Khủng hoảng ngành y: Không thể chờ quá lâu
Biến động nhân sự, bệnh viện thiếu vật tư, bác sĩ lắc đầu ngao ngán vì chậm đấu thầu, mua sắm. Ngành y tế đang lâm vào cuộc khủng hoảng diện rộng mà người chịu thiệt thòi nhất là những bệnh nhân.
>>> Nghịch lý ngành y tế: Thiếu thốn lại không thể tiêu hết tiền
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Cuộc khủng hoảng “kép”
COVID-19 hoành hành trên khắp cả nước, các y - bác sĩ căng mình chống dịch suốt hơn 2 năm qua. Những tưởng, sau dịch bệnh, ngành y tế sẽ được quan tâm nhiều hơn, y bác sĩ sẽ được trân trọng nhiều hơn để ngành y thực sự là “từ mẫu” đối với tất cả người dân.
Tuy nhiên, hãy nhìn vào thực tại của y tế hiện nay. Nhiều lãnh đạo y tế khắp cả nước vướng vòng lao lý do “quả bom Việt Á”. Những “cú bắt tay tiền tỷ” đã khiến gần 100 bị can là lãnh đạo, nhân viên ngành y tế nhúng chàm, trong đó có cả những người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Các bệnh viện công vì thế mà “không dám” đấu thầu trang thiết bị y tế do lo sợ sai phạm. Hoạt động đấu thầu, mua sắm “đóng băng”. Hàng loạt bệnh viện thiếu hụt vật tư y tế trầm trọng, trong khi ngay cổng bệnh viện thì các hiệu thuốc lại luôn sẵn hàng.
Thêm vào đó, mô hình tự chủ tại các bệnh viện công từng được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng y tế nhiều hơn nữa, thì nay, nhiều bệnh viện trên khắp cả nước lại xin dừng mô hình tự chủ do… không đáp ứng được yêu cầu.
Làn sóng nhân viên nghỉ việc, rời hệ thống y tế công chưa có dấu hiệu dừng lại. Tính riêng ở TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố này trung bình phải ký cho 5 người xin nghỉ việc mỗi ngày. Gần 1000 người đã phải dứt áo ra đi. Một Trưởng khoa tại bệnh viện hạng 1 phải bật khóc vì lý do hết sức đau xót: Lương không đổi, áp lực đè nặng, môi trường không còn phù hợp, nhìn sang bệnh viện tư mà… ngậm ngùi.
Đây là bài toán hóc búa nhất từ trước đến nay đối với người đứng đầu ngành Y tế, lãnh đạo các địa phương trong việc tìm lời giải đáp, giải tỏa những áp lực cho những con người đang ngày đêm cống hiến vì người bệnh.
Không thể chờ chính sách quá lâu
Tất cả những điều trên đặt hết gánh nặng lên vai người bệnh. Họ phải chờ đợi lâu hơn, tốn kém hơn, mất cơ hội tiếp cận với việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe kịp thời.
Giờ đây, khi vào bệnh viện, một số người nhà bệnh nhân phải đi mua kim tiêm, kim chỉ khâu, dây truyền, bông gạc… những vật tư tiêu hao vốn thuộc danh mục BHYT chi trả. Đa số phải mua với số lượng lớn hơn số lượng thực tế cần, dẫn tới lãng phí không cần thiết.
Từ câu chuyện được cho là cường điệu hóa “bệnh viện cực chẳng đã phải dùng loại dao kém chất lượng phẫu thuật, rạch 3 lần mới qua da người bệnh”, đến những thực tế chỉ các bác sĩ mới nắm rõ như “phải dùng loại chỉ khâu rẻ tiền, khó buộc nút, loại sonde hút có ống hút rất cứng, hút rất khó, gây đau, ảnh hưởng tới người bệnh”.
Bệnh viện thiếu vật tư mà không thể đấu thầu, mua sắm. Quỹ BHYT có sẵn nhưng không thể chi, mọi chi phí đều đổ dồn về túi người dân, những người đã đóng BHYT nhưng không được hưởng đầy đủ chế độ an sinh do chính họ đóng góp.
>>Giải tỏa “khủng hoảng” xã hội hóa ngành y tế: Tách bạch công tư dịch vụ y tế
>>Ngành Y tế và cuộc đại phẫu không thuốc tê
Để tháo gỡ “cơn khát” thuốc men, vật tư, trang thiết bị, ngành y tế đang có những động thái mạnh mẽ để thu hút sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành khác cùng vào cuộc.
Dự thảo Nghị quyết mới của Chính phủ do Bộ Y tế soạn được cho là sẽ gỡ được một số khó khăn trước mắt, đặc biệt về việc áp dụng giá ra sao cho thích hợp, cần tính tới lạm phát, thiên tai dịch bệnh, gia tăng chi phí logistics và cả lợi nhuận của doanh nghiệp.
Các chính sách ban hành cần tính kỹ để vừa làm các bệnh viện, doanh nghiệp trúng thầu yên tâm, vừa đảm bảo hạn chế trường hợp đi đêm, thỏa thuận “hoa hồng”, nâng khống giá tràn lan, vượt nhiều lần giá gốc như thời gian qua.
Cuộc khủng hoảng lần này có thể là một cơ hội hiếm có để Chính phủ, ngành y và các bộ ngành khác mạnh dạn tiến hành cải cách, công khai, minh bạch hóa những “điểm mờ”, những “vùng lợi ích”. Điều này tùy thuộc vào sự dũng cảm của những người có trách nhiệm như tân Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Vừa nhận nhiệm vụ, bà đã phải đứng trước một “ngọn núi” thủ tục, chính sách và trước một bài toán xử lý khủng hoảng chưa từng thấy của ngành, đòi hỏi vừa cứng rắn với sai phạm, vừa xử lý uyển chuyển các tồn đọng để bảo vệ quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Trong tình trạng quá tải bệnh viện như hiện nay, người bệnh không thể chờ hệ thống thực thi công vụ “nghiên cứu, bàn thảo” quá lâu. Họ cần thuốc, vật tư để điều trị!
Có thể bạn quan tâm