Quỹ ngoại đẩy mạnh “đảo hàng”

Theo ĐTCK 22/04/2019 09:48

Thị trường chứng khoán năm 2019 dự báo có nhiều khó khăn hơn 2018 khiến các quỹ ngoại phải đẩy mạnh tái cơ cấu để tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới.

Trong bối cảnh thanh khoản, dòng tiền suy yếu, dòng tiền khối nội thận trọng, giao dịch của các quỹ ngoại sẽ có những tác động không nhỏ đến thị trường.

Tỷ suất sinh lời các quỹ dương trở lại trong quý I

Sau khi giá trị tài sản ròng trên chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ) giảm 7,1% trong năm 2018, báo cáo của Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) - Quỹ đầu tư được quản lý bởi Dragon Capital cho biết, tỷ suất sinh lời của VEIL đã lấy lại mức tăng trưởng 2,13% trong quý I/2019. Tính đến thời điểm kết thúc quý I, tài sản ròng của Quỹ đạt 1.471,2 triệu USD, tương đương mức tăng NAV/CCQ.

Trong Top 10 cổ phiếu có phân bổ giá trị NAV lớn nhất, cổ phiếu VHM của Công ty cổ phần (CTCP) Vinhomes đã tăng từ vị trí thứ 5 lên thứ 4. Tỷ trọng NAV cũng tăng từ 4,92% lên 6,42%. Ðiều này không quá khó hiểu khi thị giá VHM tăng 24,6% trong quý vừa qua và là một trong những mã đóng góp đáng kể nhất vào đà tăng của VN-Index.

Ngoài VHM, VNM và FPT cũng là những cái tên mới góp mặt trong Top 10 phân bổ NAV của VEIL. Chiều ngược lại, ACV, SAB và VEA là 3 cổ phiếu tụt hạng, trong khi SAB giảm vị thế từ thứ 4 xuống thứ 6 thì ACV và VEA đã không còn xuất hiện trong Top 10. Nếu như với SAB và ACV, sự tụt hạng là dễ hiểu bởi thị giá đã giảm khá mạnh trong quý I thì với VEA, việc cổ phiếu biến mất khỏi Top 10 sau khi thị giá tăng đến 34% dẫn đến nghi vấn VEIL đã chốt lời khoản đầu tư này.

Có thể bạn quan tâm

  • Chứng khoán tuần từ 22- 26/4: VN-Index sẽ phá đáy 960 điểm?

    Chứng khoán tuần từ 22- 26/4: VN-Index sẽ phá đáy 960 điểm?

    05:01, 22/04/2019

  • Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần tới?

    Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần tới?

    11:30, 21/04/2019

  • Chứng khoán tuần từ 8-12/4: Tiếp tục điều chỉnh, tích lũy

    Chứng khoán tuần từ 8-12/4: Tiếp tục điều chỉnh, tích lũy

    05:01, 08/04/2019

Thực tế, VEA vẫn xuất hiện trên khoản đầu tư của VEIL với tỷ trọng 3,02% NAV đến ngày 7/3, nhưng báo cáo tuần tiếp theo thì không còn nữa dù thị giá đang đi lên. Cũng từ đây, vị trí thứ 10 được thay thế bởi FPT.

Một quỹ khác thuộc quản lý của Dragon Capital là VietNam Equity Fund (VEF) cũng báo cáo NAV/CCQ tăng trưởng trong quý I/2019 sau khi giảm 3,43% cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức sinh lời khá thấp, chỉ 1,2%.

Riêng trong tháng 3/2019, tỷ suất sinh lời của VEF âm 1,5%. Việc PNJ - cổ phiếu có tỷ trọng phân bổ NAV thứ 2 tăng giá 3,2% với kỳ vọng kết quả kinh doanh khả quan và mở thêm lĩnh vực kinh doanh mới không thể cứu vãn tình hình, khi mà có tới 4/5 cổ phiếu thuộc nhóm có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục là VHC, MWG, HPG và ACV đồng loạt giảm giá.

