Cổ phiếu ILB “rực lửa" phiên chào sàn
Công ty Cổ phần ICD Tân Cảng - Long Bình vừa đưa hơn 24,5 triệu cổ phiếu ILB “ra mắt” Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) không thành công.
TTCK ngày 15/5 tiếp tục ghi nhận VN-Index tăng 10,30 điểm, (tương đương 1,07%), lên 975,64 điểm, nhờ vào tâm lý tích cực của nhà đầu tư. Toàn thị trường có 197 mã tăng giá, 52 mã đứng giá và 99 mã giảm giá. Đặc biệt, phiên giao dịch hôm nay có sự xuất hiện của cổ phiếu mới là ILB.
Cổ phiếu bốc hơi phiên chào sàn
ILB là mã chứng khoán vừa xuất hiện trên bảng điện tử của HOSE, với giá tham chiếu khởi điểm là 22.000 đồng/cổ phiếu. Ghi nhận tại phiên đầu tiên này, cổ phiếu ILB đã mất ngay 3.500đ (giảm tương đương 15,91% giá trị) xuống còn 18.500 đồng/cổ phiếu.
Với cổ phiếu mới như ILB thì việc đánh giá chất lượng không thể dựa vào phân tích kỹ thuật. Cho nên, nhà đầu tư chỉ còn cách “nương nhờ” vào các các chỉ số tài chính, cân đối kế toán và kết quả từ hoạt động kinh doanh.
Trong quý 1/2019, kết quả hoạt động kinh doanh của ILB cho thấy, lợi nhuận gộp của ILB là 37,86 tỷ đồng nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ khoảng 20 tỷ đồng. Vì thế, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của ILB đạt 16,71 tỷ đồng.
Cơ cấu tài sản trên bảng cân đối kế toán của ILB có tổng tài sản đạt trên 1.325 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chiếm gần 423 tỷ đồng và tài sản ngắn hạn chỉ có hơn 275 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả của ILB đang ở mức khá cao, với trên 902 tỷ đồng và nợ ngắn hạn chiếm gần 253 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng: “Việt Nam sẽ mở cửa bầu trời, nâng cấp sân bay, cảng biển…”
16:23, 16/02/2019
Thị phần các khu vực cảng biển tại Việt Nam đang diễn ra như thế nào?
06:15, 14/02/2019
Tiềm năng cảng biển Đông Nam Á giữa chiến tranh thương mại
00:10, 12/02/2019
Hàng vạn container tồn đọng tại các cảng biển: Cách làm việc vô cảm có thể “giết chết” doanh nghiệp
14:15, 30/01/2019
Chỉ số tài chính của ILB cho kết quả về tỷ số lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của 4 quý gần nhất đạt 2,633 lần; Lãi trên doanh thu (ROS) đạt 16.37 lần; Lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROEA) là 3.55 lần và lợi nhuận trên tổng tài sản (ROAA) là 1.15 lần.
Nếu đem ILB so sánh với cổ phiếu cùng loại là GMD (CTCP Gemadept - HOSE) sẽ thấy bức tranh tương phản là rất lớn. GMD có doanh thu thuần gần 629 tỷ đồng cao gấp 6 lần ILB, lợi nhuận gộp đạt gần 250 tỷ đồng, cao hơn gần 8 lần của ILB, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của GMD cũng cao hơn rất nhiều so với ILB, với hơn 158 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập DN dù có giảm hơn so với quý trước nhưng cũng đạt mức trên 146 tỷ đồng.
Xét về quy mô tài sản, GMD cũng có các chỉ số nhỉnh hơn nhiều so với ILB. Cụ thể, GMD có tổng tài sản đạt trên 9.982 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chiếm 6,670 tỷ đồng và tài sản ngắn hạn hơn 1.454 tỷ đồng. Nợ phải trả của GMD là hơn 3,312 tỷ đồng và nợ ngắn hạn khoảng 1.392 tỷ đồng. Chỉ số tài chính của GMD có EPS của 4 quý gần nhất 2,295 lần; P/E cơ bản 65,79 lần; ROS 23.24 lần; ROEA 1.81 lần; ROAA 1.20 lần.
Từ kết quả so sánh cho thấy mọi chỉ số đều nghiêng về GMD. Vậy mà giá cổ phiếu hiện tại của GMD chỉ ở mức 26.350 đồng/cổ phiếu, trong khi giá chào sàn của ILB lại có giá 22.000 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá được xem là khá “chát” với nhiều nhà đầu tư.
Chờ giá điều chỉnh?
Theo đánh giá của chuyên gia phân tích chứng khoán Phan Tấn Nhật - Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà nội tại TPHCM, về nguyên tắc thì không nhà phân tích nào đưa ra khuyến nghị đầu tư vào các mã cổ phiếu chưa có đủ thời gian niêm yết trên sàn trên ba năm. Nhưng để nhận xét cơ bản và tiềm năng trung và dài hạn thì ILB là cổ phiếu tăng trưởng.
ILB có thể tăng trưởng trung bình duy trì ở mức trên dưới 10%/ năm, tốt hơn so với tốc độ tăng GDP ở thời điểm hiện tại. ILB chào sàn với giá 22.000 đồng/cổ phiếu, tính trên EPS trung bình ba năm gần đây là 2,700 lần, tương đương giá chào sàn có tỷ số P/E bằng 8,1. Dựa vào tỷ số P/E, liệu thị trường có chấp nhận trả giá cổ phiếu ILB cao gấp 8,1 lần trong khi mức P/E trung bình của các cổ phiếu cảng biển hiện nay chỉ ở mức 6 lần.
"ILB có mức giá tương đối hợp lý so với tốc độ phát triển trong tương lai, nhưng lại cao so với thị trường chung. Tại thời điểm này, thị trường đang gặp khó khăn, dòng tiền rất yếu. Trong nhóm cảng biển có nhiều cơ hội đầu tư cũng khá hấp dẫn. Vì vậy, nhà đầu tư cần thêm thời để theo dõi về cổ phiếu ILB", ông Nhật nhấn mạnh.
Theo ông Nhật, giá cổ phiếu ILB sẽ hợp lý hơn khi điều chỉnh về vùng giá 18.000 - 20.000 đồng/cổ phiếu (tương đương tỷ số P/E tầm 6,5-7,5).
Được biết, ILB là công ty con của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, đang quản lý và khai thác 105ha tại khu ICD Tân Cảng Long Bình với 20ha sân bãi và 41ha kho, bao gồm kho ngoại quan, kho nội địa, kho hàng lẻ CFS, kho lạnh và kho hàng nguy hiểm.
Hoạt động kinh doanh cốt lõi của ILB nằm trong lĩnh vực logistics. Hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động về logistics và được dự báo sẽ tăng thêm nhiều trong thời gian tới. Điều này cho thấy mức độ cạnh tranh nội bộ ngành rất gay gắt. Thị phần của ILB vì thế sẽ ngày càng bị thu hẹp. Trong khi đó, những khó khăn nội tại của ILB như: Quy mô hạn chế, thiếu vốn, công nghệ và nhân lực… đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phát triển của ILB.
Với tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này có chiều hướng giảm sút so với thời gian trước đó thì cổ phiếu ILB sẽ khó hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là khi dòng tiền chảy vào TTCK ngày một yếu dần và chỉ tập trung cho các loại cổ phiếu có tính thanh khoản cao.