Cổ phiếu ngành ngân hàng, nổi bật là nhóm Big 3, có phiên bứt phá mạnh nhờ kết quả kinh doanh Quý 4/2024 đang dần được hé lộ...
Đặc biệt nhóm này đang ráo riết kiếm tìm các nhà đầu tư chiến lược cho các kế hoạch hoàn thành tăng vốn trong năm 2025.
Phiên giao dịch ngày 7/1, BID đóng cửa với giá cao nhất phiên 40.300 đồng/cp, tổng khối lượng giao dịch lên tới 10,4 triệu đơn vị khớp lệnh. BID cũng tự tin hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh đã đề ra cho năm 2024.
Đến cuối 2024, tổng tài sản BID đã vượt mốc 2,6 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng gần 2 triệu tỷ, tăng 14% so với đầu năm.
Tính theo quý, mức tăng tín dụng của BID tăng thêm 3,7% so với quý trước, với tổng dư nợ đạt khoảng 1,9 triệu tỷ. Trong đó, cho vay SME và bán lẻ tăng lần lượt là 16,3% và 16,8%. BID có nhiều chính sách, gói ưu đãi cho vay và thuộc nhóm ngân hàng có lãi suất cho vay thấp nhất trên thị trường.
Ngoài ra, nguồn tiền gửi lãi suất thấp từ KBNN giảm, huy động từ thị trường 1 và liên ngân hàng tăng lên đã khiến chi phí vốn tăng nhẹ. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng tiếp tục giảm xuống 115,7% (đây là mức bao phủ nợ xấu thấp nhất trong 3 năm vừa qua).
Đáng chú ý, kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 21% của BID đã hoàn thành vào đầu năm 2025. Bên cạnh đó, thương vụ phát hành riêng lẻ với tỷ lệ 2,89% cũng được kỳ vọng sẽ hoàn thành trong quý I/2025.
Với CTG, tính đến hết tháng 11, tín dụng tăng trưởng 14,2%, nợ xấu kiểm soát dưới 1,1%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục duy trì mức cao. Nhờ lợi thế chi phí vốn thấp và địa bàn hoạt động rộng lớn của một ngân hàng quốc doanh, CTG có khả năng cạnh tranh tệp khách hàng cả cá nhân và doanh nghiệp.
Dự báo NIM của CTG được cải thiện dần trong 2025 khi nên kinh tế được hồi phục, từ đó giảm các gói ưu đãi hỗ trợ sản xuất và kinh doanh. Vốn điều lệ dự kiến được tăng lên mức 74.200 tỷ đồng sẽ giúp ngân hàng có thêm nguồn lực cải thiện cải thiện tỷ lệ an toàn vốn, mở rộng hoạt động kinh doanh.
Với VCB, tăng trưởng tín dụng đến cuối năm khoảng 13% trên quy mô 1,4 triệu tỷ đồng, tổng tài sản gần 2 triệu tỷ đồng, nợ xấu kiểm soát dưới 1%.
Về câu chuyện tăng vốn, một trong những điều kiện để tăng năng lực cạnh tranh của các ngân hàng, ngoài BID vừa hoàn thành vào đầu 2025, trước đó cuối năm 2024, VCB đã được Quốc hội thông qua cho phép tăng vốn.
Được biết, CTG cũng đang trong quá trình xin ý kiến để tiếp tục tăng vốn nhằm củng cố vị thế tài chính của mình.
Lộ trình tăng vốn cho các ngân hàng vẫn chưa dừng lại. VCB và BID hiện vẫn đang lên kế hoạch hoàn thành phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh nhóm có vốn Nhà nước, nhóm ngân hàng TMCP tư nhân như Techcombank cũng đang xem xét bán vốn cho đối tác ngoại; hay nhóm có tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài ở mức rất thấp TCB, EIB, LPB, NCB,… còn dư địa để có thể tăng vốn qua mở rộng phát hành cho cổ đông nước ngoài.
Trong năm 2025, ngành ngân hàng dự báo sẽ dần hồi phục nhờ nền kinh tế khởi sắc, các yếu tố hỗ trợ liên quan tới thị trường bất động sản và mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì giúp kích cầu tiêu dùng.
Tại cuộc họp ngày 7/1/2025, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, NHNN tiếp tục giao chỉ tiêu tăng trưởng cho toàn hệ thống ngay từ những ngày đầu năm (16%). NHNN cũng thông tin, năm 2024 tín dụng nền kinh tế tăng khoảng 15,08% so với cuối năm 2023.
Tăng trưởng tín dụng tích cực là một trong những yếu tố quan trọng trong tăng lợi nhuận cho các ngân hàng. Điều này cũng góp phần kích thích kỳ vọng của nhà đầu tư đối với cổ phiếu ngân hàng năm 2025, và thêm cơ hội cho các ngân hàng trong kế hoạch tăng vốn.