Nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư, chủ động đón sóng FDI thế hệ mới
Trong bối cảnh thời cuộc của dòng chảy cách mạng công nghiệp toàn cầu lần thứ tư hiện nay, và trong tương lai gần là lần thứ năm, Việt Nam sẽ có cơ hội đón làn sóng đầu tư nước ngoài thế hệ mới.
>>>Vận nước và thời cơ lịch sử bứt phá phát triển quốc gia thịnh vượng
Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu GDP bình quân đầu người của Việt Nam theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD, đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD, trở thành quốc gia phát triển hàng đầu khu vực châu Á, có thu nhập cao. Trong đó, nền kinh tế sẽ được phát triển theo phương thức kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.
Bối cảnh mới và bài toán của Việt Nam
Để phấn đấu đạt được các mục tiêu lớn lao đó của đất nước, trong thời gian qua, Việt Nam đã chủ động thực hiện chính sách đổi mới và hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, và đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế to lớn trên nhiều mặt, rất đáng khích lệ; đặc biệt là thực hiện chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đến nay, đã có 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với khoảng 38.400 dự án còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư ước đạt 455 tỷ USD; đồng thời đã tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động.
Trong 9 tháng năm 2023, Việt Nam đã thu hút được hơn 18 tỷ USD và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022. Đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn là động lực lớn cho sự phát triển kinh tế Việt Nam, kể từ sau khi đất nước cải cách mở cửa cho đến nay. Tại hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ngày 22/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh Việt Nam chủ trương thu hút các dự án đầu tư trên 3 phương diện: thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; và thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế bền vững.
Nếu như trước đây, đã có 3 làn sóng FDI đầu tư vào Việt Nam, để tận dụng một số lợi thế so sánh nổi trội như giá thuê đất; thuế xuất nhập khẩu; miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; chi phí nhân công rẻ và một số ưu đãi cạnh tranh khác. Tuy nhiên, hiện nay một số lợi thế cạnh tranh đó của quốc gia, có xu hướng ngày càng giảm dần hoặc mất đi; đồng thời tính cạnh tranh thu hút FDI giữa các nước trong khu vực và trên thế giới ngày càng diễn ra quyết liệt, gay gắt. Các điều kiện, tiêu chuẩn và tiêu chí đầu tư toàn cầu ngày càng cao hơn, trong đó nền kinh tế của các quốc gia tiên tiến đều hướng đến mục tiêu tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, lấy đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững theo hướng “Xanh”, thích ứng với sự biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt trên phạm vi toàn cầu.
Vì vậy, trong bối cảnh thời cuộc của dòng chảy cách mạng công nghiệp toàn cầu lần thứ tư hiện nay, và trong tương lai gần là lần thứ năm. Đồng thời, dự báo rất có thể, Việt Nam sẽ có cơ hội đón làn sóng đầu tư nước ngoài lần thứ tư trong ngắn và trung hạn. Trước bối cảnh chung đó, đang đặt ra cho Việt Nam những câu hỏi lớn, đó là: Tầm nhìn trung hạn, dài hạn của chiến lược thu hút nguồn lực đầu tư quốc tế của Việt Nam như thế nào? Việt Nam hiện nay đang ở đâu và có vị thế, lợi thế cạnh tranh thu hút FDI như thế nào so với các quốc gia khác trong khu vực và thế giới? Khung khổ pháp lý ưu đãi đầu tư hiện nay của Việt Nam, đã thật sự sẵn sàng và tương thích với hoàn cảnh và điều kiện cạnh tranh mới của quốc tế hay không? Việt Nam có cần phải tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư vượt khung hơn nữa so với hiện nay không, để có thể nâng cao tính cạnh tranh và hấp dẫn thu hút các “đại bàng” quốc tế ở các ngành kinh tế quan trọng, then chốt và công nghệ cao? Sách lược và kế hoạch cạnh tranh thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế thế hệ mới của Việt Nam trong ngắn và trung hạn, với hàm lượng công nghệ cao và gia tăng giá trị lớn hơn, là như thế nào?
Và dự báo, cũng rất có thể, Việt Nam sẽ trở thành một trong những cứ điểm sản xuất quan trọng hàng đầu của chuỗi cung ứng toàn cầu của rất nhiều tập đoàn kinh tế đa quốc gia lớn trong tương lai gần. Hiện nay, đã có một số “Đại bàng” của một số nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch… hiện diện và đầu tư thành công bước đầu ở thị trường Việt Nam.
