Vụ rau VietGAP dỏm vào siêu thị: Phát huy “quyền năng tối thượng” của người tiêu dùng

ĐÌNH ĐẠI 24/09/2022 05:00

Trong kinh doanh, niềm tin của người tiêu dùng là thước đo cho giá trị thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp. Khi có được niềm tin của người tiêu dùng, thì doanh nghiệp sẽ có tất cả và ngược lại.

>>>Khi siêu thị không còn là “siêu nhân”

Mấy ngày nay, dư luận xã hội lại một phen nữa “dậy sóng” trước loạt bài phóng sự điều tra của báo Tuổi Trẻ phanh phui việc rau VietGAP dỏm “biến hình” vào siêu thị và việc Bách Hóa Xanh tiêu thụ hàng Trung Quốc đã được thay đổi bao bì, nhãn mác thành hàng Việt Nam và dán tem chứng nhận VietGAP.

Đoàn kiểm tra liên ngành của TP.HCM gồm Cục Quản lý thị trường, Ban Quản lý an toàn thực phẩm... vào cuộc vụ rau VietGAP dỏm

Đoàn kiểm tra liên ngành của TP.HCM gồm Cục Quản lý thị trường, Ban Quản lý an toàn thực phẩm... vào cuộc vụ rau VietGAP dỏm "biến hình" vào siêu thị. Ảnh minh họa: IT

Không “dậy sóng” sao được khi những cái tên bị gọi đều là những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu ngành và có uy tín trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, được đông đảo người tiêu dùng trong nước tin tưởng và lựa chọn.

Không “dậy sóng” sao được khi thực phẩm là mặt hàng thiết yếu, liên quan trực tiếp đến sức khỏe cũng như tính mạng của người dân. Thế nhưng, những kẻ bất lương chỉ vì lợi nhuận trong kinh doanh mà bất chất tất cả để làm giàu trên sức khỏe và tính mạng của hàng triệu đồng bào mình.

Không “dậy sóng” sao được, khi niềm tin của hàng triệu người tiêu dùng bị “đạp đổ” một cách có hệ thống. Vì sức khỏe của bản thân và gia đình, không ít người tiêu dùng đã không ngần ngại trả tiền cao hơn và đặt chọn niềm tin vào các đơn vị phân phối có uy tín để được bảo đảm cho một bữa ăn “sạch”, nhưng lại nhận về sự dối trá và lọc lừa.

Không “dậy sóng” sao được khi người tiêu dùng đã đặt chọn niềm tin vào các cơ quan quản lý Nhà nước, tin tưởng vào cái nhãn VietGAP được cấp cho doanh nghiệp. Đây là “tấm bùa” vô giá để đảm bảo cho cam kết của doanh nghiệp với người tiêu dùng về những sản phẩm mình làm ra, nhưng chúng lại được mua bán một cách vô tội vạ, chỉ cần có tiền thì muốn bao nhiêu nhãn VietGAP cũng có.

Không “dậy sóng” sao được khi phần lớn những sự việc liên quan đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng lại chỉ được “phanh phui” bởi các cơ quan báo chí, truyền thông. Và khi báo chí phản ánh thì các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này mới “cuống cuồng” vào cuộc điều tra.

Không “dậy sóng” sao được khi chính những chính sách cửa quyền đòi hỏi triết khấu cao từ 25-30% của các siêu thị, khiến rau sạch, thực phẩm sạch thực sự khó có cửa chen chân vào chuỗi cung ứng này, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Và trên thực tế đã có người làm rau sạch, rau hữu cơ phải “bấm bụng” mang rau sạch ra chợ bán để gỡ gạc lại vốn và từ bỏ luôn ước mơ làm rau sạch.

Không “dậy sóng” sao được khi người tiêu dùng không thể biết được còn bao nhiêu những doanh nghiệp kinh doanh kiểu chụp giật, “treo đầu dê, bán thịt chó” như trên mà chưa bị “gọi tên”. Và hàng ngày, hàng giờ, người tiêu dùng vẫn cứ phải nơm nớp lo sợ cho an toàn bữa ăn của gia đình mình.

Và không “dậy sóng” sao được khi sự việc bị “phanh phui” trước công luận thì những doanh nghiệp bị “gọi tên” lại lên tiếng giải trình với điệp khúc là ngưng nhập hàng, xin lỗi, rồi quy trách nhiệm cho nhà cung cấp và luôn cho rằng “đây không phải là chủ trương kinh doanh của chúng tôi”, đọc mà giận run người.

>>>Siêu thị xử lý khủng hoảng ngày càng chuyên nghiệp

Bách Hóa Xanh từng bị người tiêu dùng tẩy chay. Ảnh: Đình Đại

Bách Hóa Xanh từng bị người tiêu dùng tẩy chay. Ảnh: Đình Đại

Trong kinh doanh, niềm tin của người tiêu dùng là thước đo cho giá trị thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp. Khi có được niềm tin của người tiêu dùng, thì doanh nghiệp sẽ có tất cả và ngược lại, nếu đánh mất niềm tin của người tiêu dùng thì doanh nghiệp sẽ chẳng còn lại gì, nguy cơ phá sản cũng chỉ là sớm hay muộn.

