Năm Kỷ Hợi: Cơ hội lớn hơn rủi ro
Trước thềm Xuân mới, lãnh đạo một số tổ chức tài chính trung gian chia sẻ dự báo về kinh tế và thị trường chứng khoán năm 2019 dưới góc nhìn thận trọng, nhưng đầy lạc quan.
TTCK sẽ có chiều hướng tăng trưởng
Kinh tế thế giới dự kiến có những biến động, nhưng nhiều khả năng kinh tế Việt Nam năm 2019 sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định, thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp và làm nền tảng TTCK phát triển. Tôi cho rằng, TTCK sẽ có chiều hướng tăng trưởng vừa phải, tập trung ở các lĩnh vực cảng biển, công nghệ, sản xuất công nghiệp nặng, dệt may, gỗ và thuỷ sản.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng: Cần làm thị trường chứng khoán gần người dân hơn
12:15, 12/02/2019
Chứng khoán tuần từ 11-15/2: VN-Index thách thức 920 điểm?
04:26, 11/02/2019
Nâng hạng thị trường chứng khoán, phụ thuộc nhà đầu tư ngoại… “chấm điểm”
11:08, 31/01/2019
Chứng khoán tuần từ 28/1- 1/2/2019: Giằng co trong biên độ hẹp
04:40, 28/01/2019
Chứng khoán Việt Nam đã về mức rẻ?
13:31, 25/01/2019
Kho magrin hút nhà đầu tư chứng khoán phái sinh
11:01, 24/01/2019
Ông Vũ Quang Đông, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank.
Thị trường sẽ lớn lên cùng tổng thể nền kinh tế và chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đại chúng lên sàn. Vì vậy, TTCK Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần minh bạch hơn và các chuẩn mực kế toán điều chỉnh theo chuẩn mực của thế giới. Có như vậy, vốn ngoại và nhà đầu tư tổ chức sẽ tham gia nhiều hơn, giúp thị trường tăng trưởng ổn định.
Đặc biệt, trong việc phát triển thị trường vốn, cơ quan quản lý cần có các chính sách thúc đẩy sự phát triển nhà đầu tư tổ chức, nhất là khối công ty quản lý quỹ. Sự mở rộng các công ty này sẽ giúp thị trường cân bằng và ít biến động do tâm lý. Các công ty quản lý quỹ đang phát triển khá nhanh, thể hiện ở thị phần giao dịch tăng lên trong các năm gần đây. Với năm 2019, chúng tôi tin tưởng vào sự tăng trưởng của TTCK, nhưng ổn định hơn. Theo đó, công ty quản lý quỹ sẽ tiếp tục thể hiện được sự chuyên nghiệp và chứng minh uy tín trong lĩnh vực quản lý tài sản đầu tư, dự kiến tăng trưởng được tài sản quản lý tốt hơn so với tăng trưởng của thị trường và nền kinh tế.
TTCK việt nam sẽ Tương đồng với TTCK toàn cầu
Về điểm số của VN-Index cũng như thanh khoản, tôi không kỳ vọng năm 2019 sẽ có một cuộc bứt phá. Hiện tại, tâm lý chung của TTCK Việt Nam tương đồng với các TTCK toàn cầu là đang trong trạng thái cẩn trọng và thiếu tự tin. Các yếu tố chính dẫn đến tâm lý đó là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và mức độ ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác trên toàn cầu, khả năng tăng lãi suất cơ bản của Mỹ và mức độ lan tỏa đến các thị trường khác.
Ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACB (ACBS)
Đối với kinh tế trong nước, mặc dù GDP năm 2019 được dự báo sẽ tăng trưởng GDP tốt (6,9%), nhưng chủ yếu đến từ mảng FDI và đầu tư công (xây dựng hạ tầng), nên ít tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp niêm yết (phần lớn là các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, tiêu dùng). Ngoài ra, nền tảng TTCK Việt Nam chưa thực sự vững vàng, dòng tiền hầu như dựa vào nguồn vốn đầu cơ ngắn hạn, thiếu sự đóng góp của dòng tiền từ các định chế tài chính trong nước.
Với triển vọng 2019 như vậy, các mảng kinh doanh truyền thống của công ty chứng khoán như môi giới, cho vay giao dịch ký quỹ (margin), bảo lãnh phát hành, tự doanh sẽ khó mang lại hiệu quả cao. Tôi nghĩ, những sản phẩm về quản lý tài sản cho nhà đầu tư đại chúng sẽ được quan tâm và phát triển trong dài hạn. Đầu tư và phát triển tài sản cá nhân là một nhu cầu thiết yếu của đa số người dân.
