Cổ phiếu HSG "lao dốc" mạnh vì đâu?

Hà Phương 25/12/2018 04:30

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/12, cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) chỉ còn giao dịch ở mức 6.600 đồng/cp.

Nhà đầu tư trắng tay khi đầu tư vào cổ phiếu ngành thép

Không chỉ HSG, mà nhiều doanh nghiệp thép khác cũng rơi vào tình trạng khó khăn

Nếu so với mức đỉnh trên 25.000 đồng/cổ phiếu vào đầu năm nay, cổ phiếu HSG đã giảm khoảng hơn 70% giá trị.

Có thể bạn quan tâm

  • Giá vốn tăng cao “ăn mất” phần lớn lợi nhuận gộp của HSG

    Giá vốn tăng cao “ăn mất” phần lớn lợi nhuận gộp của HSG

    14:17, 31/10/2018

  • Tại sao HSG đẩy mạnh gom cổ phiếu quỹ?

    Tại sao HSG đẩy mạnh gom cổ phiếu quỹ?

    04:20, 03/09/2018

  • Tâm Thiện Tâm không còn là cổ đông lớn của HSG

    Tâm Thiện Tâm không còn là cổ đông lớn của HSG

    04:30, 27/05/2018

  • Quỹ Tundra Fonder trở thành cổ đông lớn của HSG

    Quỹ Tundra Fonder trở thành cổ đông lớn của HSG

    04:20, 21/05/2018

  • Điều gì đang xảy ra với cổ phiếu HSG?

    Điều gì đang xảy ra với cổ phiếu HSG?

    15:22, 31/07/2017

  • Ông Lê Phước Vũ sẽ thu về gần 300 tỷ đồng từ bán cổ phiếu HSG?

    Ông Lê Phước Vũ sẽ thu về gần 300 tỷ đồng từ bán cổ phiếu HSG?

    12:18, 30/05/2017

Trong khi cổ phiếu liên tục tụt dốc, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT HSG vừa thông báo về việc đăng ký mua vào 4 triệu cổ phiếu HSG thông qua phương thức thỏa thuận.

Với mức giá chỉ 6.600 đồng/cp như hiện nay, số tiền mà ông Lê Phước Vũ chi ra để mua vào số cổ phiếu này vào khoảng hơn 26 tỷ đồng.

Đáng chú ý, cùng thời điểm ông Lê Phước Vũ công bố thông tin đăng ký mua vào lượng cổ phiếu trên thì Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen, nơi ông Vũ đang là Chủ tịch cũng muốn bán ra số lượng cổ phiếu tương ứng để giảm tỷ lệ sở hữu còn 24,32%.

Như vậy, nhiều khả năng đây sẽ là thương vụ bán sang tay cổ phiếu giữa chính ông chủ HSG với doanh nghiệp của mình nhằm gia tăng tỷ lệ sở hữu trực tiếp của ông tại HSG.

Ngoài nguyên nhân do tình hình kinh doanh khó khăn, thì nợ vay chính là nguyên nhân khiến cổ phiếu HSG rớt sâu. Theo báo cáo tài chính quý III/2018, do vay nợ nhiều, lợi nhuận của HSG giảm mạnh, hàng tồn kho cao và các khoản phải thu ngắn hạn cũng ngất ngưởng.

Tính đến cuối quý III/2018, tổng dư nợ vay của HSG đã lên đến hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn hơn 12.000 tỷ đồng, tỷ số nợ phải trả trên tổng tài sản lên gần 78%.

Hiện HSG đang vay tại 16 ngân hàng cả trong lẫn ngoài nước, trong đó có 3 ngân hàng lớn của Việt Nam là BIDV, Vietcombank, VietinBank. Theo báo cáo tài chính, dù HSG đã tất toán 8 khoản nợ tại 5 ngân hàng, nhưng giá trị các khoản vay ngắn hạn lại tăng lên, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của HSG vẫn lên mức kỷ lục là 3,02 lần.

Không chỉ riêng HSG, mà nhiều doanh nghiệp ngành thép khác, như CTCP Thép Nam Kim (NKG)... cũng rơi vào tình trạng khó khăn. 

Kết thúc quý III/2018, 11 doanh nghiệp thép niêm yết trên hai sàn HNX và HSX ghi nhận tổng doanh thu 135.552 tỷ, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận lại sụt giảm 6% về mức 8.277 tỷ đồng.

Có thể thấy rằng, không chỉ trong nước mà trên thị trường quốc tế liên tục xuất hiện các yếu tố bất lợi khiến lợi nhuận của nhóm ngành thép suy giảm đáng kể.

Ngoài ra, việc các quốc gia khác liên tục mở các cuộc điều tra và áp thuế lên sản phẩm thép Việt Nam làm cho triển vọng xuất khẩu của các doanh nghiệp thép Việt Nam kém tích cực hơn. Tính đến hết tháng 6/2018, tổng số vụ kiện chống phá giá liên quan tới nhóm thép chiếm hơn một nửa tổng số vụ kiện, dự kiến các vụ điều tra vẫn còn tiếp tục kéo dài và xuất hiện thêm.

Cùng với đó, giá thép thế giới giảm mạnh có thể sẽ khiến ngành thép đối diện với một năm đầy khó khăn do gia tăng áp lực cạnh tranh nội địa cũng như giảm bớt triển vọng cho mảng xuất khẩu.

Theo các công ty chứng khoán, năm 2019 sẽ là năm mà ngành thép xuất hiện sự phân hóa rõ nét giữa các mảng thép cũng như các doanh nghiệp.

Đối với nhóm ngành thép dẹt (tôn mạ), dự báo kém tích cực cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này (HSG, NKG, Tôn Đông Á, Tôn Phương Nam) do giá nguyên vật liệu tăng mạnh ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh, kèm theo đó là hoạt động mở rộng công suất sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao gây rủi ro tới khả năng hoạt động trong bối cảnh ngành thép dẹt đang chịu áp lực về đầu vào.

Đối với nhóm ngành thép dài (thép ống, thép xây dựng) có thể sẽ không tích cực như giai đoạn đầu năm khi ngành xây dựng tăng trưởng chậm lại do tác động từ ngành bất động sản...  Đây sẽ là những khó khăn thách thức của HSG nói riêng và ngành thép nói chung trong bối cảnh tình hình thế giới liên tục biến động...

Hà Phương