Vì sao giá cổ phiếu CTG bứt phá trở lại?
Mặc dù tình hình kinh doanh 2018 không mấy sáng sủa, nhưng trong các phiên giao dịch gần đây, giá cổ phiếu của NH Công thương VN (HoSE: CTG) vẫn duy trì tăng điểm, với khối lượng giao dịch khá lớn.
Trong số 17 cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên sàn HOSE, HNX và giao dịch trên UPCoM, chỉ có cổ phiếu của bốn ngân hàng còn giữ được mức tăng điểm so với thị giá hồi đầu năm 2018 gồm: BIDV, NCB, VIB và EIB. Trong đó, BID có mức tăng điểm cao nhất, hiện giao dịch quanh ở mức 34.400 đồng/cp...
Sáu cổ phiếu ngân hàng có mức giảm nhiều nhất so với đầu năm 2018 là HDBank (- 20%); SHB (- 22,9%); TPB (- 21,9%); CTG (- 23%); TCB (- 21%); VPB (- 25%).
Tính đến đầu năm 2019, cổ phiếu ngân hàng có thị giá cao nhất là VCB với mức giá 55.700 đồng/cp, tiếp đến BID (32.800 đồng/cp), HDB (30.150 đồng/cp).
Trong 2 phiên giao dịch gần đây (ngày 20 và 21/1/2019), giá cổ phiếu CTG với sắc tím và xanh lan toả tiếp tục dẫn dắt thị trường... Trong phiên giao dịch ngày 21/1, giá cổ phiếu này đã tăng kịch trần với khối lượng giao dịch trên 11 triệu đơn vị với tổng giá trị giao dịch 218 tỷ đồng...
Sau phiên bùng nổ hôm qua, thị trường chứng khoán hôm nay đã giao dịch với tâm lý khá thận trọng. Tuy vậy, điểm tích cực là áp lực bán diễn ra không quá mạnh và lực cầu đỡ giá của cổ phiếu CTG thường trực xuất hiện giúp thị trường không bị giảm sâu.
Theo ông Dương Văn Chung- Giám đốc Công ty chứng khoán MBS, từ nay cho tới tháng 3/2019, giá cổ phiếu CTG sẽ tiếp tục là tâm điểm thu hút dòng tiền, bởi trong các cổ phiếu ngân hàng thuộc rổ VN30 thì CTG có tính thanh khoản cao nhất trong các cổ phiếu ngân hàng.
Có thể bạn quan tâm
Chuyển động mới tại CTG
12:00, 12/12/2018
Sức hút từ cổ phiếu CTG
04:20, 29/07/2018
Công ty Chứng khoán HSC liệu có "khách quan" khi định giá cổ phiếu CTG?
07:45, 26/04/2018
Nhờ đâu cổ phiếu CTG tăng trưởng hơn 100%?
09:21, 21/04/2018
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT CTG cho biết, trong năm 2018 CTG đã có những chuyển biến khá tích cực khi thu dịch vụ tăng 32% so với 2017, chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình kinh doanh dựa vào tăng trưởng quy mô là chính sang dựa vào cải thiện chất lượng dịch vụ và phát triển hiệu quả, trên cơ sở nền tảng ngân hàng hiện đại và đa dịch vụ.
Bên cạnh đó, năm 2018 CTG đã chủ động xây dựng, trình phê duyệt và triển khai tích cực phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo đúng Đề án 1058 của Chính phủ và phê duyệt của NHNN.
Năm 2019, CTG sẽ tiếp tục nắm bắt cơ hội thị trường, tập trung tăng trưởng hiệu quả, đa dạng cơ cấu doanh thu, tăng cường xử lý các khoản nợ xấu, quản trị chi phí phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh doanh...
Ngân hàng đang đứng trước thách thức bắt buộc phải phải nâng cao năng lực tài chính, tuy nhiên theo ông Thọ, các biện pháp thực hiện tăng vốn trong những năm vừa qua đã tới hạn, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã lên mức tối đa 30%, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước về 65%.
Hiện nay, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của CTG đã giảm tới sát mức tối thiểu theo quy định của pháp luật, trong khi các biện pháp tăng vốn tự có (gồm cả vốn cấp 1 và vốn cấp 2) đã được CTG khai thác tối đa và đã tới hạn theo các quy định của pháp luật.
Do tỷ lệ an toàn vốn của CTG đã tới mức tối thiểu nên từ tháng 9/2018 tới nay, CTG không thể tăng trưởng tín dụng, trong khi nhu cầu vốn của nền kinh tế đang tăng lên rất lớn. Năm 2018, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của CTG chỉ đạt 6,1%, trong khi tỷ lệ chung của toàn ngành là 14%.
Chính vì vậy, lãnh đạo ngân hàng này mong muốn được phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ như nội dung đã trình. Trước mắt đề nghị được chấp thuận được chia cổ tức bằng cổ phiếu từ năm 2017 đến năm 2020. Nguyên tắc tăng vốn điều lệ bao gồm, nếu tỷ lệ an toàn vốn không bảo đảm cho tăng trưởng tín dụng phục vụ cho tăng trưởng kinh tế theo các mục tiêu của Chính phủ thì CTG được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu...
Với những chính sách mới trong năm 2019, cổ phiếu CTG có thể tiếp tục có những bứt phá, là tâm điểm thu hút dòng tiền và được sự quan tâm của giới đầu tư...