thúc đẩy hợp tác giải quyết biến đổi khí hậu tại COP26

    Việt Nam thúc đẩy hợp tác giải quyết biến đổi khí hậu tại COP26

    13:25, 02/11/2021

  • Áp lực chống biến đổi khí hậu bao trùm G20 đến COP26

    Áp lực chống biến đổi khí hậu bao trùm G20 đến COP26

    04:47, 02/11/2021

  • Việt Nam cam kết mạnh mẽ về ứng phó biến đổi khí hậu

    Việt Nam cam kết mạnh mẽ về ứng phó biến đổi khí hậu

    00:11, 02/11/2021

  • Doanh nghiệp thích ứng chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu

    Doanh nghiệp thích ứng chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu

    15:08, 15/10/2021

  • Giải Nobel Vật lý 2021 truyền thông điệp chống biến đổi khí hậu

    Giải Nobel Vật lý 2021 truyền thông điệp chống biến đổi khí hậu

    08:32, 06/10/2021

TRƯƠNG KHẮC TRÀ