“Rùa bò” trên cao tốc (Bài 2)
Khi đang trở thành “gánh nặng” cho người và phương tiện, đường vành đai 3 trên cao của Hà Nội đang được kiến nghị quay về với tên gọi đúng nghĩa của nó – đường đô thị.
>>“Rùa bò” trên cao tốc (Bài 1)
Có được gọi là cao tốc?
Khoản 12, Điều 3, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: “Đường cao tốc” là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định”.
Nói như TS Đào Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng GTVT, về số làn xe và tốc độ thiết kế thì đạt theo TCVN 5729:2012 về quy chuẩn đường ô tô cao tốc của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tại thì ít ai nghĩ rằng, vành đai 3 trên cao của Hà Nội là đường cao tốc.
Bởi lẽ, nếu như đường vành đai 3 trên cao là đường cao tốc thì phải đảm bảo được tốc độ thiết kế và tốc độ khai thác như đã được phê duyệt. Mà thực tế, tốc độ khai thác bình quân của tuyến đường này chỉ khoảng 50-60km/h. Tốc độ dưới 60km/h thì không được coi là “cao tốc” được.
Thêm vào đó, muốn đi được tốc độ cao thì cự ly giữa các nút tách nhập phải đảm bảo. Thông thường với đường cao tốc ngoài đô thị khoảng 10 km mới có điểm tách nhập. Trong khi vành đai 3 trên cao chỉ dài khoảng 18km mà có tới 7 nút giao lên xuống. Mỗi nút giao này lại bố trí quá gần đèn tín hiệu giao thông phía dưới, nên mỗi khi phương tiện ra – vào các nút giao thường xảy ra ùn tắc do lưu lượng giao thông quá lớn.
Ngoài ra, đoạn qua cầu vượt Mai Dịch vẫn bố trí cho xe máy đi chung vào làn đường cao tốc, gây xáo trộn giao thông và không đúng với quy chuẩn đường ô tô cao tốc.
Đã đến lúc cần gọi đúng tên
Hiện nay, tuyến đường vành đai 3 trên cao luôn trong tình trạng đông đúc, thậm chí ùn tắc kéo dài, đang gây tâm lý “ngán ngẩm” cho mỗi phương tiện khi lưu thông qua đây, thậm chí ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động vận tải của doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một phần lý do khiến nhiều phương tiện ngang nhiên đi vào làn dừng xe khẩn cấp, vốn chỉ dành cho những tình huống “khẩn cấp” như hỏng xe, tai nạn hoặc cho các phương tiện ưu tiên đi làm nhiệm vụ, gây nên tình trạng ùn tắc.
>>>Khi nào “tắc đường” không còn là “đặc sản”?
>>>Đề xuất thu phí vào nội đô Hà Nội không giúp giảm tắc đường
Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, hơn 3 tuần qua, lực lượng CSGT liên tục làm nhiệm vụ xử lý, nhắc nhở các phương tiện tham gia giao thông không được đi vào làn khẩn cấp. Tuy nhiên, hiện tượng ùn tắc vẫn tiếp tục xảy ra, có giảm nhưng không đáng kể.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc mặc định đường vành đai 3 trên cao hiện nay là cao tốc đã khiến cho việc tổ chức giao thông bị lúng túng. Do đó, nên tổ chức lại hệ thống các nút giao bằng cách giảm bớt các nút lên/xuống hoặc không tổ chức nút giao trong nội thành, để các phương tiện lưu thông thông suốt qua khu vực trung tâm.
Những giải pháp “tình thế” vẫn được các lực lượng chức năng của TP Hà Nội áp dụng, như phân luồng phương tiện, xử phạt trực tiếp hoặc phạt nguội các phương tiện đi vào làn khẩn cấp,…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà quản lý cần tính tới phương án “dài hơi” hơn, hiểu đúng bản chất của vấn đề để vành đai 3 trên cao đáp ứng được đúng kỳ vọng giảm ùn tắc tại các điểm đen giao thông như khi nó mới được “khai sinh”. Hoặc, hãy đưa về với tên gọi đúng nghĩa của nó – đường đô thị.
Có thể bạn quan tâm