Việt Nam không phải là Nhật Bản! Có điều, thứ mà người Mỹ cần ở Việt Nam cũng giống ở Nhật Bản.
Quan hệ Việt - Mỹ chắc chắn sẽ phát triển lên tầm cao mới trong nay mai. Cũng như nhiều các mối quan hệ khác, tất cả dựa trên nền tảng đôi bên cùng có lợi, bởi không bữa ăn nào là miễn phí.
Như các nhà quan sát nhận định, Washington “xoay trục” về châu Á như một cuộc “Đông tiến” thứ 2 kể từ sau năm 1975, lần này là ngoại giao mềm dẻo, tinh tế chứ không vũ lực thô bạo như trước đây.
Vì rằng, thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á-Thái Bình Dương, ai giành ưu thế tuyệt đối ở khu vực này chính là cường quốc số 1 thế giới. Bắc Kinh đang ráo riết nâng tầm ảnh hưởng bằng cả ngoại giao, tài chính lẫn vũ trang quân sự.
Một trong những chiến địa “nóng” nhất là Biển Đông, rất nhiều quốc gia có xích mích chủ quyền với Trung Quốc. Làm sao giữ vững chủ quyền, ngăn chặn xâm lấn, đảm bảo an ninh hàng hải, công bằng thương mại, buôn bán khi thế và lực ở châu Á không ai bằng Trung Quốc?
Cần có đối trọng đủ mạnh để Trung Quốc bớt hung hăng, chí ít đối trọng ấy cũng là sự lựa chọn thay thế nếu như Bắc Kinh vung tay quá trán. Mỹ và đồng minh đang muốn đóng vai trò như thế.
Tình thế trên đặt các quốc gia nhỏ, yếu vào hoàn cảnh khó xử. Một mặt không thể tách rời Trung Quốc, mặt khác lại không muốn dính quá chặt vào Mỹ. Nguyên tắc là Mỹ đến rồi có lúc sẽ đi, chỉ có Trung Quốc mãi mãi nằm đó!
Trước khi Đông Nam Á rơi vào trạng thái này, Nhật Bản đã có vài thập kỷ “ngoại giao con thoi”, họ khéo léo vừa giữ chân Mỹ làm chỗ dựa, vừa củng cố quan hệ thương mại với đối tác khổng lồ Trung Quốc.
Khi có cơ hội, Tokyo không ngại ngần bày tỏ mối quan hệ đặc biệt với Washington, bất kỳ đời Thủ tướng Nhật nào cũng tuân thủ nguyên tắc này, ngoài quan hệ cấp cao nhất, hai bên thường xuyên duy trì đối thoại, đàm phán cấp Bộ trưởng, thứ trưởng.
Hồi tháng 4, mặc dù dịch bệnh căng thẳng nhưng tân Thủ tướng Suga cũng thân chinh đến Mỹ gặp gỡ Tổng thống Joe Biden và không quên nhắc đến mối quan hệ toàn diện của hai nước.
Ông Suga và ông Biden đã chia sẻ tầm nhìn chung về tương lai của liên minh Mỹ-Nhật, công bố các sáng kiến mới về biến đổi khí hậu, đầu tư công nghệ và sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt là tuyên bố chung giữa Mỹ và Nhật Bản đã xác định Trung Quốc là thách thức lớn mà liên minh truyền thống này phải đối mặt.
Với Bắc Kinh, cũng có lúc chính phủ Nhật Bản tỏ ra cứng rắn ở một vài thời điểm để tránh tiếng yếu đuối, và dù sao chăng nữa “xứ anh đào” cũng từng là cường quốc làm mưa làm gió một thời.
Nhưng về đại cục, Nhật Bản liên tục tinh chỉnh cấu trúc ngoại giao để tránh mất lòng Trung Quốc. Ví dụ, họ đã thay từ “Chiến lược” bằng “Tầm nhìn” Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” để không bị Bắc Kinh xem là kế hoạch chống lại mình.
Đối với sáng kiến “Vành đai và Con đường”, trước đây Nhật nối gót các nước lên tiếng chỉ trích và không tham gia. Nhưng nay Nhật bắt đầu chấp nhận có điều kiện minh bạch tài chính.
Tuy vậy, mối quan hệ Trung - Nhật vẫn êm ấm, đầu năm nay Chủ tịch Tập tính sang thăm Nhật nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đúng như cựu Thủ tướng Abe nói: “Quan hệ Trung - Nhật cải tiến theo hướng tuyệt vời”.
Dù là đồng minh rất thân cận với Mỹ, nhưng Tokyo không bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh thương mại, nắm trong tay công nghệ bán dẫn số 1 nhưng người Nhật không hùa theo Mỹ cấm vận Trung Quốc.
Ông Shinzo Abe khéo léo đề xuất giải quyết chiến tranh thương mại bằng đàm phán dựa vào luật pháp WTO. Hẳn nhiên, người Nhật thừa hiểu WTO không có tiếng nói gì trong việc này!
Thực tế, Nhật Bản hưởng lợi rất nhiều từ Trung Quốc, có hàng trăm công ty Nhật làm ăn tại thị trường đông dân nhất thế giới, đổi lại khách Trung Quốc là "mỏ vàng” của du lịch xứ mặt trời mọc. Kinh tế hai nước phụ thuộc nhau chặt chẽ đến mức không thể thiếu nhau.
Cố nhiên, không có gì hoàn hảo, dưới thời D. Trump đã xét lại tất cả các mối quan hệ, kể cả đồng minh, bởi ông cho rằng “Mỹ bị lợi dụng”. Suýt chút nữa Washington tung đòn trả đũa Tokyo. Nhưng một lần nữa Nhật Bản khéo léo vượt qua.
Việt Nam không phải là Nhật Bản! Có điều, thứ mà người Mỹ cần ở Việt Nam cũng giống ở Nhật Bản. Linh hoạt, khéo léo, nắm bắt thời cơ,… xem ra là cách xử lý tốt nhất trong quan hệ bộ ba Việt - Mỹ - Trung.
Có thể bạn quan tâm