VNM: Động lực nào sẽ giúp giá cổ phiếu hồi phục?

Nguyễn Long 29/04/2020 06:01

Sau đợt lao dốc đầu xuân Canh Tý do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, cổ phiếu VNM thời gian qua đã lấy lại đà hồi phục, thậm chí tăng kịch trần.

Thu gom cổ phiếu quỹ

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM) vừa công bố nghị quyết Hội đồng quản trị dự kiến mua lại 17,5 triệu cổ phiếu, tương đương 1% tổng khối lượng cổ phiếu đang lưu hành để làm cổ phiếu quỹ. Ngay sau thông tin trên, cổ phiếu VNM tăng kịch trần phiên ngày 24/4 lên mức 102.800 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức tăng 22% trong 1 tháng.

Diễn biến giá cổ phiếu VNM trong 2 tháng qua.

Diễn biến giá cổ phiếu VNM trong 2 tháng qua.

Ước tính VNM phải chi ra gần 1.800 tỉ đồng để mua hết số cổ phiếu nêu trên. Đây là lần mua cổ phiếu quỹ mạnh tay nhất của VNM kể từ khi doanh nghiệp lên sàn đầu năm 2006. Công ty hiện đang nắm giữ 310.099 cổ phiếu quỹ với giá trị ghi sổ 11,6 tỉ đồng. Trên thị trường, cổ phiếu VNM nằm trong xu hướng giảm điểm chung do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt là trong tháng 3. Cổ phiếu này có thời điểm đã rơi xuống vùng đáy 83.700 đồng/cổ phiếu, “bốc hơi” 28% so với thời điểm đầu năm.

VNM đã tăng 7,14% chỉ riêng trong tháng 4.

VNM đã tăng 7,14% chỉ riêng trong tháng 4.

Trước đó, 6 lãnh đạo của VNM như bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc, ông Lê Thành Liêm - Giám đốc Tài chính và ông Trịnh Quốc Dũng - Giám đốc Phát triển Vùng nguyên liệu... đã đăng ký mua vào 1,4 triệu cổ phiếu trong thời gian 24/3 - 22/4. Tuy nhiên, hết thời gian giao dịch, chỉ duy nhất mình Tổng giám đốc Mai Kiều Liên mua đủ 400.000 cổ phiếu đã đăng ký, đưa tổng số cổ phiếu mua vào đạt 472.690, tương đương với tỷ lệ giao dịch thành công là 33,8%.

Đánh giá về hoạt động mua lại cổ phiếu của VNM, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta Việt Nam nhận định: "Hiện cơ cấu sở hữu của VNM đã cho phép mở room khối ngoại lên 100%, nên cung cầu cổ phiếu thuần túy mang tính thị trường, không giống những năm trước đây khi VNM chỉ mở room 49% khiến nguồn cung khan hiếm hơn rất nhiều. Vấn đề khi mua cổ phiếu quỹ hay đăng ký mua vào số lượng lớn của ban lãnh đạo về bản chất họ muốn bình ổn giá trị của cổ phiếu trên thị trường".

Rủi ro lớn nhất của VNM trên thị trường thời gian qua là khối ngoại liên tục bán ròng gần 300 tỷ đồng, nằm trong xu hướng bán ròng chung của khối này trên thị trường do lo lắng diễn biến dịch COVID-19. Trong khi VNM lại nằm trong nhóm cổ phiếu tỉ trọng giao dịch giữa các quỹ rất lớn, nhất là các quỹ ETF do giá trị vốn hóa lớn. Vì vậy khi các quỹ tái cơ cấu, VNM có thể sẽ bị ảnh hưởng theo hướng ảnh hưởng tỉ trọng tương đối.

"Chính vì thế việc mua vào của ban lãnh đạo hỗ trợ giảm bớt áp lực bán của khối ngoại một phần, cùng với đó để ổn định tâm lý nhà đầu tư trong nước. Do vậy tôi cho rằng, động thái mua vào của lãnh đạo VNM là một động thái tích cực" - ông Nguyễn Thế Minh khẳng định.

"Việc thu mua cổ phiếu quỹ cũng là bước đi hết sức thận trọng của Vinamilk, trước đó họ cũng đã có ý định mua cổ phiếu quỹ nhưng họ lo ngại không biết tình hình dịch bệnh có kéo dài hay không, do vậy họ cần chờ những đánh giá cụ thể" - Giám đốc phân tích của Yuanta Việt Nam cho biết thêm.

