Rủi ro đầu tư, nhìn từ cú sốc YEG
9 tháng kể từ khi niêm yết, thị giá cổ phiếu YEG (của CTCP Tập đoàn Yeah1) đang đi theo kịch bản không cổ đông và nhà đầu tư nào mong muốn.
Từ câu chuyện cổ phiếu bất ngờ rớt giá sâu của YEG, hay trước đó là TCM, INN… khi doanh nghiệp phải đối mặt với những rủi ro kinh doanh càng cho thấy sự cần thiết phải đa dạng hoá danh mục đầu tư để phân tán rủi ro.
YEG và những cú sốc bất ngờ trên TTCK
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/3/2019, cổ phiếu YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1 tiếp tục giảm kịch biên độ. Dù khối lượng khớp lệnh đã đạt 62.500 đơn vị, tăng đáng kể so với những phiên liền trước đó, con số này vẫn chưa thấm vào đâu so với lượng dư bán sàn và ATC lên đến hơn 3 triệu đơn vị khi đóng cửa.
Đáng chú ý, trong những phiên giao dịch vừa qua, chính cổ đông ngoại mới là những người đua lệnh bán thành công. Với 44% cổ phần đang nắm giữ bởi khối ngoại nhưng chỉ hơn 18% được xác định thuộc về các cổ đông lớn, cùng với lượng cổ phiếu đang và sẽ bị giải chấp khi một số công ty chứng khoán đã cấp margin với cổ phiếu này, rõ ràng rất khó để lượng hóa áp lực cung thực sự của YEG.
Chuỗi giảm giá của cổ phiếu YEG đã bước sang tuần thứ 3 kể từ khi thông tin Youtube sẽ chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung đối với các công ty con/đầu tư tài chính có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng Youtube Adsense của YEG sau ngày 31/3/2019 được công bố.
Có thể bạn quan tâm
Đã đến lúc "bắt đáy" cổ phiếu YEG?
11:01, 15/03/2019
Áp lực giải chấp nhìn từ cổ phiếu YEG
11:01, 12/03/2019
YEG giải mã những giao dịch "nghi vấn" trước niêm yết
12:01, 12/07/2018
Vì sao chỉ một tin từ YouTube đã 'cuốn phăng' hàng nghìn tỷ của Yeah1?
08:59, 18/03/2019
Bài học từ Yeah1
13:15, 16/03/2019
Yeah1 “cứu giá” cổ phiếu
14:30, 09/03/2019
YEG có thể xem là trường hợp mới nhất mà cổ đông và nhà đầu tư phải đối mặt với những cú sốc đến từ những sự cố bất khả kháng, rủi ro đối tác trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán trong vài năm qua. Tất nhiên, không tính tới những trường hợp cổ phiếu biến động tăng giảm bất thường do sự kém minh bạch, rủi ro pháp lý của ban lãnh đạo doanh nghiệp hay rủi ro hệ thống xảy ra trên toàn thị trường.
Trước YEG, cổ phiếu TCM của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại - Thành Công đã có đợt rớt giá sâu trong tháng 10/2018. Thi giá cổ phiếu này đã giảm 30%, từ gần 30.000 đồng/cổ phiếu xuống hơn 21.000 đồng/cổ phiếu trong 3 tuần sau thông tin khách hàng lớn của TCM tại Mỹ là Tập đoàn bán lẻ Sears Holdings đệ đơn xin bảo hộ phá sản. Hay trong tháng 1/2017, cổ phiếu INN của CTCP Bao bì và In nông nghiệp bay hơi hơn 25% sau khi xảy ra vụ cháy tại nhà máy Hưng Yên đang xây dựng.
Tất nhiên, mức độ tác động của mỗi cú sốc và thời gian để phục hồi thị giá của mỗi cổ phiếu không giống nhau, phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của sự kiện tới lợi nhuận của doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai.
Cổ phiếu YEG có chuỗi giảm sàn 13 phiên liên tiếp sau "sự cố Yotube" trước khồi hồi phục trở lại trong phiên 21/3.