Như vậy, VEF đã có 2/3 tháng sinh lời âm trong quý I. Trước đó, giá trị NAV/CCQ của Quỹ đã giảm 2,11% trong tháng 1, sau đó tăng trở lại 4,98% trong tháng 2. Tính đến cuối tháng 3, tài sản ròng của Quỹ đạt khoảng 96,3 triệu USD.

Với Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lý, dù chưa công bố báo cáo danh mục tháng 3 nhưng với việc tỷ suất sinh lời chỉ 3% sau 2 tháng đầu năm và diễn biến giá không mấy thuận lợi của nhiều cổ phiếu có tỷ trọng lớn trong danh mục trong tháng 3 như HPG, VNM, ACV, KDH…, tình hình có lẽ không được cải thiện là bao.

Trường hợp của Vietnam Holdings (VNH) - quỹ đầu tư do Dynam Capitalt Management quản lý, có tài sản ròng khoảng 144,3 triệu USD còn có phần gây thất vọng hơn, khi giá trị NAV/CCQ giảm nhẹ trong quý I dù thị trường được đánh giá thuận lợi.

Riêng trong tháng 3, giá trị NAV/CCQ của VNH giảm 2,3% do chịu ảnh hưởng từ cú sốc của cổ phiếu YEG khi thị giá giảm tới 58,4%. Cùng với YEG, cổ phiếu VCI giảm 14,1% đã xóa bỏ thành quả do sự tăng giá của SCS và PNJ mang lại.

Một quỹ ngoại khác cũng có mức sinh lời tích cực hơn so với năm 2018 nhưng vẫn bị VN-Index bỏ xa trong quý đầu năm là Pyn Elite Fund (Phần Lan) với tỷ suất sinh lời 2,24%.

Khả quan hơn, nhóm quỹ ETF cùng với Tundra Vietnam Fund là những cái tên hiếm hoi chiến thắng thị trường. Trong khi tỷ lệ tăng trưởng NAV/CCQ của Quỹ Tundra đạt 10,4% thì FTSE Vietnam ETF có mức tăng 12,8% trong quý I, nhỉnh hơn VN-Index. VNM ETF cũng có mức tăng trưởng khoảng 11,8%. Dòng vốn đổ mạnh vào 2 quỹ ETF được xem là một trong những nguyên nhân chính đóng góp cho lực mua ròng tốt của khối ngoại trên thị trường.

ảnh 1

Tỷ suất sinh lời của một số quỹ ngoại và VN-Index trong quý 1/2019.

Sôi động hoạt động tái cơ cấu

Trái ngược với kỳ cơ cấu được xem là “bình yên” nhất nhiều năm trở lại đây của VNM ETF và FTSE trong tháng 3/2019 khi danh mục cổ phiếu được giữ nguyên, chỉ thay đổi tỷ trọng của một số mã thì với nhiều quỹ đầu tư khác, quý I/2019 chứng kiến quá trình tái cơ cấu diễn ra khá mạnh mẽ.

Tại nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý, thị trường đã bất ngờ khi Norges Bank hạ tỷ lệ sở hữu của cả nhóm xuống dưới 5% trong tháng 3/2019, đồng nghĩa với các giao dịch của cả nhóm quỹ tại HPG sẽ không còn phải công bố thông tin thời gian tới.

Trước đó Norges Bank đã giảm tỷ trọng tại CTCP Thép Nam Kim (NKG) trong tháng 1/2019, đến cuối tháng 3/2019, Aquila SPC LTD - một quỹ khác thuộc Dragon Capital tiếp tục giảm tỷ trọng nắm giữ.

Như vậy, sau khi đẩy mạnh thoái vốn khỏi Tôn Hoa Sen và mua vào NKG trong tháng 10/2017, việc thị giá NKG liên tục giảm mạnh và hiện mất đến 3/4 giá trị so với đầu năm 2018 đã ảnh hưởng đáng kể đến các giá trị khoản đầu tư vào doanh nghiệp này.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội, PNJ của CTCP Vàng bạc Ðá quý Phú Nhuận, KDH của Ðầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Ðiền và VCI của CTCP Chứng khoán Bản Việt… là những cổ phiếu được các quỹ thuộc nhóm đẩy mạnh mua vào.