Giải pháp cho chiến lược nâng tính cạnh tranh môi trường thu hút đầu tư mới
Thế giới đang diễn ra quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu. Sự cạnh tranh thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế giữa các khu vực khác nhau và các quốc gia diễn ra rất sôi động và mạnh mẽ. Trong khi đó, các tập đoàn kinh tế đa quốc gia thường xuyên nghiên cứu, đánh giá, cân nhắc và thực hiện các chính sách chuyển dịch đầu tư đến các khu vực và quốc gia có nhiều tiền năng thế mạnh và lợi thế cạnh tranh cao. Để Việt Nam thật sự là điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn, ổn định lâu dài và đem lại sự thành công bền vững cho các nhà đầu tư quốc tế, chúng tôi đề xuất, khuyến nghị một số giải pháp trọng tâm, sau đây:
Thứ nhất, trong bối cảnh về điều kiện cạnh tranh toàn cầu mới; đi đôi với yêu cầu nâng cao khả năng thu hút mạnh được các nguồn vốn đầu tư nước ngoài thế hệ mới chất lượng cao hơn; đồng thời thúc đẩy quá trình tham gia hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng nhằm đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế & xã hội đất nước theo hướng chất lượng và hiệu quả hơn, nhanh hơn và bền vững hơn. Vì vậy, yêu cầu đòi hỏi khách quan, là đất nước ta cần phải có một thể chế kinh tế thị trường tiên tiến, với “chiếc áo mới phù hợp” thích ứng yêu cầu cao nhất có thể, đáp ứng yêu cầu bứt phá phát triển nhanh nền kinh tế quốc gia, chứ không phải là “Chiếc áo đã quá cũ kỹ và chật chội, thiếu sự tương thích và thường xuyên phải sửa chữa hoặc là chấp vá các khiếm khuyết, nút thắt” như hiện nay.
Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa, trong việc cải cách quy trình và đơn giản thủ tục hành chính nhằm vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước và FDI hiện nay; vừa khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục mở rộng đầu tư; đồng thời gia tăng khả năng thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần phải có những bước đi táo bạo và quyết đoán hơn nữa, hướng tới những cải cách mang tính đột phá để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Thứ hai, hệ thống pháp luật, hành lang pháp lý môi trường đầu tư hiện nay vẫn còn xảy ra các tình trạng yếu kém phổ biến “khó khăn, nút thắt và cản trở”, thiếu an toàn và thiếu bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, hoặc giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI; hoặc là có sự chồng chéo, mâu thuẫn và thậm chí xung đột giữa các Luật với nhau (ví dụ, Luật Đất đai với Luật kinh doanh Bất động sản hiện nay). Hoặc là, luật Đất đai có vai trò hết sức quan trọng và được coi là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, được kỳ vọng sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ sáu này.
Tuy nhiên, hiện nay các đại biểu Quốc hội vẫn còn rất nhiều quan điểm, ý kiến trái chiều nhau và “ngổn ngang” cần phải được Quốc hội thận trọng nghiên cứu, rà soát, đánh giá và lựa chọn phương án phù hợp, trước khi quyết định thời điểm biểu quyết thông qua. Hệ thống chính sách thu hút dòng vốn FDI thế mới cần phải thật sự hấp dẫn, tương thích và có tính cạnh tranh cao; đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn và và kỳ vọng của các nhà đầu quốc tế trong các ngành, lĩnh vực kinh tế then chốt quan trọng và các ngành công nghệ cao; đi đôi với việc xây dựng một đội ngũ công chức nhà nước trong sạch, vững mạnh và chất lượng cao.
Bài học kinh nghiệm điển hình xây dựng quốc gia thịnh vượng thành công của Singapore, để trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn và cơ hội kinh doanh thành công cho rất nhiều tổ chức định chế tài chính, tập đoàn kinh tế đa quốc gia lớn, và có hệ sinh thái doanh nghiệp khởi nghiệp và sáng tạo hàng đầu thế giới.
>>>Khát vọng Việt Nam thịnh vượng - Con đường phía trước
Thứ ba, phát huy hơn nữa các lợi thế so sánh của quốc gia về quy mô của thị trường nội địa và nguồn lực nhân công lao động. Hiện nay, Việt Nam đang tiến sát cột mốc dân số 100 triệu người. Đây là nguồn lực lao động hết sức to lớn, quý giá và đang ở “thời kỳ dân số vàng”. Đồng thời, cũng là một thị trường tiêu thụ nội địa rất tiềm năng, với triển vọng thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện nâng cao đáng kể; đặc biệt là xu hướng ngày càng gia tăng nhanh tầng lớp dân cư trung lưu.