Còn nhớ, trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua tại TP.HCM, Bách Hóa Xanh cũng đã bị người tiêu dùng “tẩy chay” vì lừa dối khách hàng, tăng giá hàng hóa thiết yếu, trong khi người dân TP.HCM cũng nhiều tỉnh, thành khác đang khốn đốn vì dịch bệnh. Hậu quả là hệ thống siêu thị này đã bị Quản lý Thị trường của TP.HCM và nhiều địa phương khác xử phạt. Nhưng có lẽ thiệt hại nặng nề hơn là sự quay lưng, tẩy chay của người tiêu dùng, khiến chuỗi siêu thị này phải đóng cửa hàng trăm cửa hàng để tái cấu trúc lại hệ thống.

Và ngày 21/9 vừa qua, cũng lại là Bách Hóa Xanh bị “gọi tên” vì đưa hàng Trung Quốc đã được thay đổi bao bì, nhãn mác từ hàng Trung Quốc sang hàng Việt Nam, gắn nhãn VietGAP vào tiêu thụ. Cũng lại rất nhanh sau đó, Bách Hóa Xanh đã lên tiếng “giải trình” rằng: "Tôn chỉ của Bách Hóa Xanh là tuân thủ đầy đủ quy định về xuất xứ hàng hóa và đảm bảo sự minh bạch nguồn gốc hàng hóa với khách hàng. Qua sự việc này, Bách Hóa Xanh nhận thấy trách nhiệm và sự cần thiết trong việc phải làm tốt hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa việc kiểm soát tốt nguồn gốc và chất lượng hàng hóa".

Đồng thời tuyên bố thu hồi và ngưng nhập hàng từ nhà cung cấp, và yêu cầu nhà cung cấp giải trình. Nhưng nhiều câu hỏi đặt ra rằng, tại sao không thường xuyên kiểm tra nhà cung cấp? Với một doanh nghiệp lớn có cả một hệ thống quản lý chất lượng thì việc kiểm tra nhà cung cấp có làm đúng cam kết hay không, có khó lắm không? Và có hay không sự thông đồng với nhà cung cấp để lừa dối khách hàng? Khi đã bị “phanh phui” rồi thì không thu hồi, không ngưng nhập hàng có được hay không?... Và sự cam kết của doanh nghiệp này liệu có còn giá trị, khi thực tế hàng triệu người tiêu dùng đã bị “đầu độc” trước khi bị “phanh phui”?

Đã đến lúc cần phải thay đổi quy định về “tiền kiểm”, “hậu kiểm” đối với lĩnh vực thực phẩm. Bởi đây là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Nếu thực hiện quy định “hậu kiểm” thì chẳng khác gì chuyện “mất bò mới lo làm chuồng” và khi đó, sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng đã bị đe dọa như sự việc của Pate Minh Chay cách đây vài năm là một ví dụ điển hình.

Bên cạnh đó, cần phải có chế tài mạnh hơn nữa trong việc xử lý các doanh nghiệp vi phạm. Quy trách nhiệm đến cùng cả nhà cung cấp lẫn nhà phân phối. Trong sự việc lần này những nhà phân phối không thể “phủi” trách nhiệm và xin lỗi là xong. Ngoài ra, cũng cần xử lý nghiêm hành vi tiếp tay cho các doanh nghiệp trong việc cấp khống Chứng nhận VietGAP của những cán bộ trong các cơ quan được giao trách nhiệm quản lý thực hiện việc cấp Chứng nhận này.

Và cũng đã đến lúc, người tiêu dùng cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa “quyền năng tối thượng” của mình, đó là quyền “tẩy chay” để “trừng phạt” các sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp làm ăn gian dối, chụp giật, vì mục tiêu lợi nhuận mà bất chất tất cả, làm giàu trên sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể loại khỏi thị trường những doanh nghiệp thiếu đạo đức kinh doanh và mới bớt nơm nớp lo sợ cho bữa ăn hàng ngày của gia đình mình bị “đầu độc”.

Có thể bạn quan tâm

  • Khi siêu thị không còn là “siêu nhân”

    Khi siêu thị không còn là “siêu nhân”

    11:20, 23/09/2022

  • Siêu thị xử lý khủng hoảng ngày càng chuyên nghiệp

    Siêu thị xử lý khủng hoảng ngày càng chuyên nghiệp

    04:10, 21/09/2022

  • Cần xử lý nghiêm doanh nghiệp gian lận xuất xứ, nhãn mác hàng hóa

    Cần xử lý nghiêm doanh nghiệp gian lận xuất xứ, nhãn mác hàng hóa

    04:05, 23/12/2021

  • Nghị định số 111/2021/NĐ-CP – Ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa

    Nghị định số 111/2021/NĐ-CP – Ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa

    04:10, 14/12/2021

  • Cần mạnh tay chống gian lận xuất xứ gạo Việt

    Cần mạnh tay chống gian lận xuất xứ gạo Việt

    04:30, 22/06/2021

ĐÌNH ĐẠI