Việt Nam trong thời gian vừa qua đã chứng minh kiểm soát tốt dịch bệnh. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh và tái khởi động nền kinh tế ở Trung Quốc cũng đã bước đầu ổn định trở lại. Đây chính là thời điểm tốt hỗ trợ cho VNM ra quyết định định mua vào cổ phiếu quỹ cũng như gia tăng tỉ lệ nắm giữ sở hữu của các lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt khi giá cổ phiếu VNM vẫn còn ở mức hấp dẫn để mua vào.

Có thể bạn quan tâm

  • Nữ tướng Vinamilk gửi tâm thư đến cán bộ nhân viên mùa COVID-19

    04:14, 19/03/2020

  • Vinamilk hỗ trợ 10 tỷ đồng mua thiết bị y tế giúp phát hiện nhanh Virus SARS-COV-2

    17:52, 16/03/2020

  • Vinamilk ký hợp đồng xuất khẩu sữa trị giá hàng chục triệu USD tại Hội chợ Quốc tế Gulfood Dubai 2020

    00:38, 21/02/2020

Kỳ vọng trong giai đoạn 2019-2021

Theo báo cáo thường niên 2019, VNM kỳ vọng doanh thu năm 2020 không thấp hơn 62.000 tỷ đồng, tức tăng ít nhất 10% so với năm 2019. Lãi sau thuế ước tính không thấp hơn 20% trên doanh thu (tức 12.400 tỷ đồng), con số này bằng 97% thực hiện năm trước.

Nhìn lại năm 2019, VNM đã giữ vững đà tăng trưởng bền bỉ với doanh thu 56.400 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2018. Lãi trước thuế và lãi sau thuế lần lượt đạt 12.796 tỷ đồng và 10.554 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 3%.

Đáng chú ý trong năm vừa qua, VNM đã có thành công trong hoạt động xuất khẩu khi có bước tiến vào thị trường Trung Quốc rộng lớn và đầy tiềm năng. Theo đánh giá của SSI Research, Trung Quốc là một thị trường cạnh tranh cao nhưng rất hấp dẫn, chỉ cần chiếm một phần nhỏ trong thị trường 60 tỷ USD này cũng có thể rất có ý nghĩa cho tăng trưởng trong tương lai của các công ty sữa Việt Nam.

Trong khi đó, VNDIRECT cho rằng doanh số xuất khẩu của VNM có sự tiến triển rõ rệt từ sau khi Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu sản phẩm sữa Việt Nam vào tháng 4/2019. Doanh thu của VNM ở nước ngoài dự phóng tăng trưởng kép 15% trong giai đoạn 2019-2021 nhờ tiềm năng của thị trường Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm

  • [TRUYỀN HÌNH TRỰC TIẾP] Doanh nghiệp với người tiêu dùng chung tay trong đại dịch COVID-19

    [TRUYỀN HÌNH TRỰC TIẾP] Doanh nghiệp với người tiêu dùng chung tay trong đại dịch COVID-19

    14:30, 24/04/2020

  • Doanh nghiệp với người tiêu dùng chung tay trong đại dịch COVID-19

    Doanh nghiệp với người tiêu dùng chung tay trong đại dịch COVID-19

    13:58, 24/04/2020

  • [COVID-19] Đến ông lớn Lazada cũng mở hướng cung cấp thực phẩm tươi sống, giao hàng nhanh 2 giờ

    [COVID-19] Đến ông lớn Lazada cũng mở hướng cung cấp thực phẩm tươi sống, giao hàng nhanh 2 giờ

    16:56, 15/04/2020

  • COVID-19 và nguy cơ

    COVID-19 và nguy cơ "đứt gãy" chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu

    07:00, 15/04/2020

  • Chuỗi cung ứng thực phẩm tại ASEAN mong manh trước đại dịch COVID-19

    Chuỗi cung ứng thực phẩm tại ASEAN mong manh trước đại dịch COVID-19

    05:13, 26/04/2020

Là quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc hứa hẹn sẽ là bước đệm để VNM nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đang bị đình trệ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Điều này phần nào đã tác động tới chiến lược phát triển của VNM tại thị trường này, trong khi đây lại là một trong những động lực tăng trưởng chính của VNM.

