Đường vành đai 3 trên cao được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều điểm ùn tắc giao thông cho Thủ đô. Tuy nhiên, tuyến đường này đang vô tình trở thành “gánh nặng” cho người dân, doanh nghiệp và cả nhà quản lý.
>>Quy hoạch đô thị "nham nhở" đè nén áp lực giao thông
Những kỳ vọng của chính quyền đô thị
Đường vành đai 3 đã có trong quy hoạch của Hà Nội những năm 1990. Thời điểm đó, giao thông Hà Nội vẫn khá đơn giản khi gần như không có điểm ùn tắc nào đáng kể.
Giai đoạn 1 của dự án này chính là kết hợp và nâng cấp các tuyến đường có sẵn như Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến,…
Đến năm 2008, khi lưu lượng phương tiện đi qua và ra - vào Hà Nội ngày một nhiều, nhu cầu cấp thiết phải có một tuyến đường trên cao để cho các xe đi vòng tránh trung tâm Hà Nội và mở rộng đường phía dưới để phương tiện lưu thông ra - vào trung tâm Hà Nội.
Đường vành đai 3 trên cao thuộc giai đoạn 2 của dự án, nối từ Mai Dịch đến Bắc Hồ Linh Đàm, được khởi công xây dựng tháng 6/2010, khánh thành 10/2012. Tổng chiều dài gần 9km với 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/h. Tổng vốn đầu tư khoảng 5.547 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản.
Giai đoạn 3 của dự án (từ cầu Thăng Long đến Mai Dịch) được khởi công tháng 5/2018. Tổng mức đầu tư của dự án là 5.343 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng trong nước. Tháng 10/2020, tuyến này được thông xe, tốc độ thiết kế 100km/h.
Đây là tuyến đường cao tốc đô thị đầu tiên của nước ta, được kỳ vọng sẽ giảm ùn tắc cho các điểm “nghẽn” giao thông Thủ đô. Đồng thời, đây cũng là tuyến đường tránh Hà Nội duy nhất, kết nối nhiều con đường chính của Hà Nội và các tuyến đường cao tốc đến Hà Nội như: Đại lộ Thăng Long, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Thái Nguyên.
Oằn mình cõng… phương tiện
Vành đai 3 trên cao kết nối hầu hết các khu đô thị mới của thành phố Hà Nội và là một trong hai tuyến đường chính lên sân bay Nội Bài, nên hiện nay, tuyến đường này thường xuyên xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng, bất kể giờ nào.
Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này? Theo ông Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ GTVT, với đường cao tốc có quy định cụ thể về vận tốc thiết kế, chiều rộng làn xe, số lượng làn xe, làn dừng khẩn cấp, hệ thống thông tin, biển báo trên tuyến, các nút giao… tuân thủ theo quy chuẩn TCVN 5729:2012 hiện hành.
Đặc biệt về các nút giao lên xuống được quy định rất nghiêm ngặt. Theo đó, các nhánh nút phải rất hạn chế, phải cách xa nhau nhằm đảm bảo cho tốc độ xe chạy trên đường cao tốc đảm bảo được tốc độ thiết kế là 100km/h hay 120km/h. Càng nhiều đường nhánh thì ảnh hưởng đến tốc độ của xe chạy, thì cấp hạng của tuyến sẽ bị tụt xuống. Với đường cao tốc ngoài đô thị, thường là tới 10 cây số mới có điểm tách nhập.
Đối với vành đai 3, mặc dù được coi là cao tốc, nhưng lại có tới 7 nút giao chỉ trong vòng 18km; ùn tắc và sự cố xảy ra liên miên là điều dễ hiểu. Tốc độ ngoài giờ cao điểm cũng chỉ đạt 50-60km/h. Thậm chí, thường xuyên có xe ôm, xe khách đón trả khách lộn xộn, gây mất ATGT. Nhiều người vì rằng, đi trên vành đai 3 chỉ như tốc độ “rùa bò” mà thôi.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, TS Đào Huy Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng GTVT cho rằng, về số làn xe và tốc độ thiết kế của vành đai 3 trên cao thì đạt. Tuy nhiên, do mật độ phương tiện quá đông, cộng với tính chất kết nối các trục quốc lộ, nên việc tổ chức giao thông cho tuyến đường này đang có nhiều lúng túng.
>>Ùn tắc giao thông: Giải pháp đặc biệt
>>Ùn tắc giao thông: “Cứ đi rồi sẽ thành đường”
Theo ông Hoàng, tính chất của đường vành đai này là ở trên cao và kết nối với mạng lưới giao thông của đô thị ở phía dưới với mật độ rất cao. Do đó, việc ra vào liên tục với mật độ và khoảng cách giữa các nút giao rất ngắn có tác động ngược lại đến dòng giao thông. Tốc độ và khoảng cách, mật độ phương tiện ở trên cao tốc, làm thay đổi tính chất của giao thông trên cao tốc này. Thêm vào đó, tại mỗi nút giao xuống lại quá gần với các điểm đèn giao thông, nên các dòng phương tiện lưu thông bị chặn lại tại đây, gây nên cảnh ùn tắc thời gian dài vừa qua.
"Lâu nay, tuyến đường này thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông và rất nhiều sự cố giao thông nhưng chúng ta hơi bế tắc, chưa có giải pháp mạch lạc", ông Hoàng cho hay.
Gần đây, Cục CSGT bắt đầu kế hoạch sử dụng môtô đặc chủng, phối hợp cùng lực lượng CSGT TP Hà Nội tuần tra kiểm soát lưu động trên cầu Thanh Trì và đường vành đai 3, bắt đầu thực hiện kế hoạch chống ùn tắc trên tuyến đường này. Đồng thời, xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm khi đi vào, dừng đỗ tại làn khẩn cấp, đón trả khách không đúng quy định,…
Giải pháp này được coi là hi vọng giảm ùn tắc giao thông, mang lại những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là chỉ là giải pháp mang tính “tình thế”. Muốn bền vững, các nhà quản lý cần tính đến phương án tổ chức lại giao thông trên toàn tuyến cao tốc đô thị này.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch tổng thể và "tọa độ" đồng nhịp với đường cao tốc
13:29, 28/09/2022
“Trục xương sống” hạ tầng giao thông
03:17, 18/09/2022
Tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông
08:09, 31/08/2022
Rượu bia và tai nạn giao thông: Nghị định 100 - Quên mất rồi?
03:00, 21/08/2022
“Ùn tắc” lập, phê duyệt quy hoạch: Khơi thông thủ tục đầu tư dự án
01:00, 30/05/2022