Nhật Bản và kinh nghiệm đi giữa “hai làn đạn”

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 23/11/2021 09:22

Nhật Bản là một hình mẫu về "ngoại giao con thoi" thành công giữa áp lực của các cường quốc.

Thủ tướng Kishida và Tổng thống Joe Biden

Thủ tướng Kishida và Tổng thống Joe Biden

>>Nhật Bản tái cấu trúc kinh tế toàn diện

Có thể nhìn thấy ở đất nước Nhật Bản rất nhiều điều rút ra cho Việt Nam, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, đường lối cách tân đất nước và đặc biệt là kinh nghiệm ngoại giao khéo léo để song hành với các cường quốc.

Cùng ảnh hưởng văn hóa Nho giáo (Trung Hoa), nhưng cải cách Minh Trị đã đưa Nhật Bản nhanh chóng tiếp cận giá trị phương Tây, cuốn sách nổi tiếng “Khuyến học” của Yukichi đã đúc kết toàn bộ giá trị về giáo dục, nhân học, văn hóa, phong cách sống, đào tạo và sử dụng nhân tài.

Từ rất sớm người Nhật đã đặt ra yêu cầu phát triển khoa học kỹ thuật, hiện đại hóa đất nước, khi tiềm lực trong nước còn hạn chế, họ không ngần ngại mở cửa hợp tác với châu Âu, Mỹ. Mua bằng sáng chế, khả năng tự học, lòng kiên nhẫn và tính kỷ luật, Nhật đã xây dựng cho riêng mình nền công nghiệp đáng ngưỡng mộ.

Hai lĩnh vực này, hiện ở Việt Nam diễn ra rất nhiều tranh luận, đặc biệt là giáo dục, nên sao chép chương trình ở các quốc gia tiên tiến và tinh chỉnh hay tự thiết kế nội dung? Cũng như vậy, làm cách nào để phát triển khoa học, kỹ thuật? Tự lực cánh sinh hay trông chờ vào chuyển giao? Công nghiệp giàu chất xám hay gia công xuất khẩu?

Thủ tướng Abe và Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh

Thủ tướng Abe và Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh

Mỹ từng ném xuống Nhật 2 quả bom nguyên tử để khép lại thế chiến II, cũng chính người Mỹ mào đầu trong công cuộc cải cách đất nước này, và cũng lại là Mỹ từng o ép Nhật Bản khi nước này phát triển thần kỳ, có khả năng soán ngôi Mỹ trong thập niện 70, 80 thế kỷ trước.

Trong hàng loạt biến động ấy, Tokyo không xây dựng quan hệ với Mỹ và phương Tây trên quan điểm thù nghịch. Vì kinh nghiệm từ thất bại trong chiến tranh thế giới, đồng thời giới tinh hoa Nhật nhận thức được sự tồn tại của một quốc gia rất lớn trong vùng, có khả năng thách thức trật tự cũ, đó chính là Trung Quốc.

Bắt tay với Mỹ giúp Nhật tránh được khoản chi phí quốc phòng, xây dựng quân đội, nguồn lực này tập trung đầu tư phát triển kinh tế. Với tiềm lực hiện nay, xứ anh đào thừa sức xây dựng quân đội hùng mạnh, nhưng vẫn chọn cách liên minh toàn diện với Washington để tạo đối trọng đủ mạnh tại châu Á-Thái Bình Dương.

Giới quan sát chính trị khu vực cũng chỉ ra rằng, hầu hết các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản đều liên quan tới Mỹ. Thành viên Bộ tứ (Quad, gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia); thành viên mạng chia sẻ thông tin tình báo Ngũ nhãn (Five Eyes, gồm Mỹ, Anh, New Zeanland, Australia, Canada);…

Tokyo còn đóng vai trò là “đại sứ con thoi” của Mỹ ở châu Á, đóng vai trò tích cực trong vấn đề hòa giải Triều Tiên, tăng cường đầu tư vào Đông Nam Á - phần nào đó giúp Washington chuyển tải thông điệp hình thành trục quyền lực mới.

Thân thiết với phương Tây nhưng không hề lạnh nhạt với láng giềng, đặc biệt là mối quan hệ rất nhiều duyên nợ với Trung Quốc. Gác lại thù nghịch trong lịch sử, Nhật - Trung vẫn duy trì hợp tác nhiều lĩnh vực, duy trì đối thoại nhiều cấp, cùng nhau có mặt trong nhiều tổ chức đa phương.

Bất chấp những căng thẳng liên quan đến chủ quyền biển, đảo và mâu thuẫn lịch sử, các đời Thủ tướng Nhật vẫn đồng nhất ngoại giao mềm mỏng với Bắc Kinh. Từ năm 2.000 đến nay Nhật luôn duy trì các chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc.

Nhật Bản liên tục tinh chỉnh cấu trúc ngoại giao để tránh mất lòng Trung Quốc. Ví dụ, họ đã thay từ “Chiến lược” bằng “Tầm nhìn” Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” để không bị Bắc Kinh xem là kế hoạch chống lại mình.

Đối với sáng kiến “Vành đai và Con đường”, trước đây Nhật nối gót các nước lên tiếng chỉ trích và không tham gia. Nhưng nay Nhật bắt đầu chấp nhận có điều kiện minh bạch tài chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đang có chuyến thăm chính thức đến Nhật Bản

Thủ tướng Phạm Minh Chính (ngoài cùng bên trái) đang có chuyến thăm chính thức đến Nhật Bản

>>Quan hệ Việt - Mỹ và bài học từ Nhật Bản

Trong đó, mối quan hệ Nhật Bản và Việt Nam phát triển rất nhanh chóng kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức từ năm 1973. Ở góc độ chiến lược, có thể thấy, nếu Mỹ cần Việt Nam thì Nhật Bản chính là nơi thể hiện sự “cần thiết” này.

Có thể nói, Nhật Bản, từ bên thua cuộc, trong thế đối đầu với các cường quốc, ở giữa hai làn đạn Trung - Mỹ nhưng đã biết cách tận dụng các cơ hội hiếm hoi để xây dựng và phát triển đất nước.

Việt Nam không phải là Nhật Bản! Có điều, thứ mà người Mỹ cần ở Việt Nam cũng giống ở Nhật Bản. Linh hoạt, khéo léo, nắm bắt thời cơ,… xem ra là cách xử lý tốt nhất trong quan hệ bộ ba Việt - Mỹ - Trung.

Có thể bạn quan tâm

  • Quan hệ Việt - Mỹ và bài học từ Nhật Bản

    Quan hệ Việt - Mỹ và bài học từ Nhật Bản

    11:30, 27/08/2021

  • Kỳ vọng tương lai quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - Nhật Bản

    Kỳ vọng tương lai quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - Nhật Bản

    05:29, 23/11/2021

  • Nhật Bản tái cấu trúc kinh tế toàn diện

    Nhật Bản tái cấu trúc kinh tế toàn diện

    05:05, 07/11/2021

  • Kỳ vọng và thách thức đối với Tân Thủ tướng Nhật Bản

    Kỳ vọng và thách thức đối với Tân Thủ tướng Nhật Bản

    05:19, 01/10/2021

TRƯƠNG KHẮC TRÀ