Trung Quốc đã thừa nhận mình là quốc gia phát triển?
Trước động thái của châu Âu, phía Trung Quốc tuyên bố, "chúng tôi đang "tốt nghiệp" chương trình GSP và đang tiến tới trở thành một nền kinh tế "trưởng thành".
Hơn 30 quốc gia ở châu Âu sẽ chấm dứt chương trình ưu đãi thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 1/12 tới đây. Điều đó có nghĩa hàng Trung Quốc phải chịu giá cao hơn khi vào EU. Động thái thuế này có vẻ ngược với xu hướng đưa thuế quan về mức 0% để xây dựng thị trường tự do thương mại toàn cầu.
Phản ứng Bắc Kinh cũng rất lạ, “sự công nhận từ các nền kinh tế phát triển khác rằng Trung Quốc không thuộc nhóm các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình thấp nữa, và các sản phẩm của Trung Quốc đủ sức cạnh tranh trên thị trường, không còn cần bảo vệ”. Tổng cục Hải quan cho hay.
Không còn chính sách miễn thuế, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và có tỷ suất lợi nhuận thấp sẽ phải chịu gánh nặng - và điều này có thể dẫn đến việc di dời nhà máy sản xuất ở Trung Quốc sang các nước đang phát triển khác.
Tháng 4 năm nay, trong một cuộc họp báo, đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc còn khẳng định “Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển, bất chấp những yêu cầu mới đây của Anh về việc xem xét lại địa vị của Trung Quốc trong Tổ chức Thương mại Thế giới”.
Trước đó 1 tháng, tại hội đàm Alaska (Mỹ), Uỷ viên Bộ chính trị Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị không ngần ngại yêu cầu “Mỹ hãy xem Trung Quốc là một cường quốc”.
Đây là biểu hiện cho thấy chính sách ngoại giao của Bắc Kinh đã chuyển hướng, từ giấu mình chờ thời sang thị uy sức mạnh. Tâm lý tự tin dâng cao trong nội bộ giới cầm quyền Trung Quốc sau khi họ đạt được những thành tựu kinh tế, xã hội bất chấp dịch bệnh COVID-19.
Ông Tập đang tìm cách “cài đặt” lại quan hệ với phương Tây - đó là mối quan hệ ngang hàng, đối tác chủ động chứ không phải đối thủ bị động. Như vậy, Trung Quốc bắt đầu lột bỏ “chiếc kén” quốc gia đang phát triển - cái mà họ từng đấu tranh không khoan nhượng tại WTO để được hưởng lợi về thương mại.
Giữ khăng khăng “cuốn sổ hộ nghèo” giúp Trung Quốc hưởng rất nhiều ưu đãi trong thương mại quốc tế. Đối với thuế quan, thời gian cắt giảm, số lượng sản phảm, biểu thuế sẽ được ưu đãi hơn so với nước phát triển.
Đối với giải quyết tranh chấp, WTO cũng được khuyến khích dành sự quan tâm đặc biệt đối với tình hình của các nước thành viên đang phát triển. Các nước đang phát triển có thể yêu cầu Tổng giám đốc WTO đứng ra làm trung gian, hòa giải trong trường hợp có tranh chấp với nước phát triển.
WTO chưa đưa ra bất kỳ khái niệm nào để “khoanh vùng” các quốc gia đang phát triển, thuật ngữ này được Liên Hợp Quốc đưa ra dựa trên 3 tiêu chí. Còn lại việc xác định quốc gia đang phát triển thông qua phương thức tự ứng cử và cơ chế phán quyết tranh chấp của tòa phúc thẩm..
Trong con mắt quốc tế, Trung Quốc hẳn là cường quốc, xét về quy mô nền kinh tế, sức sản xuất, khả năng sáng tạo và sự ảnh hưởng của quốc gia này. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trong vài ba chục năm tới.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao doanh nghiệp “lắc đầu” với hạn ngạch thuế quan nhập ô tô cũ theo CPTPP?
11:01, 16/04/2021
Vì sao doanh nghiệp chưa tận dụng ưu đãi thuế quan từ hiệp định CPTPP?
00:38, 08/04/2021
Đàm phán bất thành, Trump sẽ áp thuế quan với tất cả hàng hóa Trung Quốc?
16:50, 27/11/2018
Trump phản đòn, áp thuế bổ sung với 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc
11:01, 24/08/2019
VEPR cảnh báo nguy cơ Việt Nam là "điểm trung chuyển" hàng hoá Trung Quốc sang Mỹ
04:45, 22/10/2020
Đối tác mới có giúp Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ?
04:30, 24/07/2018