CTG “bứt tốc”

Hà Phương 10/02/2020 11:00

Trong những tháng đầu năm 2020, cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã bắt nhịp cùng xu hướng tăng trưởng của ngành ngân hàng.

Dù đặt mục tiêu lợi nhuận khá khiêm tốn, chỉ 9.500 tỷ đồng, nhưng kết thúc năm 2019, Vietinbank đã đạt lợi nhuận trước thuế hơn 11.780 tỷ đồng, tăng 79,6% so với năm 2018.

br class=

Vốn điều lệ của Vietinbank trong 10 năm qua

Trở lại đường đua

Trong khi cổ phiếu VCB đang phải xoay xở với lực bán chốt lời của khối ngoại, thì cổ phiếu CTG “leo dốc” khá ngoạn mục.

Theo giới đầu tư, CTG xứng đáng là cổ phiếu nổi bật nhất, không chỉ có tính thanh khoản cao nhất dòng ngân hàng mà còn có được lượng tiền vào ấn tượng. Tổng giá trị giao dịch của 5 phiên giao dịch gần đây của CTG lên tới hơn 1.600 tỷ đồng, tức là bình quân hơn 320 tỷ đồng mỗi phiên.

Với các diễn biến hiện tại, CTG đã trở lại vùng đỉnh của năm 2019 và hoàn toàn có thể vượt vùng giá này, nếu thanh khoản còn tiếp tục duy trì tốt.

Ông Nguyễn Huy Hào- Nhà đầu tư trên sàn ACBS cho rằng, hiện mức thanh khoản bình quân của 50 phiên gần nhất của CTG chỉ khoảng 3,1 triệu cổ phiếu nhưng đã có phiên với khối lượng khớp lệnh gấp hơn 4 lần mức bình quân. Cho đến phiên giao dịch ngày 5/2, thị giá của CTG đã đạt gần 28.000 đồng/cổ phiếu. Điều này cho thấy CTG đã thực sự trở lại bắt nhịp theo đà tăng trưởng của ngành ngân hàng. Vậy điều gì đang khiến cổ phiếu này trở lại đường đua và có sức hút dòng tiền lớn đến như vậy?.

Chất lượng tài sản tích cực

Trong những năm qua, VietinBank đang cơ cấu lại mạnh mẽ các khoản cho vay với rủi ro cao và lãi suất thấp. Theo đó, phần lớn các khoản vay mới trong năm 2019 tập trung ở khối bán lẻ và doanh nghiệp SMEs. Tỷ trọng cho vay dài hạn ở VietinBank đang xu hướng giảm, hiện chỉ còn 36% và tỷ trọng cho vay ngắn hạn tăng nhẹ lên 57%.

Theo chuyên gia kiểm toán Nguyễn Hữu Điền, về cơ cấu vốn huy động, lợi thế với các tập đoàn lớn và hệ thống mạng lưới rộng khắp giúp VietinBank duy trì được lượng tiền gửi lớn. Tuy nhiên, điểm cần lưu ý nằm ở hệ số dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) của ngân hàng luôn duy trì ở mức rất cao. Ngoài ra, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tổng tiền gửi khách hàng (CASA) không phải là điểm mạnh của VietiBank so với một số ngân hàng như Vietcombank, MBBank hay Techcombank.

11.780 tỷ đồng là tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Vietinbank trong năm 2019, tăng 79,6% so với năm 2018.

Vietinbank đang rất nỗ lực trích lập dự phòng rủi ro các khoản nợ xấu tồn đọng và dự kiến sẽ hoàn thành trích lập xong trái phiếu VAMC cuối năm 2020.

Đặc biệt, chất lượng tài sản đang có chuyển biến tích cực với tỷ lệ nợ xấu còn 1,2% và hệ số trích lập dự phòng rủi ro trên nợ xấu (LLR) cải thiện lên 120% từ 93% cuối năm 2018.

Có thể bạn quan tâm

  • VietinBank định hướng chiến lược như thế nào trong 2020?

    VietinBank định hướng chiến lược như thế nào trong 2020?

    20:39, 07/01/2020

  • Phát hành thành công 4.000 tỷ đồng trái phiếu, VietinBank khẳng định uy tín và vị thế

    Phát hành thành công 4.000 tỷ đồng trái phiếu, VietinBank khẳng định uy tín và vị thế

    14:52, 02/10/2019

  • VietinBank đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 2%

    VietinBank đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 2%

    10:09, 23/04/2019

  • Cổ phiếu CTG hút dòng tiền vì đâu?