Trong khi đó, nhóm quỹ Korea Investment Management (KIM) đến từ Hàn Quốc, nhóm quỹ ngoại lớn thứ 3 trên thị trường chứng khoán Việt Nam, lại tiếp tục giải ngân mạnh mẽ trong quý I/2019 sau khi trở thành cổ đông lớn tại nhiều doanh nghiệp như VCI, DXG, PAC, NKG, SMC… trong năm 2017 - 2018.

Trong tháng 3, KIM Vietnam Growth Equity Fund đã nâng tổng sở hữu của nhóm tại CTCP Gemadept (GMD) vượt mức 5%. Cùng với đó, nhóm quỹ liên tục tăng tỷ trọng tại CTD. Ở chiều ngược lại, DXG là cổ phiếu hiếm hoi bị bán giảm tỷ trọng.

Hàng loạt quỹ khác như Pyn Elite Fund, AFC VF Limited, nhóm các quỹ thuộc Vina Capital cũng có những hoạt động tái cấu trúc thoái vốn, giảm tỷ trọng hay giải ngân mới diễn ra hết sức sôi động. Trong đó, nhóm quỹ thuộc Vinacapital đã giảm sở hữu tại khá nhiều doanh nghiệp như FPT, CSV và PNJ. 

Tác động từ hoạt động cơ cấu của quỹ ngoại

Sau khởi đầu khá tốt trong phần lớn quý I/2019, đặc biệt là thời gian sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, có thời điểm VN-Index đã vượt qua mốc 1.000 điểm, đà tăng của chỉ số đã chững lại từ nửa cuối tháng 3 đến nay và phản ánh thực tế thị trường năm 2019 được dự báo khó khăn, không còn nhiều dư địa tăng trưởng như năm 2018.

Thị trường khó khăn hơn, các nhóm cổ phiếu phân hóa sẽ đòi hỏi đội ngũ quản lý quỹ phải liên tục thay đổi, tìm kiếm cơ hội sinh lời mới nhằm đảm bảo tăng tỷ suất sinh lời. Ðiều này khiến quá trình tái cơ cấu của các quỹ dự báo sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.

Trong bối cảnh dòng tiền khối nội còn nhiều e ngại, thanh khoản giảm thấp, giao dịch của các tổ chức lớn sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường, bởi xét về tổng thể, dù chỉ chiếm 10% - 30% giá trị thị trường mỗi phiên, nhưng với giao dịch tập trung vào một số cổ phiếu, chủ yếu là các mã đầu ngành, phong cách mua bán quyết liệt, việc mua bán ròng của khối ngoại, nhất là khi qua khớp lệnh sẽ tác động đáng kể đến cung, cầu và xu hướng thị giá nhiều mã cổ phiếu, đôi khi không đồng pha với thông tin cơ bản từ doanh nghiệp.

Câu chuyện về diễn biến giá của cổ phiếu HBC của CTCP Xây dựng Hòa Bình trong tháng 3 là một ví dụ. Việc Pyn Elite Fund liên tục bán ra gần 15 triệu cổ phiếu, giảm tỷ trọng từ 15,2% (ngày 8/3) xuống còn 7,69% (đến 20/3) đã khiến thị giá cổ phiếu HBC thời gian này giảm gần 10%. Từ cuối tháng 3, thị giá HBC đã có sự hồi phục khi áp lực bán ròng giảm bớt.

Một số cổ phiếu vốn hóa lớn như VJC của CTCP Hàng không Vietjet, HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM, YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1,  CTD của CTCP Xây dựng Coteccons giảm giá mạnh có nguyên nhân từ áp lực bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại. Trong khi đó, không ít nhà đầu tư nội thường nhìn vào xu hướng mua/bán ròng của khối ngoại để ra quyết định giao dịch khiến xu hướng thị trường chứng khoán giai đoạn tới trở nên khó đoán định hơn.    

Theo ĐTCK