TCM dù phải đối mặt với nguy cơ không thu hồi được phần lớn trong số tiền 95,5 tỷ đồng phải thu và doanh thu cũng sẽ bị ảnh hưởng khi đối tác này đóng góp khoảng 7% doanh thu cho Công ty nhưng với triển vọng xuất khẩu tích cực của ngành dệt may và những nỗ lực chia sẻ chủ động tình hình, kế hoạch kinh doanh của ban lãnh đạo, thị giá cổ phiếu đã nhanh chóng hồi phục và sau 5 tháng hiện đã cao hơn 10% so với trước đợt giảm giá tháng 10/2018.
Với INN, thiệt hại của vụ cháy vào khoảng 70 tỷ đồng, tương đương 16,5% giá trị tổng tài sản, 25% vốn chủ sở hữu khi đó. Dù được bảo hiểm toàn bộ, sự việc đã làm trễ tiến độ đưa nhà máy vào hoạt động trong bối cảnh các nhà máy hiện hữu hoạt động hết công suất và khiến thị giá cổ phiếu mất hơn 7 tháng để trở lại vùng giá trước khi vụ cháy xảy ra.
Với YEG, nhìn từ việc quản lý các mạng đa kênh là nguồn đóng góp chính vào doanh thu, lợi nhuận, CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) - đơn vị từng tư vấn cho cổ phiếu YEG niêm yết - mới đây đưa ra các báo cáo cho rằng, các mạng đa kênh đóng góp 67% doanh thu năm 2018 và trong kịch bản không đạt được thỏa thuận giải pháp với Youtube sau ngày 31/3/3019, doanh thu năm 2019 giảm đến 64,4% so với kịch bản được HSC dự báo trước đó.
Tác động của thông tin ngừng hợp tác của Youtube với triển vọng kinh doanh của YEG rõ ràng không nhỏ và không quá khó lý giải việc YEG trải qua 12 phiên giảm sàn vừa qua, nhưng lại rất khó để đánh giá triển vọng phục hồi đối với thị giá cổ phiếu này.
Đa dạng hóa danh mục, cách nhà đầu tư tự bảo vệ mình
Trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô ổn định, lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng, thị trường chứng khoán đang được xem là một trong những kênh hấp dẫn nhất, bởi khả năng đem lại tỷ suất sinh lời cao trong thời gian ngắn, quy mô vốn linh động.
Một phiên tăng trần kịch biên độ (7%) của cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) có thể đem lại cho nhà đầu tư suất sinh lợi cao hơn so với gửi tiết kiệm một năm tại nhiều ngân hàng. Tỷ lệ này tăng gấp đôi (15%) với sàn đại chúng chưa niêm yết (UPCoM), hoàn toàn có lợi thế nếu so với kênh bất động sản đòi hỏi vốn lớn; gửi tiết kiệm, trái phiếu bị hạn chế về tỷ suất sinh lời; đầu tư vàng hay ngoại tệ gặp nhiều rủi ro thanh khoản, pháp lý.
Tuy vậy, suất sinh lợi lớn cũng đồng nghĩa với rủi ro thua lỗ cao. Trong hơn 1.500 doanh nghiệp đang niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường, ngoài số lượng không nhỏ doanh nghiệp yếu kém về tài chính, quản trị, tính minh bạch bị đặt dấu hỏi, cổ phiếu giao dịch gắn với tin đồn, đội lái, tiềm ẩn rủi ro lớn với nhà đầu tư, thì ngay cả những doanh nghiệp được đánh giá cao về chất lượng tài chính, quản trị, hoạt động kinh doanh cũng luôn phải đối mặt với những rủi ro bất thường, ngoài tầm kiểm soát, thậm chí của chính lãnh đạo doanh nghiệp.
INN chắc chắn không thể lường trước được vụ cháy sẽ xảy ra. TCM chắc hẳn không ngờ đối tác lớn như Sears sẽ nộp đơn phá sản hay YEG chắc cũng khó đoán trước phản ứng kiên quyết của Youtube với toàn bộ hệ thống khi một đơn vị thành viên sở hữu gián tiếp quản lý kênh chưa phù hợp với chính sách được công bố…
Vậy nên, các lý thuyết đầu tư mới khuyên nhà đầu tư không nên “bỏ trứng vào một giỏ”. Thị trường chứng khoán chỉ là một trong những kênh để phân bổ tài sản đầu tư. Và với kênh đầu tư chứng khoán, việc lựa chọn cổ phiếu của doanh nghiệp có lịch sử minh bạch, làm ăn hiệu quả dù là điều kiện cần nhưng chưa đủ.
Các chuyên gia tư vấn vẫn khuyên nhà đầu tư cần đa dạng hóa danh mục, đầu tư vào các chứng khoán của các công ty, lĩnh vực không có nhiều liên kết với nhau để phân tán rủi ro. Bởi rất hiếm khi tất cả các ngành cùng lúc xảy ra sự kiện bất thường.
Trở lại với câu chuyện YEG, trước thời điểm cổ phiếu niêm yết (tháng 6/2018), khi được đề nghị đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư có ý định đầu tư vào cổ phiếu Công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị Yeah1 đã thẳng thắn chia sẻ: “Nếu danh mục đầu tư của nhà đầu tư là 1 tỷ đồng thì chỉ cắt 5% đầu tư vào Yeah1, bỏ vô, khóa két lại, 6 tháng sau mở ra có thể anh sẽ mất 5%, nhưng cũng có thể từ 5% này nó sẽ tăng lên tới 30 - 40%...”.
9 tháng kể từ khi niêm yết, kịch bản không mong muốn với cổ phiếu YEG đã xảy ra. Niềm tin của nhà đầu tư đặt vào một doanh nghiệp có mô hình kinh doanh mới lạ trên sàn chắc chắn đã sứt mẻ ít nhiều.
Sau hàng loạt nỗ lực vực dậy niềm tin của nhà đầu tư bất thành, từ việc Chủ tịch Hội đồng quản trị mua vào cổ phiếu, chuyển nhượng vốn ScaleLab LLC (Mỹ)…, việc YEG công bố dự kiến sử dụng một phần của hơn 1.170 tỷ đồng thu được trong đợt phát hành tháng 8/2018 để mua vào 3,1 triệu cổ phiếu (tương đương 10% số cổ phần lưu hành và gần bằng lượng bán sàn những phiên vừa qua) làm cổ phiếu quỹ như là một nỗ lực lớn nhất của Ban lãnh đạo Công ty nhằm đưa cổ phiếu thoát cảnh giảm sàn.
Việc mua cổ phiếu quỹ của YEG sẽ phải chờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Giả sử, kế hoạch này sớm được thông qua và YEG thực hiện mua trên sàn thì theo quy định hiện nay, mỗi phiên giao dịch, doanh nghiệp chỉ được mua tối đa 10% lượng đăng ký, tức hơn 300 nghìn đơn vị. Nếu mua thỏa thuận, cổ đông sẽ càng băn khoăn hơn về việc ai sẽ được mua lại cổ phần và có lẽ điều này cũng không có nhiều ý nghĩa với cổ đông nhỏ lẻ.
Vốn hóa YEG đã mất 58% giá trị, tương đương gần 4.500 tỷ đồng sau 12 phiên giảm sàn liên tiếp. Tuy vậy, nếu nhà đầu tư làm theo lời khuyên của Chủ tịch Hội đồng quản trị Yeah1 lúc trước thì giá trị danh mục cũng chưa mất đến 3%.
Rõ ràng, đa dạng hoá danh mục đầu tư chứng khoán tuy không xoá bỏ được hết rủi ro, nhưng có thể giảm nhẹ tác động tới danh mục của nhà đầu tư nếu chẳng may sự cố xảy ra với một doanh nghiệp mà nhà đầu tư đó bỏ vốn vào.