Yeah1 là cái tên mới nhất gia nhập danh sách hàng loạt doanh nghiệp phải “ngậm đắng nuốt cay” vì kinh doanh phụ thuộc vào nền tảng bên ngoài.
Chỉ vài ngày sau khi YouTube ra thông báo “ngừng cộng tác”, Yeah1 lập tức lao đao, mất ngay hơn 3.000 tỷ đồng vốn hóa.
Cái giá phải trả
Nhiều người hẳn đã từng “log in” Facebook để chơi mấy trò Nông trại vui vẻ hay Mafia Wars. Nói không quá lời, Facebook lôi kéo được người dùng ban đầu cũng nhờ công rất lớn của những game như vậy.
Tác giả của mấy game đình đám đó là Zynga, một đối tác “ruột” của Facebook. Họ chuyên viết game trên nền tảng Facebook, và được Facebook chia lại cho một phần lợi nhuận, gần giống với việc YouTube đã chia cho Yeah1.
Mọi chuyện đang êm đẹp, cho đến một ngày, Facebook bỗng quay ngoắt sang các đối thủ cạnh tranh của Zynga. Họ mở cửa, mời gọi và hỗ trợ nhiệt tình cho các Cty khác “lao vào” làm game trên Facebook.
3.000
tỷ đồng là giá trị vốn hóa của CTCP Tập đoàn Yeah1 đã bị “bốc hơi” sau sự cố với YouTube tính đến ngày 12/3/2019.
Chỉ trong thời gian ngắn, lượng game Facebook bỗng tăng vọt. Zynga bị chìm nghỉm, mất năng lực đàm phán. Bởi vì quá phụ thuộc vào nền tảng của Facebook nên Zynga không thể chống đỡ lại được “đòn” này. Cty này bị sụt ngay 36% doanh thu năm, đến nay đã gần 10 năm vẫn chưa gượng dậy lại được.
Có thể bạn quan tâm
14:30, 09/03/2019
00:00, 11/01/2019
16:48, 28/08/2018
06:25, 12/07/2018
Bởi vậy, khi Yeah1, một Cty kinh doanh phụ thuộc vào nền tảng của doanh nghiệp khác, với 90% lợi nhuận đến từ YouTube, bị “sập sàn” vì với YouTube, người ta không lạ lẫm gì. Khi chấp nhận kinh doanh trên nền tảng của doanh nghiệp khác, đồng nghĩa với việc số phận Cty bạn đã không còn nằm trong tay bạn nữa.
Trong vụ việc này, chưa bàn tới đúng sai, nhưng rõ ràng YouTube đang nắm trong tay quyền sinh sát Yeah1, và họ được tự quyết đơn phương theo ý mình. Yeah1 chỉ còn mỗi cách ngậm ngùi đi khiếu nại lên chính YouTube, nhưng “được vạ thì má đã sưng”, có khiếu nại được thì họ cũng đã thiệt hại quá nhiều.
Sức hấp dẫn khó cưỡng
Các nền tảng có một lượng người dùng khổng lồ. Đây là một “mỏ vàng” khách hàng tiềm năng mà các doanh nghiệp đều thèm muốn. Bởi vậy, các nền tảng tạo ra những tiện ích thuận tiện để hấp dẫn doanh nghiệp. Chỉ vài click là doanh nghiệp có ngay một trang trên Facebook, một kênh trên YouTube, có chatbot chăm sóc khách hàng tự động… Tất cả đều miễn phí và rất dễ dùng.
Có lượng khách hàng tiềm năng khổng lồ, có tiện ích hỗ trợ đến tận chân răng, dễ hiểu khi các doanh nghiệp khó cưỡng lại được sức hấp dẫn này. Hầu như doanh nghiệp nào cũng phải có một trang Facebook hay một kênh YouTube. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp mới thành lập còn không thèm lập trang web riêng, mọi thứ cho lên hết nền tảng. Những tiện lợi này khiến các Cty lao vào mà không nghĩ đến những hệ lụy về sau.