Trong khi đó, hiện nay rất nhiều quốc gia khác trong khu vực và thế giới lâm vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động, phải tăng cường thuê mướn nhân công từ các quốc gia khác hoặc là đang ở “thời kỳ dân số già”. Với các điều kiện về quy mô dân số và lợi thế so sánh quốc gia quan trọng nói trên, Việt Nam cần phải tận dụng tối đa các yếu tố này nhằm không ngừng củng cố, gia tăng và phát huy giá trị cạnh tranh.
Trong ngắn và trung hạn, chúng ta cần chủ động xây dựng và triển khai các chương trình trọng điểm quốc gia đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bao gồm về trình độ chuyên môn, tay nghề và khả năng ngoại ngữ; tính chuyên nghiệp, kỷ luật lao động và năng suất lao động tiệm cận với các quốc gia khác. Đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, đối với các lĩnh vực có tính chất then chốt, quan trọng của nền kinh tế và công nghệ cao mà các nhà đầu tư FDI thế hệ mới có nhu cầu lớn như Hàng không, Cảng biển, Hạ tầng giao thông, Logistics, Nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi kinh tế số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo AI… Đây là một trong những điều kiện tiên quyết và rất quan trọng, để nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư quốc gia trong thời gian tới.
Thứ tư, trong thời gian qua, các quốc gia châu Âu, Hoa kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc…vv đã và đang đổi mới các chương trình ưu đãi cho các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ hiệu quả, nhanh chóng phục hồi sau Đại dịch Covid -19. Vì vậy, Chính phủ cũng cần tiếp tục sử dụng hiệu quả các chính sách tài khóa quốc gia, để thực hiện các chương trình ưu đãi hỗ trợ phù hợp hơn cho doanh nghiệp; bên cạnh những lợi thế về tối ưu hóa chi phí lao động, sự ổn định chính trị và kinh tế, và các ưu đãi cạnh tranh khác cho các doanh nghiệp FDI đã và đang đầu tư ở Việt Nam hiện nay.
Tổ chức EuroCham hoan nghênh Chính phủ Việt Nam đã có quyết định về gia hạn nộp thuế và giảm thuế giá trị gia tăng. Điều này, đã góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế sau Đại dịch hiệu quả và kích thích tiêu dùng nội địa (tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công, là ba động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP nước ta trong 9 tháng năm 2023). Ngoài ra, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và chính sách thuế là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khuôn khổ EVFTA và các hiệp định FTA khác.
Thứ năm, do tác động của thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) sắp được áp dụng từ đầu năm 2024, Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam đề xuất Chính phủ cần sớm nghiên cứu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến lợi ích các nhà đầu tư FDI và môi trường thu đầu tư Việt Nam. Ông Kim Huat Ooi, Tổng Giám đốc Intel Products Việt Nam khuyến nghị rằng, đã có nhiều quốc gia xây dựng chính sách ưu đãi tiền mặt (thông qua đạo luật Chips) nhằm tăng khả năng giữ chân và thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất, nghiên cứu ứng dụng và thiết kế chất bán dẫn – Ngành kinh tế được dự báo là có rất nhiều tiềm năng, triển vọng và cơ hội phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam trong trung và dài hạn. Vì vậy, Việt Nam nên sớm nghiên cứu, xem xét để điều chỉnh các chính sách ưu đãi phù hợp nhằm tăng khả năng hấp dẫn và lợi thế cạnh tranh thu hút các tập đoàn công nghệ cao và công nghệ bán dẫn của các quốc gia phát triển hàng đầu trong các lĩnh vực này.
Thứ sáu, Việt Nam cần quan tâm hơn nữa về nguồn lực đất đai ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI. Từ trước tới nay, việc cho phép các doanh nghiệp FDI nhận quyền sử dụng đất là vấn đề nhạy cảm. Dự thảo Luật Đất đai hiện nay cũng đang đề cập đến việc mở rộng phạm vi nhận quyền sử dụng đất (thỏa thuận “mua gom” theo cơ chế dân sự) cho các doanh nghiệp FDI. Luật Đất đai hiện hành chỉ cho phép doanh nghiệp FDI nhận chuyển nhượng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đối với các khu vực khác thì phải được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
Vừa qua, Chính phủ đã đề xuất mở rộng, cho phép doanh nghiệp FDI được nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư. Nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua, sẽ tạo điều kiện linh hoạt, trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai nhằm phục vụ cho nhu cầu mở rộng quy mô đầu tư hoặc thu hút hấp dẫn các dự án đầu tư FDI mới trong thời gian tới. Hoặc là, khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay của các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và một số địa phương khác, là cần phải có các quỹ đất sản xuất công nghiệp sạch lớn, tập trung để có thể thu hút các dự án FDI quy mô lớn.