    Cổ phiếu CTG hút dòng tiền vì đâu?

    05:01, 02/07/2019

  • Vì sao giá cổ phiếu CTG bứt phá trở lại?

    Vì sao giá cổ phiếu CTG bứt phá trở lại?

    13:31, 22/01/2019

  • Chuyển động mới tại CTG

    Chuyển động mới tại CTG

    12:00, 12/12/2018

Thách thức tăng vốn

Do chật vật trong tăng vốn điều lệ để đáp ứng chuẩn Basel II, nên kế hoạch kinh doanh năm 2020 được Ban Lãnh đạo Vietinbank đặt ra rất thận trọng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế ít nhất đạt 12,6 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 10%); tổng tài sản tăng trưởng 6- 7%; tăng trưởng tín dụng 8-10%; tăng trưởng huy động đạt 10-12%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2% và hệ số CIR dưới 40%; nâng tỷ lệ lãi thuần hợp đồng dịch vụ lên 15% trong năm 2020 (năm 2019 là 11,3%).

Theo ông Lê Đức Thọ- Chủ tịch HĐQT VietinBank, kế hoạch kinh doanh thận trọng của ngân hàng dựa trên giả định vốn trong năm 2020 được nâng lên chỉ nhờ giữ lại lợi nhuận năm 2017-2018, còn các kế hoạch nâng vốn khác chưa chắc chắn. Ngoài ra, ngân hàng cần phải giảm dần hệ số LDR theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN (giảm LDR từ 90% về 85%).

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ cải thiện vốn tự có bằng nguồn vốn cấp 2 như phát hành trái phiếu… Ngoài ra, VietinBank cũng đang tái cơ cấu các khoản đầu tư vào công ty con, các công ty góp vốn cổ phần theo hướng cổ phần hóa mạnh mẽ các đơn vị này.

Đáng chú ý trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 32/2018/NĐ-CP có đề cập đến ngành ngân hàng trong danh sách đầu tư của Nhà nước. Nếu Dự thảo này được ban hành, Vietinbank sẽ có thêm dư địa để huy động vốn bằng nhiều cách thức khác nhau nhằm sớm đáp ứng chuẩn Basel II. Và điều này đã được minh chứng khi mới đây Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định ngay quý 1/2020 sẽ dành 10.000 tỷ đồng để tăng vốn cho Vietinbank và Vietcombank.

Về cơ bản, VietinBank đã đáp ứng toàn diện các yêu cầu theo tiêu chuẩn Basel II về cơ cấu quản trị, quy trình, quy định kiểm soát nội bộ, hệ thống công nghệ thông tin. Ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt tăng vốn và thực hiện tăng vốn điều lệ, VietinBank sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chuẩn mực Basel II.

“Nới” cơ chế tăng vốn 

Đến cuối tháng 8/2019, tổng vốn điều lệ của 4 NHTM nhà nước là Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV đạt 139.000 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018; tổng tài sản đạt 5.081 nghìn tỷ đồng, tăng 5,29%, chiếm 43,01% toàn hệ thống; cho vay thị trường 1 đạt 3.652 nghìn tỷ đồng, chiếm 47,9%.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, việc mở rộng tín dụng của các NHTM nhà nước đang bị hạn chế do phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong điều kiện vốn điều lệ của các ngân hàng này chậm tăng trưởng, đặc biệt là đối với Agribank và VietinBank.

Hiện Agribank còn 100% vốn nhà nước, đang xúc tiến kế hoạch cổ phần hóa. VietinBank đến nay đã sử dụng hết các giới hạn về tăng vốn như tỷ lệ sở hữu nhà nước đã giảm tối đa, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài cũng đã được lấp đầy.

Trong khi đó, Vietcombank và BIDV đã lần lượt tăng vốn điều lệ thành công trong thời gian gần đây. Đặc biệt, BIDV vừa thực hiện chào bán xong 15% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và thu về khoản thặng dư lớn cùng vốn điều lệ tăng thêm.

Từ thực tế trên, NHNN đang đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa Nghị quyết số 25/2016/QH14, Nghị quyết số 26/2016/QH14, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 hoặc ban hành một Nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách Nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTM nhà nước.

Hà Phương