Tạm dừng thi IELTS: Làm gì để tránh điều tương tự sẽ xảy ra?

MINH PHONG 12/11/2022 09:00

Thông tư 11/2022 được Bộ GD&ĐT ban hành ngày 26/7/2022 và có hiệu lực từ ngày 10/9/2022, vì sao đến ngày 9/11/2022 Hội đồng Anh mới ra thông báo tạm dừng kỳ thi cấp chứng chỉ IELTS?

>>Tạm dừng thi IELTS: Kỳ vọng chặt chẽ, minh bạch khi mở lại

Thông báo được đăng tải trên fanpage của IDP

Thông báo tạm hoãn tổ chức kỳ thi IELTS được đăng tải trên fanpage của IDP. Ảnh chụp màn hình

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Tuy nhiên, một số quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP còn chưa cụ thể. Vì vậy, Nghị định số 86/2018/NĐ-CP đã giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể về việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam.

Và để hoàn thiện các quy định của pháp luật, theo quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT ngày 26/7/2022 quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT cụ thể hóa các yếu tố bảo đảm chất lượng theo quy định của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP.

Theo thông tư này, tất cả các cá nhân, tổ chức được thành lập hợp pháp trong và ngoài nước có liên quan đến việc tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam phải nộp hồ sơ lên Bộ để được phê duyệt và cấp phép, sau khi cam kết và chứng minh đã có đủ các điều kiện để hoạt động theo quy định mới ban hành.

Đáng chú ý, trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện văn bản, Bộ GDĐT đã tổ chức lấy ý kiến trực tiếp và gián tiếp đối với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức trong nước, quốc tế và đã nhận được sự đồng thuận. Thời gian lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, tổ chức là 60 ngày theo quy định của pháp luật, nhưng trên thực tế dự thảo đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT từ tháng 11/2021 và được ban hành vào cuối tháng 7/2022.

Như vậy, kể từ lúc Thông tư 11 có hiệu lực từ ngày 10/9/2022 đến thời điểm tạm dừng các kỳ thi IELTS, các tổ chức nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực giáo dục phải có nghĩa vụ tuân thủ  các quy định của pháp luật Việt Nam. 2 tháng cũng là thời gian đủ để các đơn vị được phép tổ chức thi IELTS ở Việt Nam hoàn thiện những văn bản hợp pháp đúng theo yêu cầu của Thông tư này.

Sau 2 tháng ban hành Thông tư, việc bất cứ cá nhân, tổ chức nào chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép thì đều đang hoạt động không hợp pháp. Và với vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn có quyền yêu cầu tạm dừng hoạt động cho đến khi thực hiện mọi yêu cầu của quy định.

"Việc một số tổ chức/đơn vị thông báo dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là do các bên liên kết chưa làm hồ sơ hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt theo quy định”. - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định.

Tất cả kỳ thi IELTS của Hội Đồng Anh ở Việt Nam sẽ bị tạm hoãn cho đến khi có thông báo mới

Tất cả kỳ thi IELTS của Hội Đồng Anh ở Việt Nam sẽ bị tạm hoãn cho đến khi có thông báo mới. Ảnh minh hoạ từ Internet

>>Có tiêu cực, gian lận trong thi IELTS

>>Bộ Giáo dục Đào tạo không yêu cầu dừng thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế

>>Tạm dừng thi IELTS: Chấn chỉnh để đảm bảo công bằng cho người học

Có thể thấy, sự chậm trễ tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam dẫn đến quyết định ra thông báo một cách bất ngờ như cách Hội đồng Anh và nhiều đơn vị khác là việc làm cần phải xem lại bởi theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đạo tạo Nguyễn Hữu Độ: “Điều đó thể hiện sự tôn trọng và chấp hành pháp luật Việt Nam của các tổ chức/đơn vị”. Và rõ ràng thông báo của Hội đồng Anh không phải là “quyết định nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi và có ảnh hưởng tới tất cả các kỳ thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế tại Việt Nam” như đại diện đơn vị này thông tin trên một số tờ báo.

Mặc dù vậy, việc dừng các kỳ thi quốc tế, trong đó có IELTS, một cách đột ngột như hiện nay không phải là một cách làm tối ưu, vì nó ảnh hưởng tiêu cực đến khá nhiều người đang sử dụng chứng chỉ này. Trong sự việc này, cũng cần đặt trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bởi với các quy định và công cụ pháp lý trong tay, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể thanh tra, kiểm tra các tổ chức có vấn đề, nếu sai phạm thì xử phạt theo quy định của pháp luật, chứ không nhất thiết phải tạm dừng tất cả các kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc để, để ảnh hưởng đến nhiều người như hiện nay.

Có thể bạn quan tâm

  • Tạm dừng thi IELTS: Kỳ vọng chặt chẽ, minh bạch khi mở lại

    07:12, 12/11/2022

  • Tạm dừng thi IELTS: Chấn chỉnh để đảm bảo công bằng cho người học

    01:12, 12/11/2022

  • Có tiêu cực, gian lận trong thi IELTS

    01:00, 11/11/2022

MINH PHONG