Còn nhớ hồi tháng 6/2014, Facebook thông báo sẽ giảm lượng tin bài xuất hiện tự nhiên trên news feed từ các thương hiệu với lí do “để người dùng có thể có được nội dung chất lượng cao hơn”. Bài của doanh nghiệp muốn tiếp cận với người dùng, mời trả thêm tiền. Kể từ đó, Facebook thường xuyên đổi thuật toán xuất hiện tin bài, và doanh nghiệp cũng thường xuyên phải nộp thêm tiền cho Facebook.
Google cũng như vậy. Họ cũng thay đổi thuật toán xếp hạng kết quả tìm kiếm của mình liên tục. Những doanh nghiệp muốn xuất hiện trên top kết quả chỉ còn cách trả tiền.
Những nền tảng công nghệ lớn cũng thường xuyên cập nhật chính sách và điều khoản của mình, người dùng hay Cty kinh doanh khi sử dụng các nền tảng này buộc phải tuân thủ các chính sách, dù cho điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến công việc kinh doanh của họ.
Chiến lược kinh doanh qua mạng cũng dễ bị chao đảo bởi các đối thủ. Nếu bị báo cáo từ các Cty cạnh tranh, tài khoản mạng của Cty bạn sẽ bị tạm khóa, địa chỉ web của Cty sẽ bị chặn, xếp hạng tìm kiếm trên Google sẽ bị sụt giảm hay thậm chí là biến mất.
Vì những lệ thuộc như thế, nên việc kinh doanh trên các nền tảng thường được cho là chỉ phù hợp với những Cty nhỏ, mới thành lập. Còn các Cty lớn không làm như vậy.
Muốn lớn, phải đứng trên đôi chân của mình Khi mới thành lập, Alibaba đã phải rất vật lộn trong việc thu hút lượt truy cập. Trong thời điểm khó khăn đó, Jack Ma lại đưa ra một quyết định rất khác thường: Chặn, không cho Baidu tìm kiếm trên Alibaba. Thay vào đó, họ tự phát triển công cụ tìm kiếm của riêng mình. Baidu lúc đó đã là gã khổng lồ, được ví như Google của Trung Quốc. Việc ngăn chặn này đồng nghĩa với việc người dùng của Baidu không thể truy cập được Alibaba, làm giảm một lượng lớn khách hàng mua sắm tiềm năng, chưa kể việc tự làm tìm kiếm cũng rất tốn kém. Nhưng những người đứng đầu Alibaba đã thực hiện một cuộc chơi có tính chiến lược lâu dài. Nhờ việc tự chủ mọi hạ tầng, không dựa vào bất kỳ nền tảng bên ngoài nào, kể cả đó là Baidu, Alibaba giờ đã nắm hoàn toàn việc kiểm soát cộng đồng mua sắm của mình. Họ toàn quyền giao dịch, buôn bán và cả quảng cáo với cộng đồng người dùng Alibaba. Thậm chí, mảng quảng cáo trực tuyến của Alibaba còn vượt cả Baidu. Điều này sẽ không bao giờ có được nếu Alibaba dùng nền tảng tìm kiếm của Baidu. Instagram cũng vậy. Họ có thể khuyến khích người dùng chia sẻ đường link ảnh lên Facebook, nhưng bức ảnh vẫn phải nằm độc lập ở máy chủ Instagram. Chính sự độc lập đó đã khiến Facebook phải bỏ ra 1 tỷ USD để mua Instagram mà không thể “diệt” được như từng làm với Zynga. Nhiều Cty lớn ở Việt Nam như VTV hay một số tờ báo lớn, sau một thời gian dựa nhiều vào mạng xã hội, YouTube, giờ cũng đang dần tự xây dựng các hạ tầng cho riêng mình, giảm phụ thuộc vào các nền tảng bên ngoài. Ai cũng hiểu rằng, muốn lớn mạnh thì phải tự đứng được trên đôi chân của mình. |