Tiềm năng cảng biển Đông Nam Á giữa chiến tranh thương mại

Linh Nga 12/02/2019 00:10

Các tuyến vận tải trực tiếp từ Mỹ đến Trung Quốc có thể gặp khó khăn nhưng nhu cầu vận tải sẽ không giảm mà sẽ chuyển dịch sang các tuyến khác.

Các tuyến vận tải của châu Á chiếm phần lớn sản lượng vận tải container toàn cầu. Theo số liệu từ Bloomberg và Container Trades Statistics Ltd., tính đến tháng 10 năm 2018, trong số 10 tuyến đường vận chuyển lớn nhất thế giới (tính bằng TEU), các tuyến nội Á, châu Á – Bắc Mỹ và tuyến Á – Âu là các tuyến lớn nhất.

Ngoài ra, cán cân cung-cầu trong nhu cầu vận chuyển trong các tuyến ở châu Á chủ yếu nghiêng về các giao dịch đến và đi từ Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ hiện vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc sớm, điều này tạo ra nhiều quan ngại về những ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế (ví dụ: hoạt động thương mại, vận tải hàng hóa,…), trong đó Mỹ và Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên. Tuy nhiên, cảng biển ở các nước Đông Nam Á vẫn có thể có cơ hội trong tình hình này.

Với các mức thuế nhập khẩu mới, hàng hóa từ Trung Quốc đến Mỹ và ngược lại có thể sẽ tìm những điểm đến thay thế tốt hơn. Hơn nữa, các nhà sản xuất lớn có nhà máy đặt tại Trung Quốc cũng đang cân nhắc việc lập nhà máy mới tại các nước Đông Nam Á gần đó như Việt Nam. Theo nhận định của CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam, chiến lược này thậm chí có thể được chính các nhà sản xuất Trung Quốc sử dụng để thay đổi nguồn gốc sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh các loại thuế quan đánh lên hàng hóa Trung Quốc.

Do đó, các tuyến vận tải trực tiếp từ Mỹ đến Trung Quốc có thể gặp khó khăn, nhưng nhu cầu vận tải sẽ không giảm mà sẽ chuyển dịch sang các tuyến khác. Nói cách khác, các nhà cung cấp logistic Đông Nam Á nói chung và các cảng biển trong khu vực này nói riêng có thể hưởng lợi từ sự kiện này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiềm năng cảng biển Đông Nam Á giữa chiến tranh thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO