Ngân hàng có tổng tài sản đứng trong top đầu của hệ thống ngân hàng Việt Nam- Vietinbank (HoSE: CTG), đang có nhiều thay đổi đặc biệt đáng chú ý.
CTG vừa tổ chức ĐHĐCĐ bất thường. Nội dung chính của đại hội là bầu nhân sự, phê duyệt chỉ tiêu Kế hoạch kinh doanh năm 2018 và phương án phân phối lợi nhuận năm 2017, trong đó có chỉ tiêu lợi nhuận năm nay vốn chưa được công bố tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4 vừa qua.
Lãnh đạo mới mà cũ
Trong tháng 11/2018, CTG đã có Chủ tịch HĐQT mới, sau nhiều tháng “khuyết” ghế này. Theo đó, ông Lê Đức Thọ từ vị trí Tổng giám đốc trở thành người đứng đầu HĐQT CTG, đồng thời là đại diện 40% vốn của NHNN tại đây. Ông Thọ 48 tuổi, khá trẻ so với nhiều lãnh đạo cùng cương vị. Ngoài ông Thọ, ông Trần Minh Bình, 44 tuổi, Phó Tổng giám đốc CTG, được trao quyền Tổng Giám đốc và mới đây được bầu vào HĐQT, chính thức trở thành Tân Tổng giám đốc.
Có thể bạn quan tâm
04:20, 29/07/2018
07:45, 26/04/2018
09:21, 21/04/2018
14:44, 07/03/2017
Bộ đôi đứng đầu Ban lãnh đạo cấp cao nhất của CTG, tuy “mới” mà “cũ”, theo đó, gánh kỳ vọng mang đến những chuyển động mà giới quan sát mặc định cần thiết, để ngân hàng này thực thi định hướng phát triển hoạt động kinh doanh theo chiều sâu, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh doanh, tăng trưởng có chọn lọc, gắn với hiệu quả.
Tất nhiên, với vị trí mới ở chặng đường cuối của 2018, những chuyển động này nếu có sẽ chỉ nhìn thấy kết quả rõ ở thì tương lai xa hơn, nhưng vẫn cần sự khởi động khi ngân hàng quyết các kế hoạch cho dài hạn.
Thận trọng chỉ tiêu
Theo kế hoạch được thông qua tại ĐHCĐ bất thường, CTG đặt mục tiêu lãi trước thuế riêng lẻ 6.200 tỷ đồng và lãi trước thuế hợp nhất của 2018 là 6.700 tỷ đồng. So với lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2017 đạt 9.206 tỷ đồng, chỉ tiêu của năm nay của ngân hàng giảm khá mạnh. Đáng chú ý trong 9 tháng đầu năm 2018, ngân hàng cũng đã đạt kết quả kinh doanh vượt 13,4% so với chỉ tiêu này (tương đương 7.596 tỷ đồng), sau trích lập chi phí dự phòng lên 8.330 tỷ đồng.
6.700 tỷ đồng là mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2018 của CTG đã được ĐHĐCĐ bất thường thông qua.
Với lợi nhuận mục tiêu thấp hơn mức đã đạt, CTG chứng tỏ sự thân trọng và cả “dự phòng nguồn lực” cho các kế hoạch xử lý nợ xấu, kinh doanh ở năm nay lẫn chặng tiếp theo. Được biết, cũng như các ngân hàng nhóm Big4, CTG đã được NHNN phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Chưa bàn tới chuyện đường tới 2020 - tới hạn thực thi áp chuẩn Basel II, việc thận trọng của CTG cũng bao gồm cả dự phòng cho nhiệm vụ hỗ trợ cơ cấu lại TCTD yếu kém theo chỉ đạo NHNN.
Áp lực tăng vốn
Cũng tại ĐHĐCĐ bất thường, các nhà quản lý CTG trình phương án cơ cấu dự án đầu tư tòa nhà trụ sở chính tại Ciputra. Dự án được phê duyệt từ 2013, không nêu chi tiết tổng nguồn vốn đã đầu tư giải ngân vào công trình còn dở dang, song một nguyên nhân được đưa ra để lý giải 3 phương án trình cổ đông là do lộ trình tăng vốn chưa được phê duyệt dẫn tới khó khăn về vốn để tiếp tục thực hiện dự án lớn này. Bên cạnh đó, nhà băng này cũng đánh giá có khả năng không khai thác hết công năng của dự án. Theo đó, CTG ưu tiên phương án 1 - bán toàn bộ dự án, so với 2 phương án còn lại là chuyển nhượng 1 phần và điều chỉnh để tự hoàn thành.
Như vậy, yếu tố vốn đã và đang là vấn đề thách thức của CTG nói riêng và của nhóm ngân hàng Big 4 nói chung khi thời gian chạy đua với Basel II ngày càng rút ngắn lại.
Đánh giá chất lượng tài sản của CTG đã được cải thiện nhiều với tỷ lệ nợ xấu quanh mức 1,2%; tỷ số trang trải lãi vay trên 100% và đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC trong 2018; nhờ đó, chi phí dự phòng năm 2019 dự báo giảm 10% so với năm trước, nhưng áp lực vốn nếu chưa giải có thể làm giảm NIM xuống 2,5%, song BVSC cũng kỳ vọng CTG sẽ có phương án đặc biệt trong 2019 để đảm bảo các quy định về vốn. Bán dự án đầu tư trụ sở chính liệu có phải là lối thoát đặc biệt để CTG đi qua khe cửa hẹp thách thức tăng vốn giai đoạn này?
Nhẹ gánh nỗi lo nợ xấu Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà CTG đặt ra tại ĐHĐCĐ bất thường là nâng cao chất lượng tín dụng, thu hồi nợ có hiệu quả, đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường. Đến năm 2020, CTG đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu gồm nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC… xuống dưới 3%. Trên thực tế, nợ xấu CTG hiện đang khá thấp. Và điều này cũng diễn ra với các ngân hàng lớn khác. Cụ thể, không chỉ CTG, mà Vietcombank (VCB) và một số ngân hàng TMCP khác cũng tất toán xong trái phiếu VAMC. BID (BIDV) tuy không xử lý nợ xấu “ngay và luôn” như CTG hay VCB, cũng có tỷ lệ nợ nhóm 2-5 ở mức thấp, khoảng 3,2%. Riêng BID còn nặng gánh trái phiếu VAMC trên 9.000 tỷ đồng. Song lợi nhuận của BID rất tích cực trong 9 tháng đầu năm 2018 khi đạt 7.254 tỷ đồng, đạt 78% kế hoạch kinh doanh năm 2018, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng này vẫn dư nguồn lực để xử lý nợ xấu, có thể tất toán trái phiếu VAMC nếu đến hạn 5 năm và đảm bảo tăng trưởng trong năm tới. Tương tự, ở nhóm các ngân hàng cổ phần tư nhân đang niêm yết, như MBB, ACB, TCB cũng đã công bố trích lập hết và tất toán trái phiếu VAMC. Nợ xấu nhẹ bớt, chi phí dự phòng giảm đi, lợi nhuận tăng lên ở 2018 tại hầu hết các các ngân hàng, khiến kỳ vọng mở rộng lợi nhuận đối với hoạt động tín dụng của các ngân hàng cũng tăng lên trong năm 2019. Nhìn chung, tuy khó đảm bảo dự báo tiếp tục lên ngôi vua trong năm 2019, nhưng cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh về mức đã rẻ, vẫn có cơ hội “hồi sóng” hoặc được đánh giá hấp dẫn. |