Trong đó, những khó khăn, vướng mắc cơ bản là quỹ đất sản xuất công nghiệp đang dần cạn kiệt, diện tích các khu công nghiệp hiện có cơ bản đã được cho thuê lấp đầy, phần lớn quỹ đất hiện còn có quy mô vừa và nhỏ, nằm rải rác nên rất khó đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn kinh tế đa quốc gia cần diện tích lớn; hoặc là nhiều mặt bằng chưa được đền bù giải tỏa, cần phải tiếp tục giải quyết về các thủ tục đầu tư, chuyển đổi từ đất rừng, nông nghiệp, cao su, xác định đấu giá, đấu thầu và phê duyệt quy hoạch. Trong đó, phần lớn thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và các Bộ, Ngành trung ương.
Thứ bảy, Chính phủ cần khẩn trương hoàn thành và sớm ban hành Luật Khu Công nghiệp, Khu Kinh tế để chủ động sẵn sàng đón nhận các làn sóng đầu tư FDI mới trong trung hạn và dài hạn. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam đã hình thành hệ thống các Khu Công nghiệp (KCN), Khu Kinh tế (KKT), với 407 KCN.
Trong đó, có 04 khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích tự nhiên khoảng 128.684 ha (tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 86.208 ha). Có 26 KTT cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biên giới đất liền, với tổng diện tích 766.000 ha. Có 18 KKT ven biển được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực ven biển, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 871.523 ha, trong đó khoảng 100.000 ha được quy hoạch phát triển các khu chức năng.
Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển các KCN, KKT Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc quy hoạch đầu tư phát triển các KCN, KKT còn bộc lộ một số hạn chế trên các mặt: Chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch chưa đáp ứng được tầm nhìn dài hạn và loại hình phát triển chậm được đổi mới. Chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển theo chiều sâu; tính liên kết, hợp tác trong nội bộ KCN, KKT hoặc giữa các KCN, KKT với không gian bên ngoài còn nhiều hạn chế.
Phát triển chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội. Hiệu quả sử dụng tài nguyên đất chưa cao; đồng thời thể chế và pháp luật liên quan đến KCN, KKT chưa được hoàn thiện. Vì vậy, trong thời gian tới Việt Nam cần nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển và sức cạnh tranh của các KCN, KKT quốc gia; tạo khung khổ pháp lý thống nhất và chắc chắn để góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế và tăng tính cạnh tranh thu hút nguồn vốn đầu tư quốc tế.
Thứ tám, hiện nay Chính phủ đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu quan trọng, đó là nâng hạng thị trường Chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên thành thị trường mới nổi trước năm 2025; và đến năm 2030, tín nhiệm quốc gia Việt Nam đạt mức đầu tư BBB- (đối với S&P và Fitch Ratings) và BAA2 (đối với Moody’s) trở lên. Vấn đề này, đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo, giải trình trên diễn đàn Quốc hội ngày 6/11/2023 vừa qua.
Chúng tôi cho rằng, thực hiện thành công các vấn đề này có ý nghĩa hết sức lớn lao, vừa khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế và tạo niềm tin cao đối với các tổ chức định chế Ngân hàng thế giới (IMF, WB, ADB…), trong việc đánh giá, xem xét và cân nhắc quyết định tài trợ tài chính cho các chương trình, dự án phát triển kinh tế & xã hội lớn cho Việt Nam; hoặc là cân nhắc quyết định đầu tư, từ các quỹ đầu tư và tổ chức tài chính lớn trên toàn cầu vào các doanh nghiệp niêm yết trên sàn của Việt Nam trong thời gian tới; đồng thời tăng lợi thế cạnh tranh của môi trường đầu tư quốc gia.
Ngoài ra, khi chất lượng tín nhiệm quốc gia được cải thiện từ mức đầu cơ hiện nay (BB+) lên mức đầu tư (BBB- trở lên), thì sẽ tạo ra cơ hội to lớn cho các tổ chức tài chính và phi tài chính Việt Nam, có thể sẽ đạt được mức tín nhiệm ở các mức đầu tư, khi được các tổ chức CRAs quốc tế đánh giá xếp hạng. Điều này, sẽ giúp các doanh nghiệp tăng khả năng thu hút nguồn vốn trái phiếu quốc tế, với mức lãi suất thấp và phù hợp hơn so với hiện nay (hầu hết các tổ chức tài chính, phi tài chính Việt Nam đều bị ảnh hưởng kết quả xếp hạng, bởi giới hạn trần tín nhiệm quốc gia hiện có nên đều có mức tín nhiệm ở khung đầu cơ – từ BB+ trở xuống).
