Đâu là mức giá mục tiêu của cổ phiếu FPT?

Hà Phương 23/03/2020 05:10

Dù giá cổ phiếu FPT của Công ty CP FPT (HoSE: FPT) đang có xu hướng giảm ngắn hạn, nhưng triển vọng trung và dài hạn vẫn tích cực.

Giá cổ phiếu đang chạm vùng đáy thấp nhất trong nhiều năm qua

Giá cổ phiếu FPT đang chạm vùng đáy thấp nhất trong nhiều năm qua

FPT vừa báo cáo kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm 2020. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT lần lượt đạt 4.182 tỷ đồng và 698 tỷ đồng, tăng 18,4% và 22,4% so với năm 2018, lần lượt tương đương 99% và 102% kế hoạch lũy kế. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế được cải thiện so cùng kỳ, đạt 16,7% (năm 2019 đạt 16,1%).

Thị trường nước ngoài mang về 1.877 tỷ đồng doanh thu cho FPT, tăng 26,1% so với cùng kỳ. Tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận thị trường nước ngoài đóng góp vào kết quả hợp nhất đạt lần lượt 45% và 37%. Riêng lợi nhuận trước thuế khối công nghệ đạt 235 tỷ đồng, tăng trưởng 36,9%, chủ yếu đến từ thị trường nước ngoài. Mảng dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) trong nước đi ngang trong khi tại nước ngoài, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của mảng này tăng lần lượt 31,4% và 32,2% so với cùng kỳ. 

Trong 2 tháng đầu năm 2020, thị trường châu Âu và thị trường châu Á - Thái Bình Dương (APAC) là điểm sáng của FPT khi lần lượt tăng trưởng 41% và 84% so với cùng kỳ. Thị trường Mỹ tăng trưởng ở mức 38%. Thị trường Nhật Bản đạt tốc độ tăng trưởng 17%, tương đương năm 2019.

Khối viễn thông của FPT đạt 1.762 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 12,3% và chủ yếu đến từ dịch vụ viễn thông. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của mảng dịch vụ viễn thông lần lượt tăng 13,4% và 46,6% so với cùng kỳ. Doanh thu cung cấp dịch vụ internet băng thông rộng tới các cá nhân và hộ gia đình ghi nhận tăng 11%, đạt 1.065 tỷ đồng . Tuy nhiên, mảng dịch vụ quảng cáo trực tuyến tăng trưởng âm, trong đó doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt giảm 12,7% và 17,8% so với cùng kỳ.

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, FPT đang gặp một số thách thức. Ở thị trường nước ngoài, Ấn Độ là điểm đến gia công CNTT hàng đầu cho các doanh nghiệp đang tìm kiếm một nền công nghiệp phần mềm phát triển với số lượng lớn các chuyên gia CNTT lành nghề. Ở vị trí thứ hai là Trung Quốc với thế mạnh là chi phí phải chăng và lao động năng suất cao. Do vậy, sự cạnh tranh đến từ hai quốc gia trên là một thách thức lớn cho FPT trong quá trình tìm kiếm thị phần toàn cầu.

Ở trong nước, sự cạnh tranh mạnh mẽ từ hai nhà mạng lớn có vốn nhà nước là Viettel và VNPT là thách thức lớn đối với FPT trong mảng kinh doanh viễn thông. Do vậy, để cạnh tranh, các chuyên gia cho rằng, FPT cần tăng cường chi tiêu cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng để mở rộng độ phủ, nhưng điều này sẽ dẫn tới chi phí đầu tư tăng.

Ngoài ra, sự thiếu hụt nhân lực CNTT và chi phí lao động gia tăng cũng tiềm ẩn rủi ro đối với FPT. Theo một khảo sát được thực hiện bởi Navigos Group, số lượng nhân viên trong ngành CNTT chỉ tăng trung bình 8% mỗi năm. Nhu cầu nhân lực CNTT tăng mạnh đã làm tăng đáng kể tiền lương của lao động trong lĩnh vực này, làm tăng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp CNTT nói chung và FPT nói riêng.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao Quỹ Tundra Vietnam “lỗ đậm” với cổ phiếu FPT?

    Vì sao Quỹ Tundra Vietnam “lỗ đậm” với cổ phiếu FPT?

    04:00, 13/02/2020

  • Những ước vọng chưa thành của FPT Retail

    Những ước vọng chưa thành của FPT Retail

    06:39, 21/01/2020

  • "Vua tôm" Minh Phú bắt tay FPT: Chuyển đổi số là con đường tất yếu

    23:53, 07/01/2020

  • Đà điều chỉnh của cổ phiếu FPT đã dừng lại?

    Đà điều chỉnh của cổ phiếu FPT đã dừng lại?

    05:00, 21/11/2019

Mặc dù kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm 2020 của FPT khá tích cực, nhưng giá cổ phiếu FPT liên tục giảm với thanh khoản hơn 1 triệu cổ phiếu/ phiên. Ngày 20/3, giá cổ phiếu FPT giao dịch ở mức 47.700 đồng/cổ phiếu, đây là vùng giá thấp nhất của FPT trong nhiều năm qua. Theo các chuyên gia chứng khoán, sở dĩ giá cổ phiếu FPT giảm mạnh là do các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu này trong vòng xoáy dịch COVID-19.

Đánh giá mới đây của Công ty Chứng khoán VNDirect cho thấy, doanh thu mảng công nghệ của FPT năm 2020 được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 20,4% so với năm 2019, đạt 19.010 tỷ đồng và sẽ vượt 1 tỷ USD vào năm 2022 nhờ chiến lược chú trọng vào chuyển đổi số. Doanh thu mảng viễn thông năm 2020 dự báo tăng 9,3% so với năm 2019. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của FPT được dự báo tăng 22,1% trong năm 2020. Do vậy, VNDirect khuyến nghị giá mục tiêu của FPT ở mức 74.000 đồng/cổ phiếu. Định giá của VNDirect dựa trên phương pháp tổng hợp thành phần (SOTP) và dựa trên P/E cho ba mảng kinh doanh chính. 

Hà Phương