Sau chuỗi ngày ảm đạm, cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) tím trần, dẫn đầu nhóm ngân hàng thu hút dòng tiền và giúp chỉ số VN-Index tăng điểm.
Trong phiên giao dịch ngày 1/7 vừa qua, diễn biến thị trường càng trở nên tích cực hơn với dòng tiền lan tỏa đều khắp nhóm ngành, trong đó đáng chú ý là các cổ phiếu CTG, GAS... Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/7, CTG tăng 6,92% lên mức 20.850 đồng/cp, kéo theo các cổ phiếu bluechips, như BVH, FPT, MSN, VCB, VIC, VRE, VHM, PNJ, MWG... đồng loạt tăng mạnh, giúp VN- Index đóng cửa ở mức cao nhất trong phiên giao dịch đầu tháng 7/2019.
Có thể bạn quan tâm
13:31, 22/01/2019
12:00, 12/12/2018
04:20, 29/07/2018
09:21, 21/04/2018
10:09, 23/04/2019
Theo ông Nguyễn Thành Long- Nhà đầu tư trên sàn MBS, chỉ tính phiên giao dịch riêng ngày 1/7, cổ phiếu CTG đã tạo hiệu ứng đặc biệt với hơn 3,6 triệu đơn vị khớp lệnh, đây là khối lượng giao dịch lớn nhất của CTG sau khi giá cổ phiếu này xoay quanh vùng giá đáy trong suốt thời gian dài tính từ đầu năm 2018. "Với đà tăng này, nhiều khả năng cổ phiếu CTG sẽ cùng với một số cổ phiếu ngân hàng khác, như VCB... tiếp tục hút dòng tiền trong những phiên giao dịch sắp tới", ông Long nhận định.
Được biết, CTG vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2019, ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế đạt 3.153 tỷ đồng, cao thứ 2 trong hệ thống chỉ sau VCB.
Đến cuối tháng 3/2019, tổng tài sản của CTG sụt giảm 1,5% so với đầu năm xuống mức hơn 1,14 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng giảm giảm 0,8% so với đầu năm 2019 xuống 845.319 tỷ đồng. Huy động tiền gửi của khách hàng giảm 0,1% xuống mức 824.613 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý, trong khi dư nợ cho vay sụt giảm, thì thu nhập lãi thuần của CTG trong quý 1/2019 vẫn tăng 9,9% so với cùng kỳ, đạt 7.950 tỷ đồng. Ngoài ra, lãi từ hoạt động dịch vụ của CTG tăng đột biến 64%, đạt 969 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng có mức lãi đạt 414 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ.
Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 9.631 tỷ trong quý 1, tăng 9% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí hoạt động lại giảm 6,3% so với cùng kỳ, xuống còn 3.238 tỷ đồng.
Hiện nay, nhu cầu tăng vốn cũng đang cấp bách với CTG. Do đó, tại ĐHCĐ thường niên năm 2019, các cổ đông đã thông qua tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2018 của Ngân hàng với 2 phương án: chia toàn bộ cổ tức bằng cổ phiếu hoặc để lại toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn điều lệ. "Trong trường hợp không tăng được vốn, ngân hàng này phải điều chỉnh lại kế hoạch tăng trưởng", ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank khẳng định.
Theo quyết định của NHNN, CTG được phát hành trái phiếu với tổng giá trị phát hành là 10.000 tỷ đồng trong năm 2019. Lãi suất do ngân hàng quyết định, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và an toàn hoạt động. Nếu kế hoạch phát hành trái phiếu nói trên thành công, sẽ giảm đáng kể áp lực tăng vốn đối với CTG.
Theo Báo cáo tài chính riêng lẻ của CTG, đến cuối tháng 3/2019, nợ phải trả của CTG có 32.165 tỷ đồng đến từ trái phiếu, trong đó trái phiếu hữu danh loại kỳ hạn trên 5 năm là 26.515 tỷ đồng.
Trong vòng 3 tháng qua, giá cổ phiếu CTG đã giảm khoảng 7,13%, nhưng trong 1 tháng qua lại tăng 2,71% với khối lượng giao dịch bình quân đạt 2.745.940 cổ phiếu/ngày. Đáng chú ý, khối lượng giao dịch trong một tuần qua đã tăng lên mức bình quân 3.769.583 cổ phiếu/ngày.
Theo phân tích kỹ thuật, MACD đã phân kỳ dương và hướng dần lên trên đường zero, cho thấy dòng tiền đang chảy vào cổ phiếu này. Trong khi đó, Stochastic, RSI... cũng đang cho thấy tín hiệu tích cực. Theo đó, nếu vượt qua 22.000đ/cp, giá cổ phiếu CTG có thể sẽ tiếp tục thách thức với 23.500đồng/cp, kế tiếp là 24.500đ/cp. Tuy nhiên, nếu không vượt qua 24.500đ/cp trong ngắn hạn, thì CTG có thể sẽ điều chỉnh trở lại.