Tuy nhiên, đây là các những vấn đề lớn của quốc gia, rất phức tạp và khó khăn nên đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực phấn đấu của Chính phủ, các Bộ, Ngành và tất cả các thành viên tham gia thị trường trong thời gian tới; bằng các giải pháp thực hiện khả thi, đáp ứng được các điều kiện và tiêu chuẩn của 02 tổ chức xếp hạng thị trường PTSE Russell, MSCI, trong từng mốc thời gian cụ thể của lộ trình thực hiện, thì chúng ta mới hy vọng hiện thực hóa được của mục tiêu thách thức nói trên.
Thứ chín, Việt Nam cần chú trọng và đẩy nhanh quá trình đầu tư phát triển hạ tầng giao thông về đường bộ, đường sắt, đường biển, sông ngòi và hàng không quốc gia. Kết nối đồng bộ giao thông giữa các vùng kinh tế trọng điểm với nhau và vùng vệ tinh phụ cận; và hạ tầng giao thông từ các cảng biển quốc tế đến tất cả các KCN, KKT. Phát triển toàn diện ngành logistics trong thời gian tới, để vừa đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế quốc gia và từng bước giảm chi phí; vừa gia tăng tính cạnh tranh thu hút đầu tư quốc tế trong trung hạn và dài hạn.
Thứ mười, vấn đề đảm bảo yêu cầu an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là điện cần phải được Chính phủ quan tâm ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới nhằm đảm bảo yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, an ninh quốc phòng và nhu cầu sinh hoạt bình thường của người dân; đồng thời là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu được các nhà đầu tư quốc tế xem xét điều kiện, cân nhắc, đánh giá và quyết định lựa chọn tiếp tục duy trì đầu tư lâu dài; hoặc thực hiện kế hoạch tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất; hoặc là thu hút nguồn lực đầu tư mới đối với từng quốc gia có tiềm năng.
Tình hình cung ứng điện trong vài tháng mùa khô năm 2023, đã cảnh báo cho chúng ta rất nhiều vấn đề an ninh năng lượng cả trước mắt và lâu dài. Trong điều kiện bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu ở mức độ vừa phải; nền kinh tế quốc gia có dấu hiệu sản xuất dưới mức tiềm năng, do thị trường suy giảm và thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu và nhu cầu tiêu thụ năng lượng điện ở thời điểm vừa qua của nền kinh tế chưa thật cao nhưng đã bộc lộ các yếu kém, khó khăn và nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng nguồn năng lượng điện.
Điều này, đã được một số nhà đầu tư quốc tế quan tâm theo dõi và đưa ra nhiều khuyến nghị cho Chính phủ Việt Nam. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo và yêu cầu ngành điện, không được để tái diễn xảy ra tình trạng thiếu điện như vừa qua, trong bất kỳ thời điểm nào và hoàn cảnh nào.
Chủ tịch Amcham Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần sớm phê duyệt các dự án điện đã hoàn thành các thủ tục cần thiết. Hiện nay, Quy hoạch điện VIII đã được Chính phủ phê duyệt, tuy nhiên trên thực tế triển khai chúng ta cần phải nỗ lực vượt qua các khó khăn, trở ngại và có thời gian độ trễ của chính sách mới, để Quy hoạch thực sự thực thi có hiệu quả trong thời gian tới. Dự báo mùa khô các năm giai đoạn 2024 – 2025 sắp tới, ngành điện Việt Nam sẽ gặp rất nhiều thử thách lớn.
Có thể bạn quan tâm
Bất chấp khủng hoảng, dòng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam
11:01, 28/10/2023
Hải Dương: Đồng ý chủ trương đầu tư 2 dự án FDI với số vốn gần 400 triệu USD
01:42, 04/11/2023
Các giải pháp đưa Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI
01:57, 28/10/2023
Doanh nghiệp FDI ở Hải Dương vượt “bão”
00:30, 20/10/2023
Doanh nghiệp FDI đổ bộ, giá thuê bất động sản công nghiệp tăng
03:00, 16/10/2023
OCB tung loạt ưu đãi hấp dẫn dành cho Doanh nghiệp FDI
13:00, 10/10/2023
Toan tính của Trung Quốc khi “tháo rào” cho FDI
04:30, 07/10/2023