Ngành Y tế Việt Nam đang quằn quại trong cuộc đại phẫu to lớn, khi Bộ trưởng, Thứ trưởng, hàng loạt giám đốc CDC đi tù.
>>Khẩn trương xử lý tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế
Ngày ngày các lệnh bắt giữ vẫn đều đặn đưa ra. Danh sách còn dài, chưa biết đến khi nào mới kết thúc.
Một vết đứt tay thôi cũng đau xót chảy máu. Đằng này là cuộc đại phẫu mà dân hay gọi là “mổ sống”, tức là mổ không có thuốc tê, thuốc mê gì hết, thì không biết sự đau đớn còn lên đến mức nào.
Như “rắn mất đầu”, bây giờ rất nhiều bệnh viện “đóng băng” cho đắp chăn chờ số phận, không dám mua các thiết bị hiện đại, đắt tiền… Nhiều bệnh viên tự dìm mình chìm đắm vào cuộc khủng hoảng thiếu thiết bị, thuốc men và cả nhân lực, không dám sử dụng, quyết định trang bị gì do “sợ làm sai phải… vào lò”. Trong khi cơn đau, việc cấp cứu của người bệnh, không đợi giờ đẹp, ngày “thanh long, hoàng đạo”, như nhờ thầy phong thủy chọn ngày nhận bổ nhiệm, bố trí hướng ngồi của bàn làm việc cho lãnh đạo. Dân đau ốm đến bệnh viện chỉ còn biết trông mong vào bác sĩ chứ tuyệt đối không dám “đau đẻ chờ sáng trăng”.
Vì đâu mà ngành Y tế đến cơ sự như thế này?
“Lò” cháy rừng rực mà “củi” thì cứ tiếp thêm vào. Đến mức khi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phải thốt lên từ “khủng hoảng y tế”. Cơ cấu tổ chức quản lý thượng tầng vỡ vụn do lãnh đạo đi tù, hệ thống y tế thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, nhân viên nghỉ việc hàng loạt…
Sau đại dịch COVID-19, số người bệnh đi thăm khám, phát hiện bệnh cần điều trị tăng cao. Trong khi lạm phát, kinh tế ảm đạm sau đại dịch, làm cho việc chi phí đi thăm khám, điều trị thêm gánh nặng cho người dân, đặc biệt là dân nghèo.
Cách tốt nhất với họ là cố gắng mà sống khỏe, đừng có ốm, có ốm chết ráng chịu … nếu không có tiền. Vì vào bệnh viện dù công hay tư thì việc thăm khám, xét nghiệm, lưu trú, điều trị… cái gì cũng tiền hết. Bác sỹ, nhân viên y tế thành người bán dịch vụ, người bệnh thành khách hàng. Và ngành Y thành ngành kinh doanh sức khỏe con người.
>>Thiếu thuốc, vật tư y tế: Người bệnh mỏi mòn chờ giải pháp
>>Bệnh viện thiếu vật tư y tế: Vì đâu nên nỗi?
Có nhiều nguyên nhân, khách quan là do “cơ chế”, khi cách bổ nhiệm nhân sự nhiều nơi vẫn còn theo “4 ệ”: “Thứ nhất hậu duệ, thì nhì tiền tệ, thứ ba quan hệ, thứ tư trí tuệ”. Cái cần nhất thì lại bị xếp xuống sau cùng, để rồi nghịch lý xảy ra do “3 ệ”.
Bỏ tiền mua ghế thì chỉ lo mua dược phẩm, thiết bị, cải tạo hạ tầng, bắt tay dưới gầm bàn với nhà thầu “ăn hoa hồng”. Ăn rồi thì lo “bôi trơn” quan hệ với cấp trên. Họ coi hành vi phạm pháp nhận “gửi giá, phần trăm, lại quả” từ “tham vũng vặt”, lên “tham nhũng to” là bình thường thì bị bắt là điều đương nhiên.
Phần nữa là do hệ thống giám sát quyền lực, pháp luật còn nhiều kẽ hở, dễ dãi, ai cũng nhìn ra được. Hình thành tâm lý “ngu gì mà không ăn” để rồi các lãnh đạo cứ thay nhau lao đầu vào cái bẫy mật, bẫy đường, rồi phải trả giá đắt bằng khi tay chót nhận… tờ giấy bạc.
Thuốc là mặt hàng đặc biệt mà người bệnh khi mua không dám mặc cả. Cũng đúng thôi bởi ai mà dám mặc cả với sức khỏe, tính mạng của mình. Thế nên mới có chuyện người ta ăn chia lợi nhuận trên cả những viên thuốc dành cho bệnh nhân.
Không thể trách các bác sỹ, y sỹ , y tá, điều dưỡng xin nghỉ việc khi họ cống hiến sức lực, trí tuệ…, đặc biệt là trong thời gian dịch COVID-19 họ làm việc quần quật, hàng tháng không nghỉ phép, về nhà… mà đồng lương quá ít ỏi.
Họ có quyền bỏ việc ở bệnh viên công, có quyền chọn y tế tư nhân - nơi họ được trả công xứng đáng hơn, không bị chịu sự ức chế, bất công do “4 ệ” đem lại. Bác sĩ học 6 năm ròng rã, ra trường làm việc trong môi trường đầy áp lực, phải học tập nâng cao trình độ liên tục mà mức lương thì “chán không muốn nói”.
Rất mong mỏi tư lệnh ngành mới lên sẽ mạnh dạn, kéo chăn, xé rào, cho sử dụng hết các thiết bị hiện đại đang bị “đóng bang”, ví dụ như hai con robot Mako và Rosa ở bệnh viện Bạch Mai, phục vụ người bệnh. Đồng thời, xây dựng lại thể chế quản lý, làm trong sạch đội ngũ, lấy lại niềm tin của nhân dân.
Có thể bạn quan tâm
19:00, 23/06/2022
03:30, 23/06/2022
16:42, 19/06/2022
03:30, 14/06/2022
05:11, 11/06/2022
12:09, 07/06/2022