Ngoài ra, về phía các doanh nghiệp, nhu cầu huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ ngày càng tăng cao, đặc biệt khi Ngân hàng Nhà nước nâng cao tiêu chuẩn về an toàn vốn và áp dụng Basel II. Tôi kỳ vọng, 2019 và các năm tiếp theo, TTCK sẽ phát triển hơn về mảng ủy thác đầu tư, chứng chỉ quỹ và trái phiếu doanh nghiệp.
Với TTCK năm 2019, chúng tôi có quan điểm “lạc quan trong thận trọng”
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang cũng như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt khiến kinh tế toàn cầu trở nên bất ổn, TTCK Việt Nam năm 2018 biến động khó lường với biên độ lớn.
Tuy nhiên, xét trên khía cạnh quy mô thị trường, 2018 được đánh giá là một năm tương đối thành công, thanh khoản trung bình phiên đạt xấp xỉ 5.382 tỷ đồng, tăng 29%; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 3,9 triệu tỷ đồng, tương đương 70,2% GDP, tăng 10,6% so với năm 2017.
Ông Khổng Phan Đức, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Vietinbank
Về góc độ vĩ mô, dưới sự điều hành hợp lý của Chính phủ, kinh tế Việt Nam vẫn cho thấy những tín hiệu lạc quan. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất khu vực Đông Nam Á và dự kiến sẽ duy trì ở mức 6,7 - 6,8% trong năm 2019. Lãi suất và tỷ giá luôn được kiểm soát ổn định khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy mạnh vào thị trường Việt Nam, đạt gần 35,5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, dưới góc độ quản lý thị trường, các cơ quan quản lý quan tâm tới việc hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý cũng như phát triển các sản phẩm mới trên TTCK.
Điển hình như việc nâng điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng, thay đổi quy định về tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài (dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi), hay nới lỏng điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp (Nghị định 163/2018/NĐ-CP), đồng thời đẩy mạnh triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, chứng quyền có đảm bảo nhằm đa dạng hóa các kênh đầu tư.
Với TTCK năm 2019, chúng tôi có quan điểm “lạc quan trong thận trọng”, với kỳ vọng tình hình kinh tế thế giới được cải thiện khi chiến tranh thương mại hạ nhiệt, Fed giảm cường độ tăng lãi suất. Kết hợp với nền tảng vĩ mô duy trì ổn định, những đợt bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp đầu ngành hấp dẫn, triển vọng nâng hạng thị trường từ FTSE…, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài, qua đó ổn định tâm lý nhà đầu tư và là bàn đạp cho quá trình tăng trưởng của TTCK trong trung và dài hạn.
Đây cũng là khoảng thời gian tốt để các công ty chứng khoán tập trung phát triển các sản phẩm, dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp - một kênh đầu tư tiềm năng, ổn định và còn nhiều dư địa để khai thác. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội, dự báo mức độ cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán sẽ tăng cao khi Thông tư 128/2018/TT-BTC về việc bỏ mức sàn phí môi giới 0,15% có hiệu lực; thị trường phái sinh dự kiến có thêm sản phẩm mới sẽ gây áp lực tới việc phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ tương ứng để duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường…
Tôi tin hội nhập và sự quyết liệt trong cải cách sẽ mở ra cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp
Sau nhiều năm duy trì tăng trưởng cao, kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2019 có thể sẽ điều chỉnh so với năm 2018 ở khía cạnh tăng trưởng GDP và tăng trưởng xuất khẩu, nếu các yếu tố ngoại biên không thuận lợi như tăng trưởng toàn cầu giảm, ECB chấm dứt các gói nới lỏng định lượng, diễn biến bất thường từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung…
Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt
Tuy vậy, về tổng thể, mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất và tỷ giá trong năm 2019 của Việt Nam nhiều khả năng sẽ vẫn đạt được và đây là những yếu tố quan trọng để giữ nhịp tăng trưởng cho các doanh nghiệp lớn, trong đó có nhiều doanh nghiệp niêm yết.
Liên quan đến TTCK, chúng tôi duy trì nhận định lạc quan về triển vọng thị trường 2019, nhưng thị trường sẽ khó hình thành một xu hướng dài hạn, rõ nét, mà sẽ biến chuyển linh hoạt theo các diễn biến khách quan tác động. Theo đó, chúng tôi đánh giá tăng trưởng của các doanh nghiệp trong nhiều ngành năm 2019 có thể chậm hơn năm 2018 nhưng vẫn ở mức khả quan, chẳng hạn ngành ngân hàng, ngành bất động sản, ngành dầu khí…
Cùng với đó, sẽ có một số ngành có sức bật tốt trong năm 2019 như bán lẻ, công nghệ, vận tải… Nhìn tổng thể toàn thị trường, năm 2018, tăng trưởng của khối doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE đạt khoảng 20% thì năm 2019, trong dự báo thận trọng nhất, cũng sẽ đạt khoảng 10%.