Đáng chú ý, bất chấp dịch bệnh diễn ra, ngày 16/04/2020, VNM đã hoàn tất các công đoạn sản xuất để xuất khẩu lô sữa đặc Ông Thọ đầu tiên sang Trung Quốc, trong khi nước này vẫn đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt. 

Tại Trung Quốc, xu hướng nhập khẩu sữa đặc có tiềm năng tăng trưởng, cụ thể sản lượng nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi trong 4 năm từ 2016 đến 2019. Trong khi đó, sữa đặc lại là một trong những dòng sản phẩm chủ lực của VNM, được công ty xuất khẩu từ năm 1997-1998. Tính đến nay, sản phẩm này có mặt tại 30 quốc gia bao gồm các nước có tiêu chuẩn cao như: Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc,… với tổng sản lượng xuất khẩu đạt hơn 208.000 tấn, là thương hiệu được người tiêu dùng cũng như các đối tác quốc tế tin tưởng.

Chính vì vậy, đây sẽ là cơ hội cho VNM trong việc gia tăng doanh thu xuất khẩu tại thị trường đông nhân nhất thế giới, đồng thời phấn đấu đưa Việt Nam trở thành 1 trong 5 quốc gia xuất khẩu sữa đặc lớn nhất vào Trung Quốc về sản lượng.

Bên cạnh thị trường Trung Quốc, VNM vẫn còn những “trụ đỡ” khác trong chiến lược tăng trưởng của mình. Một trong số đó là thương vụ M&A với GTNfoods (HOSE: GTN), theo đó, VNM đã chính thức sở hữu 75% vốn tại GTNfoods qua đó tham gia điều hành CTCP Sữa Mộc Châu. CTCP Chứng khoán Bản Việt - VCSC ước tính, VNM đã chi khoảng 3.400 tỷ đồng để thâu tóm 75% cổ phần của GTNfoods. Lợi thế thương mại từ giao dịch này là 1.570 tỷ đồng.

Việc thâu tóm thành công GTN, giúp VNM nâng quy mô đàn bò quản lý và khai thác lên khoảng 155.000 con. VCSC cho rằng, đây là diễn biến tích cực cho VNM vì các khoản thoái vốn này của GTNfoods sẽ giúp đơn giản hóa cấu trúc doanh nghiệp của GTNfoods, đồng thời mang lại tiền mặt cho công ty để tập trung vào mảng sữa.

Đặc biệt, Sữa Mộc Châu cũng có nhiều cơ hội xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc với khoảng cách địa lý gần, chất lượng sữa tươi đảm bảo. Hiện tại Sữa Mộc Châu đang hoàn thành các thủ tục đăng ký xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc với sản lượng trước mắt dự kiến từ 15-20 nghìn tấn sữa/năm.

Về tình hình hiện tại của doanh nghiệp, năm 2020 VNM có nhiều chiến lược như: Thực hiện kỳ vọng nắm quyền chi phối tại GTN: Mở rộng thị trường cũng như đưa ra sản phẩm mới thuộc phân khúc thanh thiếu niên - phân khúc khách hàng tiêu thụ lớn và ổn định kéo dài.

Yuanta Việt Nam nhận định bên cạnh đó, một điểm tích cực khác lúc này dành cho VNM là thị trường châu Á hiện tại đã ổn định hơn so với các khu vực khác như Mỹ, Châu Âu. Điều này giúp VNM thoát "từ trường" ảnh hưởng thông tin của hiện tượng nguồn sữa ứ đọng tại một số khu vực Âu, Mỹ. Cùng với đó xu hướng cách ly tại nhà ở châu Á khá dễ thở và nhu cầu sữa đã quay trở lại.

Với những kế hoạch như đã phân tích ở, kỳ vọng tăng trưởng của VNM đang khá thuận lợi. Điều đó cũng hứa hẹn giá trị cổ phiếu của VNM cũng sẽ tăng tốt hơn. "Với những doanh nghiệp lớn như VNM việc tăng trưởng về doanh thu từ 5-10% và dần quay lại mức tăng 2 con số thì đó là những điểm tích cực cho doanh nghiệp trong năm 2020. Do đó, tôi cho rằng định giá của VNM sẽ dần ổn định và hấp dẫn trở lại" - ông Nguyễn Thế Minh khẳng định.

Nguyễn Long