Tôi tin, hội nhập và sự quyết liệt trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ sẽ mở ra cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp đã vững chân ở thị trường nội địa, tăng trưởng và vươn ra quốc tế.
Nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và TTCK
Tôi tự tin về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 và các quyết sách, cải cách của Chính phủ, định hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân và đặc biệt là hiện đại hóa TTCK tiến tới việc nâng hạng thị trường giai đoạn 2020 - 2021. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã đàm phán, ký kết thành công như CPTPP, EVFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và TTCK.
Bà Hoàng Hải Anh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI)
Về khuôn khổ pháp lý, với việc rà soát sửa đổi, bổ sung một loạt các luật như Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp... cùng tiến trình cải cách thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh mạnh mẽ và quyết tâm của Chính phủ, tôi cho rằng, Việt Nam vẫn là điểm đến của dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Dòng vốn này không chỉ thông qua các hoạt động đầu tư dưới dạng M&A, mà còn thông qua các hoạt động giao dịch cổ phiếu, trái phiếu trên TTCK từ các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức quốc tế. Trong khi đó, P/E của thị trường khoảng 14,5 - 15 lần như hiện nay là hấp dẫn so với nhiều thị trường khác trong khu vực ASEAN.
Về sản phẩm mới, cùng với các sản phẩm chứng khoán dự kiến ra mắt như chứng quyền có bảo đảm (CW), việc ra mắt quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện hay thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp đa dạng sản phẩm đầu tư, đa dạng các thành viên tham gia thị trường và tạo thêm kênh huy động vốn cho doanh nghiệp.
Đối với khối công ty chứng khoán, bên cạnh “chiếc bánh” thị phần được kỳ vọng nở ra do quy mô thị trường được dự đoán tăng trong năm 2019 là các sản phẩm mới trên thị trường và các dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp, sẽ mang lại cơ hội lớn các công ty chứng khoán.
Khi thị trường biến động nhiều, nhà đầu tư nên nhìn vào sức khỏe nội tại của nền kinh tế
Năm 2018, vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp rút ra khỏi các thị trường mới nổi cũng như cận biên diễn ra khá mạnh, nhưng không thấy diễn ra tại Việt Nam. Ngược lại, giá trị mua ròng của khối ngoại trên TTCK Việt Nam trong năm qua đạt hơn 1,8 tỷ USD, tăng so với mức 1,2 tỷ USD năm 2017, tập trung vào một số doanh nghiệp như Vinhomes, Techcombank, Masan…
Bà Lê Hồng Liên, Giám đốc Nghiên cứu phân tích, Khách hàng tổ chức, Maybank Kim Eng
MBKE nhìn nhận, khi thị trường biến động nhiều, thay vì bi quan, nhà đầu tư nên nhìn vào sức khỏe nội tại của nền kinh tế để thấy được nền kinh tế đã và đang được cải thiện rất nhiều. Cán cân thương mại của Việt Nam đang ở tình trạng tốt nhất từ trước tới nay.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, kiều hối năm 2018 lập kỷ lục gần 16 tỷ USD, gấp 2,5 lần so với 10 năm trước và chiếm 7% GDP. Việt Nam đang là nước đứng thứ 11 trên thế giới về giá trị kiều hối thực nhận. Về tỷ giá, trái ngược với diễn biến căng thẳng trong các năm trước đây với áp lực tỷ giá tăng mạnh dịp cuối năm, thì VND tăng 0,6% so với USD trong quý IV/2018.
Thị trường đang để ý quá nhiều đến Fed và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, triển vọng tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn, nên TTCK năm 2019 vẫn còn tiềm ẩn diễn biến khó lường. MBKE cho rằng, các kỳ họp và quyết định liên quan đến lãi suất của Fed sẽ không nằm ngoài dự báo trước đó.
Thậm chí, nếu kinh tế Mỹ có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại quá nhanh, Fed có thể giãn hoặc tạm dừng tăng lãi suất. Theo thống kê trong nhiều năm qua, TTCK Mỹ không suy giảm 2 năm liên tục. Ngoài ra, kinh tế toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng trưởng 3,6 - 3,7% trong năm 2019.
Theo tôi, nhà đầu tư nên quan tâm nhiều hơn đến chính sách kinh tế của Trung Quốc. Nếu chính sách kích cầu của Trung Quốc thất bại thì hàng hóa nước này sẽ hướng đến thị trường ASEAN, trong đó có Việt Nam. Với nguồn cung dồi dào, giá thấp hơn, hàng Trung Quốc sẽ tác động đến các doanh nghiệp trong nước, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và biên lợi nhuận.